Cần nhanh chóng tạo hành lang pháp lý tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh
Trước tình hình thực hiễn hiện nay, đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh quốc gia.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (QPAN&ĐVCN). Việc thông qua Luật này là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường tiềm lực QPAN, xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, phù hợp với hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định “Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”; đồng thời, nhấn mạnh “Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, CNQP, AN, năng lượng...”, “Thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, hiện đại”, “Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết, đầu tư nguồn lực hỗ trợ các cơ sở dân sinh phục vụ CNQP, CNAN.
Cơ cấu lại các cơ sở CNQP, hình thành các cơ sở CNAN bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại theo hướng lưỡng dụng, hiện đại”. Các Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP cũng xác định những quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước; trong đó định hướng xây dựng và phát triển CNQP là nhiệm vụ cơ bản vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là ngành đặc thù, phải được chăm lo xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù và được ưu tiên trong đầu tư phát triển, phải coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học công nghệ (KHCN), huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ CNQP.
Nghị quyết cũng đề ra sách lược ĐVCN và huy động công nghiệp dân sinh trong phát triển CNQP là huy động sự tham gia tích cực, đầy đủ của công nghiệp quốc gia trong các khâu, các bước của CNQP, nhất là việc huy động đội ngũ cán bộ KHCN và các cơ sở công nghiệp dân sinh sản xuất các nguyên, vật liệu chính cho CNQP; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp then chốt của quốc gia để tham gia sâu, thiết thực hơn vào hoạt động CNQP; thực hiện mở rộng phạm vi hoạt động của KHCN dân sinh tham gia nghiên cứu phục vụ CNQP. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” đã tiếp tục đề ra giải pháp về chú trọng đầu tư nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu; xây dựng, phát triển CNAN theo hướng lưỡng dụng, có chiều sâu, ngày càng hiện đại, tự chủ, có trình độ khoa học và công nghệ cao.
Hiện nay, cơ sở pháp lý chung điều chỉnh lĩnh vực CNQP, CNAN và ĐVCN cao nhất là Hiến pháp 2013 (Điều 14, Điều 68), Luật Quốc phòng 2018, Luật Công an nhân dân và các Luật chuyên ngành khác. Cơ sở pháp lý trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực CNQP là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực ĐVCN là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, điều chỉnh lĩnh vực CNAN là Nghị định 63/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào tầm Luật điều chỉnh trực tiếp về CNQP, AN và ĐVCN để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, nhất là luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển CNQP, AN; đồng thời, để thống nhất với các Luật ban hành trong thời gian qua quy định về vấn đề này như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quy hoạch, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, … do đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật để điều chỉnh những quy định về CNQP, CNAN và ĐVCN đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Xây dựng tiềm lực QPAN tự lực, tự cường
Qua tổng kết thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng trên phạm vi toàn quốc cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay việc thực thi các Pháp lệnh về CNQP, ĐVCN đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập.
Kết quả tổng kết quá trình xây dựng và phát triển CNAN từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay cũng đã chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập như: Việc thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về CNAN của Bộ Công an chưa tập trung và còn phân tán ở nhiều đầu mối cơ quan trực thuộc; thẩm quyền, trách nhiệm, phân cấp, phân quyền trong xây dựng, phát triển CNAN chưa đồng bộ, kịp thời và hiệu quả.
Hệ thống cơ sở CNAN chủ yếu là đơn vị sự nghiệp công lập (09 doanh nghiệp, 58 cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất) lại bố trí phân tán, chưa hình thành hệ thống độc lập. Kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho CNAN còn hạn hẹp; việc huy động các nguồn lực để đầu tư cho CNAN có nhiều hạn chế; nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ còn thấp.
Nhiều dây chuyền sản xuất của cơ sở CNAN đã dần lạc hậu, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ, dẫn đến năng lực sản xuất của các doanh nghiệp an ninh hạn chế, sản phẩm CNAN có chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, thiếu tính cạnh tranh, dẫn đến tỷ lệ cung ứng sản phẩm CNAN thấp.
CNAN phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế được giao: việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra; trình độ kỹ thuật, công nghệ còn yếu; nguồn nhân lực CNAN thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, đặc biệt chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhà khoa học kỹ thuật đầu ngành, chuyên gia quản trị doanh nghiệp và công nhân lành nghề có trình độ, kinh nghiệm kỹ thuật, tay nghề cao. Công tác nghiên cứu, thiết kế sản phẩm chưa hiệu quả, chưa sản xuất, nghiên cứu được sản phẩm yêu cầu công nghệ, kỹ thuật cao…
Bên cạnh đó, thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm qua và dự báo trong tương lai cho thấy, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin; tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chịu sự tác động mạnh của xung đột quân sự Nga - Ucraina.
Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng cao nhất trong lịch sử, nhiều loại vũ khí mới ra đời, trong đó vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, tấn công an ninh mạng được sử dụng là chủ yếu; đồng thời, phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến.... để tiến hành chiến tranh rất đa dạng.
Tình hình an ninh phi truyền thống, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao và những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng gia tăng...; các thế lực thù địch triệt để sử dụng môi trường không gian mạng để tiến hành các hoạt động xâm hại an ninh quốc gia, tuyên truyền chống chế độ, kích động biểu tình, bạo loạn, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” đối với nước ta....
Trước tình hình đó đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực CNQP, AN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, quy hoạch sắp xếp các cơ sở CNQP, AN phù hợp với thế trận phòng thủ chiến lược, đáp ứng yêu cầu đảm bảo tại chỗ cho các lực lượng khi có tình huống xảy ra; thực hiện ĐVCN rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh quốc gia.
Từ các lý do nêu trên, việc xây dựng Luật Công nghiệp QPAN&ĐVCN là rất cần thiết, nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ CNQP, CNAN và ĐVCN trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.