Cần nhiều giải pháp để người dân lưu giữ, lưu truyền văn hóa, nghệ thuật truyền thống
'Cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt phải lưu giữ, lưu truyền. Điều này phải làm bằng nhiều cách, làm từ từ, không thể ngày một ngày hai là có ngay kết quả', Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng nay.
Một số bộ môn nghệ thuật truyền thống có thể “khép lại” nếu không có phương án bảo tồn
Quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho biết, hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật trên toàn quốc đang bị thu hẹp về quy mô, giảm về chất lượng.
Nhiều ngành, nhiều chuyên ngành không tuyển sinh được; số lượng chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn cao, cán bộ quản lý về văn hóa có chuyên môn ngày càng giảm, các cơ sở đào tạo nghệ thuật gặp khó khăn trong việc tự chủ.
Với trách nhiệm tư lệnh ngành, đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết nguyên nhân, giải pháp để nâng cao chất lượng và tăng số lượng, đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn tới?
Đại biểu cũng nêu rõ, tại Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật theo Quyết định 1341 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ đối tượng thụ hưởng là học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở nghệ thuật trong cả nước có tài năng, năng khiếu vượt trội.
"Tuy nhiên, kinh phí để thực hiện Đề án theo Quyết định chỉ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và không phân bổ cho các địa phương".
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, phải chăng học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo ở địa phương không đủ tài năng nên không được thụ hưởng trong khi Bộ vẫn báo cáo Chính phủ và Quốc hội là thiếu nguồn tuyển khi thực hiện Đề án? Phải chăng có sự “phân biệt đối xử” giữa các trường của Bộ với các trường của địa phương, nếu không thì giải pháp giải quyết vấn đề này là gì?
Trả lời nội dung chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, nếu trong bối cảnh hiện nay không có các giải pháp quyết liệt thì có một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ bắt đầu “khép lại”.
Bởi, theo Bộ trưởng, “đầu vào” là không có, trong khi đó, phải có nhu cầu, có “đầu vào” thì các cơ sở mới có thể tiến hành tuyển sinh và đào tạo. Bộ đã tập trung nghiên cứu, khảo sát trên nhu cầu, nguyện vọng, năng khiếu, sự yêu thích và trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng với quốc tế, có những bộ môn nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị tác động nếu như không có phương án bảo tồn.
Do đó, Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai không chỉ trong các trường thuộc Bộ mà áp dụng trên cả nước đối với các ngành: nhạc công hát kịch dân tộc, đờn ca tài tử, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, biểu diễn nhạc cụ truyền thống...
Hàng năm, Bộ cũng gửi công văn về tất cả các địa phương đề nghị phát hiện những nhân tố có năng khiếu và gửi báo cáo, đề xuất. "Song, đến nay, Bộ vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể từ các địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Về lâu dài, phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần phải lưu giữ, lưu truyền. “Điều này phải làm bằng nhiều cách, làm từ từ, không thể ngày một ngày hai là có ngay kết quả”, Bộ trưởng nói.
Tập trung chăm lo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước
ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết, du lịch là một trong tám ngành, nghề nằm trong Thỏa thuận ngành nghề được thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (MRA-TP). Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình thực hiện Thỏa thuận MRA đối với dịch vụ du lịch tại Việt Nam? Việc thừa nhận, công nhận lẫn nhau giữa các nước về bằng cấp, chứng chỉ nghề du lịch trong thời gian qua, giải pháp của Bộ trước tác động của vấn đề này đối với nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã có rất nhiều cảnh báo rằng khi thực hiện Thỏa thuận MRA nếu lực lượng lao động của nước ta không vươn lên thì lực lượng lao động các nước khác sẽ tham gia thị trường.
Phân tích dự báo cho thấy, trong lực lượng lao động du lịch có khoảng 70% nhân lực làm dịch vụ lưu trú, 20% nhân lực làm dịch vụ lữ hành, còn 10% thuộc các dịch vụ khách. Do đó, Bộ luôn đề nghị các cơ sở du lịch phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này để bảo đảm đáp ứng được yêu cầu.
"Còn một khi đã hội nhập, công nhận bằng cấp chứng chỉ của nhau thì rõ ràng “bên này thiếu, bên kia sẽ vào, chúng ta không thể dùng hàng rào kỹ thuật khác để ngăn chặn nguồn lực lao động này”, Bộ trưởng nói.
Cho biết, hiện vẫn chưa có lực lượng của các nước khác vào Việt Nam để lao động trong các lĩnh vực, nhưng lực lượng nhân sự quản lý cấp cao tại một số điểm lưu trú là người nước ngoài đang làm, Bộ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp trên cơ sở định hướng về mặt đào tạo thì phải tập trung chăm lo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước để đủ sức cạnh tranh với thị trường lao động du lịch của ASEAN khi Việt Nam tham gia các công ước quốc tế.