Cần nhận dạng, thích ứng với thay đổi tại thị trường Trung Quốc khi XK nông sản
Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị 'Phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc', chiều 13/9.
Thị trường cực kỳ tiềm năng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trung Quốc vẫn là thị trường cực kỳ tiềm năngcho nông sản nước ta với thu nhập bình quân 11.000 USD/người. Các nhóm nông sản của Việt Nam đều được người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích.
Trung Quốc là thị trường lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới. Nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam về phục vụ tiêu dùng nội địa và sản xuất chế biến hàng xuất khẩu rất lớn và đa dạng.
Kể từ sau khi Trung Quốc thiết lập hàng rào chất lượng nông sản, sản lượng rau quả chính ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng 30%, có những nhóm hàng tăng gần gấp đôi. Nếu làm tốt theo yêu cầu của phía bạn thì việc tăng giá trị xuất khẩu chính ngạch mặt hàng nông sản của Việt Nam không gặp nhiều khó khăn.
Nhiều thay đổi cần nhận dạng
Mặc dù tiềm năng lớn, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đưa ra cảnh báo nếu doanh nghiệp Việt không nhận dạng được những thay đổi từ thị trường Trung Quốc thì hiệu quả xuất khẩu sẽ thấp.
Ông Cường phân tích sâu về những thách thức mà hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc mà các doanh nghiệp Việt đang gặp phải. Đó là thời gian qua, phía bạn đã chuyển hình thức thương mại từ chỗ tổng hợp nhiều hình thức xuất nhập khẩu thành một hình thức duy nhất là xuất nhập khẩu chính ngạch (từ 1/6/2019).
Đây là thay đổi chính đáng vì người dân ở đâu cũng có nhu cầu về chất lượng ngày càng cao về sản phẩm nhập khẩu. Nếu không nắm bắt, chuyển hóa kịp thời thì Việt Nam sẽ lúng túng.
“Trung Quốc đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung cho nông nghiệp, chấn hưng nông nghiệp. Chính vì vậy nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu giảm, gặp nhiều khó khăn. Nếu không nhận dạng được những thay đổi này thì hiệu quả xuất khẩu sẽ thấp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Những thay đổi chính đáng từ phía Trung Quốc cần phải được doanh nghiệp cũng như các ban ngành nắm rõ để tìm ra các biện pháp thích ứng. Đây là lý do Hội nghị “Phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc” lần này tập hợp đông đủ lãnh đạo, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản, thậm chí có cả Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, Trưởng đại diện Chi nhánh tại Nam Ninh, Quảng Châu, Côn Minh (Trung Quốc) tham dự nhằm mục tiêu rà soát, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng tổ chức lại sản xuất, xuất khẩu, góp phần tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc và phát triển xuất khẩu nông thủy sản bền vững sang thị trường này thời gian tới.
Bàn về giải pháp nhận diện và thích ứng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất: “Chúng ta cần quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đồng thời thông tin, định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi”.
Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội, ưu đãi từ các hiệp định thương mại và tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất ngành hàng này.
Cùng với đó, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất kế hoạch phổ biến, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách liên quan đến xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.
Trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước và để phát triển xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam một cách bền vững, cần phải tổ chức sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, nâng cao công tác quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.