Cần nhanh chóng ban hành tiêu chí kinh tế xanh
Nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp phải sản xuất theo mô hình kinh tế xanh nhưng hiện ở Việt Nam vẫn chưa có tiêu chí cụ thể cho loại hình này.
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) hay kinh tế xanh là khái niệm không còn xa lạ với doanh nghiệp (DN) Việt. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đặt ra tiêu chuẩn sản phẩm xanh là yếu tố quan trọng để tiếp tục mua hàng hay không. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn chưa ban hành tiêu chí cụ thể cũng như các chính sách hỗ trợ cho từng ngành hàng.
Ngành may mặc chi hàng triệu USD để sản xuất xanh
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết từ năm 2016, theo yêu cầu của khách hàng châu Âu, DN đã sản xuất sản phẩm xanh theo tiêu chuẩn OEKOTEX. Công ty đầu tư các máy móc, thiết bị công nghệ cao, thân thiện với môi trường cho một nhà máy sản xuất thời trang với bốn dây chuyền. Mức đầu tư lên tới 12 triệu USD.
Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường là đơn vị được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng tờ trình kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ.
“Trong cam kết với khách hàng, đến thời điểm này công ty đã đạt 75% các tiêu chí xanh. Từ nay đến giai đoạn 2025-2030, công ty phải đáp ứng thêm một số tiêu chí nữa như cân bằng tiêu chuẩn carbon” - ông Việt cho hay.
Ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy (Long An), cho biết hiện nay các khách hàng của công ty đang chuyển đổi tiêu dùng sản phẩm xanh. Sau một năm chuẩn bị, với chi phí hơn 10 triệu USD, cuối năm 2022, nhà máy dệt nhuộm của công ty đã đạt chứng nhận xanh.
“Tháng 3 vừa qua, công ty xuất hai container vải sợi hữu cơ sang Mỹ. Đặc biệt, dòng sản phẩm mới này đang được các nhãn hàng Mỹ, châu Âu quan tâm nên chúng tôi đã phát triển 20 loại vải sợi hữu cơ” - ông Quy chia sẻ.
Theo ông Quy, giá thành sản phẩm xanh tăng 20%-30% so với sản phẩm truyền thống nên giai đoạn này DN vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kinh tế xanh là xu hướng chung nên DN vẫn phải đáp ứng, chờ thị trường phục hồi.
Ông Trần Văn Tắc, Giám đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt, cho biết các đối tác của công ty đang đưa ra các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh nhưng chưa gắt lắm và đơn vị cũng chuẩn bị chuyển đổi.
Hiện công ty muốn làm theo một số yêu cầu của nhãn hàng là sử dụng nguyên liệu tái chế và có chứng nhận. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có cơ quan chức năng nào chứng nhận mang tính quốc tế để nhà mua hàng chấp nhận.
Cùng lo lắng trên, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TP.HCM, cho hay theo yêu cầu của thị trường, DN muốn xuất khẩu phải có chứng nhận tái chế toàn cầu (GRS). Hiện nay DN mua nguyên phụ liệu tái chế từ nước ngoài thì có giấy chứng nhận này. Tuy nhiên, khi về Việt Nam sản xuất ra thành phẩm, DN muốn được cấp chứng nhận GRS lại không biết cơ quan nào chứng.
“Đây là vấn đề DN trong ngành da giày đang bế tắc, chưa kể nguyên liệu tái chế còn giá cao hơn nguyên liệu chính nên vô cùng khó khăn” - ông Khánh nhấn mạnh.
Cần xác định khả năng đáp ứng xanh
Theo ông Trần Văn Tắc, hiện nay các DN chủ yếu thực hiện tiêu chuẩn xanh theo yêu cầu của các nhãn hàng nhưng có tiêu chuẩn DN đáp ứng được, có tiêu chuẩn chưa thể đáp ứng. Ví dụ, khách hàng châu Âu yêu cầu nhà máy của công ty phải có chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính, nếu không có DN phải mua chứng chỉ và giá cao.
“Vấn đề hiện nay không chỉ riêng các DN, hiệp hội, mà Nhà nước cần ban hành các tiêu chí phát triển kinh tế xanh để DN dựa vào cải tạo, đầu tư… Đồng thời cần có một tổ chức đánh giá chứng nhận xanh mang tính quốc tế” - ông Tắc nói.
Cùng quan điểm trên, TS Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường - Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết mô hình KTTH trên thế giới có bốn cấp độ. Cụ thể, cấp quốc gia; cấp khu công nghiệp sinh thái; mô hình sản xuất, kinh doanh cụ thể của từng DN; cấp độ sản phẩm.
Theo TS Mạnh, Luật Bảo vệ môi trường nêu trách nhiệm các bộ, ngành, DN lồng ghép KTTH từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; cho đến quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải. Nghị định 08/2022 đã quy định rõ về tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH nhưng hiện nay thiếu cơ quan điều phối việc triển khai, thực thi.
Ông Bùi Phước Hòa, chuyên gia Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết đa số DN Việt với nội lực yếu cần xác định khả năng đáp ứng xanh bền vững để đi đúng hướng. Đồng thời, các nhà cung cấp, sản xuất, phân phối cũng cần liên kết để duy trì hoạt động cho nhau.
Liên quan đến KTTH, Bộ KH&ĐT đang hoàn thiện dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH. Nghị định sẽ là cơ sở để các DN có thể thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến KTTH trong thời gian tới. Nghị định cũng sẽ tạo điều kiện để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho KTTH tại Việt Nam.
Quy định cụ thể cho từng ngành nghề
Tại tọa đàm thách thức và giải pháp thúc đẩy KTTH trong ngành công thương vừa diễn ra, TS Nguyễn Duy Thái, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, cho biết năm 2022, Chính phủ ban hành Quyết định 687 phê duyệt đề án phát triển KTTH. Trong đó, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương xây dựng hoàn thiện tiêu chí KTTH.
Đồng thời, trong đề án có yêu cầu Bộ KH&ĐT xây dựng dự thảo nghị định thí điểm mô hình KTTH ban hành trong quý I-2023. Đến quý II-2023 bộ này mới xin ý kiến góp ý. Từ khía cạnh quản lý nhà nước cho thấy vẫn còn chậm.
Theo ông Mạnh, cần có các quy định cụ thể dành cho các ngành nghề, lĩnh vực nhằm thúc đẩy KTTH phát triển. Trong đó, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, xác định rõ các ngành, lĩnh vực nào ưu tiên…
“Chúng tôi đang lấy ý kiến từng bộ, ngành và tham vấn từng hiệp hội để đánh giá lựa chọn các ngành ưu tiên. Tinh thần chung KTTH là cơ hội, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có quyền áp dụng giải pháp KTTH sớm hơn kế hoạch có hiệu lực” - ông Mạnh nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/can-nhanh-chong-ban-hanh-tieu-chi-kinh-te-xanh-post737772.html