Cần nhanh chóng hiện thực hóa các chủ trương về chuyển đổi xanh

Quốc hội, Chính phủ đã định hướng chủ trương, ban hành chiến lược liên quan đến chuyển đổi xanh nhưng để thành công cần sớm hiện thực hóa vào cuộc sống.

Đồng thuận chủ trương chuyển đổi xanh

Sớm bắt nhịp xu hướng phát triển chung của thế giới, về mặt chính sách Việt Nam đã đồng thuận chủ trương về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Nói về điều này, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, các nghị quyết, chủ trương chung về phát triển nhanh, bền vững, về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021- 2030 thông qua tại Đại hội XIII cũng như đề cập rất rõ trong các nghị quyết như Nghị quyết 24 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI; Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII và một loạt lĩnh vực chuyên ngành đều có nghị quyết về mặt dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Đảng như Nghị quyết 55 về vấn đề năng lượng; Nghị quyết 52 về chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0, Nghị quyết 06 về đô thị trong đó liên quan đến hạ tầng xanh, vật liệu xanh; hay Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông thôn.

Chính phủ cũng ban hành các chiến lược như Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược Biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; triển khai hàng loạt các kế hoạch, đặc biệt trong đó là Quy hoạch điện VIII.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Có thể khẳng định, về mặt chủ trương, đường lối và các chiến lược chính sách rất đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề là cần đưa chủ trương vào cuộc sống và triển khai đồng bộ các chiến lược, kế hoạch”, ông Hiển nhấn mạnh.

Theo ông Hiển, thực tế, không thể phủ nhận, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh.

Điển hình như chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. So với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15-20% và năm 2045 đạt khoảng 25-30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 16,5%. Tín dụng xanh tăng trưởng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Năm 2023, Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD; năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 ha canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000 ha); có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ…

Đây là những con số minh chứng trong các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, qua theo dõi có thể thấy, để đạt được yêu cầu chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh còn nhiều thách thức.

Để chuyển đổi xanh, phải nhất quán quan điểm đây là sự nghiệp chung của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức và phải thúc đẩy, tập trung 3 trụ cột là thể chế, khoa học công nghệ, nguồn lực, nhất là tài chính”, ông Hiển nhấn mạnh thêm.

6 vấn đề lớn cần ưu tiên thực hiện

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, để có thể thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi xanh, hướng nền kinh tế tới phát triển bền vững có 6 vấn đề lớn cần tập trung trong thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối chung, chiến lược đã có trong lĩnh vực kinh tế xã hội thành các chương trình hành động cụ thể để triển khai đúng, kịp thời, theo lộ trình về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển nhanh, bền vững.

Việt Nam đạt những thành tựu trong chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh

Việt Nam đạt những thành tựu trong chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh

Thứ hai, rà soát, đánh giá thực chất kết quả triển khai 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể nêu trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030.

Trong đó, cần đặc biệt lưu ý về kết quả triển khai các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế; khoa học, công nghệ; và các ngành tạo phát thải khí nhà kính lớn như năng lượng; công nghiệp; giao thông vận tải và dịch vụ logistics; nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thứ ba, xác định khoa học và công nghệ và yếu tố nền tảng, then chốt để đạt được các mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong tăng trưởng xanh như: Xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Thứ tư, định hình tư duy và chiến lược mới về thu hút FDI trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Thứ năm, cần đổi mới tư duy và cách tiếp cận trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi xanh thông qua việc xây dựng những tiêu chí, quy định và các chương trình hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp.

Trong đó, đặc biệt quan tâm đến khả năng tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững vì đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thành công của chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.

Thứ sáu, có cơ chế, chính sách thúc đẩy tài chính xanh, tín dụng xanh khi Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 (hoặc khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0.

Còn theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần huy động thêm 144 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2050, tương ứng 2,2% của GDP, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Riêng về tài chính xanh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng nhận định là thách thức lớn. Tuy vậy, chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội mở ra cánh cửa cho sự đổi mới, tạo ra các nguồn lực mới, mở ra thị trường mới.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP 26 đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-nhanh-chong-hien-thuc-hoa-cac-chu-truong-ve-chuyen-doi-xanh-314138.html