Cần nhất là ý thức người dân tự phòng dịch
Ngày 7-5, Điện Biên ghi nhận một trường hợp F1 dương tính với SARS-COV-2, mà trước đó kết quả xét nghiệm lần một của trường hợp này là âm tính. Thực tế đó khiến mỗi người Điện Biên cần coi trọng cảnh giác, nâng cao ý thức chủ động phòng bệnh trong cộng đồng.
Ngày 7-5, Điện Biên ghi nhận một trường hợp F1 dương tính với SARS-COV-2, mà trước đó kết quả xét nghiệm lần một của trường hợp này là âm tính. Thực tế đó khiến mỗi người Điện Biên cần coi trọng cảnh giác, nâng cao ý thức chủ động phòng bệnh trong cộng đồng.
Không giống lần ghi nhận ba ca bệnh trước (gồm các BN 1970, 1971, 1972) được phát hiện đầu tháng 2-2021, BN 3096 được phát hiện tại Điện Biên lần này có lịch di chuyển, tiếp xúc và biểu hiện bệnh phức tạp hơn. BN 3096 và chồng là ông Đ.T.T. (HKTT tại tổ 2, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ), đã cùng di chuyển từ Đà Nẵng đến Hà Nội ngày 29-4 trên chuyến bay VN160 có đoàn chuyên gia Trung Quốc; đến 15 giờ cùng BN và chồng tiếp tục bay về Điện Biên trên chuyến bay VN8204.
Trở về từ Hà Nội, BN 3096 và chồng đã đi lại nhiều nơi, tiếp xúc khá nhiều người và mãi tới ngày 2-5 khi có thông báo khẩn của Bộ Y tế về việc tìm các trường hợp cùng chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng - Hà Nội thì BN đã đến trạm y tế phường Nam Thanh khai báo và thực hiện cách ly theo quy định. Ngày 3-5 kết quả xét nghiệm lần một của BN 3096 và các trường hợp F1 khác đều âm tính, nhưng đến ngày 7-5 xét nghiệm lần hai của BN 3096 đã khẳng định dương tính.
Thực tế này đã không chỉ khiến cấp ủy, chính quyền địa phương mà nhân dân vô cùng lo lắng bởi như đã biết, ngoài nguy cơ cao nguồn lây từ BN 3096 ra cộng đồng thì Điện Biên đã và đang còn nhiều nguy cơ từ nguồn lây khác, thí dụ như các trường hợp F1 liên quan BN 2899, ổ bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nguồn bệnh ở Sa Pa… Trên hai tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào qua địa phận tỉnh Điện Biên có chiều dài hơn 455 km với rất nhiều đường mòn, lối mở luôn tiềm ẩn nguy cơ người xuất - nhập cảnh trái phép, người dân địa phương đi lao động từ nơi khác trở về trốn khai báo cũng là nguồn nguy cơ cao.
Để giữ gìn biên giới bình yên, bảo đảm an toàn cho người dân, kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, hàng trăm cán bộ chiến sĩ BĐBP đã không quản gian khổ ngày ngày đi tuần, canh chốt và tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc biên giới thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Khó khăn, gian khổ các anh đã trải qua không báo cáo nào kể hết nhưng mỗi người lính bộ đội biên phòng luôn kiên định với nhiệm vụ chống dịch lâu dài dù phía trước nhiều gian khó, hiểm nguy.
Hôm qua, phát biểu tại buổi họp khẩn chỉ đạo phòng, chống dịch do Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức, Đại tá Trần Nam Trung, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên đã khẳng định: Mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng đều chung quyết tâm thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, lối mòn; chủ động đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xuất - nhập cảnh trái phép; 100% cán bộ, chiến sĩ tại các tổ, chốt làm việc 24/24, không để người dân hai bên biên giới qua lại địa bàn và cũng không để đối tượng xấu lợi dụng xâm nhập.
Trong nội địa, các lực lượng: công an, y tế, chính quyền các cấp cũng căng mình thực hiện các việc truy vết, nắm tình hình dân cư và tuyên truyền phòng chống dịch. Tại các bản vùng cao, biên giới ở Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé bà con nhân dân cũng ngày đêm góp sức cùng chính quyền, ngành chức năng để truy vết F1, F2; đồng thời “gõ từng nhà” nắm danh sách lịch trình di chuyển từng người trong mỗi gia đình.
Trong các khu cách ly tập trung, cán bộ chiến sĩ các đơn vị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng quần quật với các việc đón tiếp, chăm sóc, bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho hàng nghìn người khắp các nơi thực hiện cách ly. Việc mỗi ngành mỗi khó, mỗi địa phương một vất vả đặc thù và không ai đếm việc kể công. Chính bởi vậy, chỉ thời gian ngắn sau khi phát hiện ba ca bệnh Covid-19 hồi đầu năm 2021, Điện Biên đã khẩn trương hoàn thành truy vết, khoanh vùng, tập trung chữa trị cho ba bệnh nhân khỏi bệnh và đặc biệt không để lây nhiễm ra cộng đồng. Nhịp sống trở lại bình thường; nhân dân yên tâm, tin tưởng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch.
Nhưng lần này, diễn biến dịch trong nước phức tạp hơn; ca bệnh mới tại địa bàn di chuyển, tiếp xúc cũng nhiều hơn, cho nên khó khăn với Điện Biên trong công tác phòng, chống dịch vì thế cũng nhiều hơn trước. Chẳng đâu xa, chỉ riêng BN 3096 đã có tới 119 F1 và 536 F2 liên quan (tại thời điểm trưa ngày 7-5); công tác truy vết các trường hợp liên quan người đi từ bệnh viện nhiệt đới về địa bàn đang rất khó; thêm vào đó còn có trường hợp người liên quan là F2 không hợp tác thực hiện các biện pháp phòng dịch; trang thiết bị phục vụ tuyên truyền phòng dịch ở cơ sở thiếu hoặc hư hỏng… là những nguyên nhân khiến công tác phòng chống dịch càng thêm khó.
Nắm rõ những mối nguy và hiểu rõ tồn tại trong công tác phòng, chống dịch, tại buổi họp khẩn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch vào trưa 7-5, ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng cần phát huy trách nhiệm, tinh thần đoàn kết và kinh nghiệm khoanh vùng, dập dịch lần trước để khẩn trương, thần tốc truy vết, cách ly các trường hợp F1, F2 trên địa bàn. Các cơ sở cách ly phải giám sát, thực hiện nghiêm quy định quản lý người trong khu cách ly, đảm bảo không để lây nhiễm chéo.
Xác định công tác tuyên truyền, phòng chống dịch tại cơ sở, cộng đồng có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng hiện ở nhiều thôn, bản vùng cao lại không có trang thiết bị truyền thông hoặc có nhưng bị hỏng không sử dụng được, do vậy ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Sở Thông tin - Truyền thông phải rà soát lại, xem xét trang bị loa, đài cho cơ sở kịp thời thay vì chờ đợi tổng hợp từ huyện rồi cuối năm mới mua sắm.
Với việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên yêu cầu phải thực hiện nghiêm, tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, tham ô, lợi ích nhóm khi mua sắm trang thiết bị phòng dịch. “Nếu để xảy ra thất thoát dù chỉ một đồng thôi cũng phải xử lý nghiêm. Tòa án lương tâm không cho phép chúng ta làm như thế!” - ông Nguyễn Văn Thắng, nhấn mạnh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng, ngay trong chiều 7-5, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành công văn chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, ngoài các dịch vụ đã có chỉ đạo dừng hoạt động trước đó, như: bar, karaoke, từ chiều ngày 7-5 UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo dừng hoạt động cơ sở rạp chiếu phim, sân vận động, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bia hơi, các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, phòng tập gym, yoga, aerobic…; dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; không được tổ chức đám cưới, tang lễ có hơn 20 người tham dự. Các cơ sở du lịch, tham quan được phép mở cửa nhưng phải bảo đảm yêu cầu 5K và các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Chỉ đạo từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên là rất cụ thể, rõ ràng, song để thực hiện hiệu quả, để Điện Biên không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19 thì thiết nghĩ không cấp nào, ngành nào làm thay được mà trước nhất là mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.