Cần nhiều giải pháp xóa bỏ chợ 'cóc'

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố còn hơn 560 điểm kinh doanh tự phát mà người dân hay gọi là chợ tự phát, chợ 'cóc', ở khắp các quận, huyện. Hầu hết các điểm kinh doanh này đều lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường…

Chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường ảnh hưởng đến an toàn, trật tự giao thông và mỹ quan đô thị.

Chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường ảnh hưởng đến an toàn, trật tự giao thông và mỹ quan đô thị.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố còn hơn 560 điểm kinh doanh tự phát mà người dân hay gọi là chợ tự phát, chợ “cóc”, ở khắp các quận, huyện. Hầu hết các điểm kinh doanh này đều lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường…

Với quyết tâm lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, từ đầu năm 2017, chính quyền thành phố đề ra nhiều giải pháp để giải tỏa chợ tự phát, nhưng kết quả đạt được không cao. Chợ tự phát ở đường số 3 và số 1 thuộc phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) tồn tại hơn mười năm, nằm ngay trên đường dẫn vào chợ Bình Long, kéo dài hơn 1 km, có gần 100 sạp bán đủ các mặt hàng. Người mua hàng chỉ cần dừng xe, mọi giao dịch đều diễn ra ngay tại chỗ. Nhiều người bán còn bày hàng ra giữa lòng đường. Ngay đầu chợ, những mâm gà, cá làm sẵn để la liệt, nước thải được người bán đổ thẳng ra đường hoặc hất ra các bãi đất trống gần đó, khiến không gian trở nên nhếch nhác. Tắp vào một sạp thịt, thử hỏi nguồn gốc miếng thịt heo, người bán chẳng buồn giải thích, chỉ gọn lỏn: “Thịt bảo đảm không ôi thiu. Ăn vào có gì tui chịu trách nhiệm (!?)”.

Tương phản hoàn toàn với sự tấp nập của chợ tự phát, chỉ cách đó 200 m, nhà lồng chợ Bình Long vắng lặng. Các tiểu thương cho biết, vì buôn bán ế ẩm, không cạnh tranh được với chợ tự phát cho nên nhiều người đã trả sạp, ra lề đường ngồi bán. Theo anh Nguyễn Ảnh Tươi, chủ đầu tư chợ Bình Long, chợ “cóc” nằm ngay lối ra vào chợ Bình Long, gây khó khăn cho tiểu thương trong nhà lồng chợ. Họ thuê sạp, đăng ký, đóng thuế và chịu trách nhiệm an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm mình bán ra nhưng không cạnh tranh được với hàng trôi nổi ngoài chợ “cóc”. Từ năm 2012 đến nay, đã có 113 sạp phải đóng cửa. Để tạo điều kiện cho người bán tiếp cận tốt nhất với người mua, chủ đầu tư vừa đập bỏ một phần ba số sạp để người mua có thể chạy xe máy vào tận trong chợ, nhưng tình hình vẫn không thay đổi.

“Dẹp chợ “cóc” không phải chuyện dễ. Sau nhiều lần “đuổi” không hiệu quả, UBND phường Bình Hưng Hòa A đã mời những người bán họp, vận động họ chuyển vào nhà lồng chợ Bình Long buôn bán, thậm chí miễn tiền thuê sạp từ ba đến sáu tháng, nhưng chỉ vào chợ chưa đầy một tháng là họ lại chuyển ra ngoài. Lần này, chúng tôi sẽ thống kê lại các hộ kinh doanh, tập trung tuyên truyền. Với những hộ sinh sống tại địa phương, sẽ có cán bộ đến từng nhà vận động, gợi ý để họ sắp xếp lại việc buôn bán. Với những hộ ở địa phương khác, chúng tôi sẽ gửi thông báo nhờ địa phương đó hỗ trợ”, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A Trần Duy Thông cho biết. Tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), nhiều năm qua người dân cũng bị ảnh hưởng vì điểm nóng kẹt xe ở khu vực đường Quách Điêu - Vĩnh Lộc do chợ “cóc” dọc theo hai con đường này luôn tấp nập. Cách đó khoảng 1 km còn có hai chợ tự phát trên đường Thới Hòa (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) và đường Nữ Dân Công cũng là điểm nóng kẹt xe, mất an toàn giao thông nhiều năm. Tương tự, gần cổng Khu công nghiệp PouYuen (quận Bình Tân), Tân Tạo, Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) tồn tại nhiều chợ “cóc” mua bán vào mỗi buổi chiều công nhân tan ca. Thậm chí, tại quận 1, cũng có một số điểm chợ “cóc” như hẻm 137 phố Trần Đình Xu, hẻm bên hông chợ Thái Bình…

Vấn đề dẹp “chợ cóc” đã được thành phố triển khai từ lâu, nhưng chẳng những không có kết quả mà chợ ngày càng phát triển hơn. Sở Công thương thành phố đang hoàn thiện đề án quy hoạch thị trường bán lẻ TP Hồ Chí Minh, trong đó có đề cập đến vấn đề chợ tạm.

Huyện Bình Chánh có đến 33 điểm kinh doanh tự phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng cho biết: Giải quyết bài toán chợ tự phát không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian. Trước mắt, những tuyến đường trọng điểm về giao thông như quốc lộ 50 sẽ được ưu tiên tăng cường lập lại trật tự lòng lề đường. Một số khu vực khác tạm thời sẽ kẻ vạch sơn để người bán có ý thức giữ gìn trật tự hơn. Trong năm nay, huyện sẽ hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể chợ, cửa hàng bán lẻ, siêu thị, trên cơ sở đó sắp xếp dần các điểm kinh doanh tự phát. Định hướng của huyện là dần phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị, điểm bán hàng bình ổn với khoảng sáu cửa hàng tiện ích, sáu siêu thị, 44 điểm bán hàng bình ổn và ba nhà sách có bán hàng tiêu dùng thay các chợ tự phát.

UBND quận 1 cũng chia sẻ quan điểm là nên sắp xếp việc buôn bán tại các điểm kinh doanh tự phát hoặc cho người dân buôn bán theo giờ, thay vì dẹp hẳn, vì còn là chuyện dân sinh, là cơm áo gạo tiền của người nghèo. Trước mắt, có thể chia thành những khu vực kẻ vạch sơn cho người dân buôn bán trong trật tự; đồng thời, vận động, hướng dẫn, buộc họ khám sức khỏe, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm… Quận đang kiến nghị thành phố tháo gỡ các vướng mắc chung quanh chính sách hỗ trợ tiểu thương tại ba chợ tạm Tôn Thất Đạm, hẻm 41, Nguyễn Văn Tráng và Cô Giang. Dù ba chợ này tính chất khác với các chợ tự phát, nhưng quá trình di dời, vận động cũng gặp không ít khó khăn, tốn nhiều thời gian.

NGUYÊN QUỐC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/34765902-can-nhieu-giai-phap-xoa-bo-cho-%E2%80%9Ccoc%E2%80%9D.html