Cần nhiều hơn một cuộc thi tài năng múa
Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc - 2023 đã khép lại tối 26/8 vừa qua trong sự phấn khởi, hân hoan của những người làm nghề. Nhiều tài năng múa đã được phát hiện từ cuộc thi lần này, chứng tỏ nghệ thuật múa chưa bao giờ hết sức hút. Tuy nhiên, nhiều người trăn trở, làm thế nào để những tài năng nghệ thuật múa tiếp tục tỏa sáng?
Cú “hích” cho nghệ thuật múa sau thời gian “ngủ đông” vì dịch COVID-19
Diễn ra trong 6 ngày, 62 thí sinh đến từ 26 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tranh tài tại 3 bảng thi (Bảng A: Múa Cổ điển Châu Âu (Ballet) và Neo Classic – (tạm dịch Tân Cổ điển); Bảng B: Múa Đương đại; Bảng C: Múa Dân gian dân tộc, Múa Dân gian đương đại và Múa truyền thống) đã mang đến cho khán giả yêu múa một bữa tiệc nghệ thuật thịnh soạn, đầy đủ gam màu cuộc sống. Sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch bệnh, cuộc thi là cú “hích”, tạo đà để nghệ thuật múa tiếp tục phát triển.
Cảm nhận chung của khán giả khi theo dõi cuộc thi tại Nhà hát Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) là sự tươi mới, trẻ trung, tràn đầy năng lượng của các thí sinh. Theo quy định, các thí sinh phải nằm trong độ tuổi 16 đến 35, chưa từng đoạt giải Nhất (Huy chương Vàng) trong các cuộc thi nghệ thuật múa chuyên nghiệp trước đây do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Quy định này được đánh giá là phù hợp để khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ có cơ hội cọ xát và trưởng thành.
Các thí sinh có sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng; tác phẩm được lựa chọn trình diễn cơ bản phù hợp với trình độ, khả năng diễn xuất của thí sinh. Không có sự chênh lệch quá lớn về trình độ giữa các thí sinh, giữa các bảng thi. Qua cuộc thi, đã xuất hiện những tài năng múa trẻ, rất trẻ, vừa có thể biểu diễn, vừa có thể sáng tác, được kỳ vọng sẽ là những “hạt giống đỏ” để ươm mầm, phát triển nghệ thuật múa Việt Nam thế hệ kế tiếp.
Chất lượng thí sinh ở bảng múa Cổ điển châu Âu và Neo Classic tốt và đồng đều nhất. Các thí sinh đã tự tin thể hiện tài năng, sự tinh tế, điêu luyện trong kỹ thuật và phong cách biểu diễn. Điều này cũng xuất phát từ lợi thế của múa Cổ điển châu Âu khi đã hình thành một hệ thống động kỹ thuật chuẩn mực. Phần trình diễn của các thí sinh khẳng định bước tiến mới trong sự tiếp cận quy chuẩn hàn lâm của ngôn ngữ múa cổ điển châu Âu. Công tác huấn luyện, đào tạo và biểu diễn múa Cổ điển châu Âu ở Việt Nam ngày càng tiệm cận gần hơn với thế giới.
Bảng múa đương đại cũng cho thấy sự đa dạng trong sử dụng ngôn ngữ múa. Các diễn viên múa đã biểu lộ được sự giải phóng của cơ thể, sự khoáng đạt, tự do trong thể hiện ngôn ngữ múa. Điều đó chứng tỏ, múa đương đại đã được du nhập, ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một phần tất yếu trong đời sống nghệ thuật múa nước nhà.
Bảng Múa dân gian dân tộc, múa dân gian đương đại và múa truyền thống được nhiều khán giả mong chờ, bởi đây là dòng múa thể hiện rõ nhất “hồn cốt” của dân tộc. Múa dân gian các dân tộc Việt Nam không có thế mạnh về kỹ thuật như múa Cổ điển châu Âu hay đương đại nên người diễn viên không có nhiều “đất” để thể hiện những bước bay, nhảy lớn.
Kỹ thuật của múa dân gian dân tộc nằm ở sự tinh tế, điêu luyện, tỉ mỉ trong từng động tác và thần thái của người diễn viên. Nhìn chung, các thí sinh đã vận dụng tốt các chất liệu múa dân gian, có sự sáng tạo để vừa có thể truyền đạt nội dung tác phẩm, giữ được sắc thái đặc trưng của mỗi dân tộc, vừa bộc lộ được kỹ năng, kỹ xảo của thí sinh.
NSND. TS Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo nhận định, “nhiều thí sinh đã biểu lộ được tố chất tài năng và tỏa sáng trong cuộc thi. Điều đó cho thấy các thí sinh đã tiếp cận được tính chuyên nghiệp, thể hiện khá nhuần nhuyễn, phong cách chuẩn mực của từng thể loại múa trong cuộc thi”.
Để yêu múa, cần hiểu múa
Nhìn từ cuộc thi này và thực tiễn đời sống văn hóa nghệ thuật trong nước, có thể thấy rằng, múa đương đại đang trở thành dòng múa có tính phổ thông nhất. Điều này dễ hiểu, bởi múa đương đại bắt nguồn từ cuộc sống hiện đại, thể hiện rõ nét nhất nhịp sống, tâm tư, tình cảm của con người trong thời đại ngày nay. Múa đương đại tự do, phóng khoáng, không có giới hạn trong sáng tạo ngôn ngữ múa, phá vỡ những quy chuẩn của múa Cổ điển châu Âu.
Không chỉ trên sân khấu chuyên nghiệp, múa đương đại ngày càng trở nên phổ biến với những người yêu nghệ thuật múa trên các sân chơi văn nghệ quần chúng. Ban Tổ chức cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc 2023 cũng cho rằng, với dòng múa đương đại, cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp trong sáng tạo và biểu diễn, tránh hiện tượng phát triển ngôn ngữ múa một cách tự do, vô lối và thiếu tính thẩm mỹ. Sáng tác múa đương đại không có nghĩa là tự do, vô nguyên tắc mà cần nhận thức rằng, múa là ngôn ngữ, múa đương đại là một loại ngôn ngữ múa và ngôn ngữ là “cái vỏ” để thể hiện thông điệp của người làm nghệ thuật.
Tôi vẫn cho rằng, “phần hồn cốt” để phát triển nghệ thuật múa Việt Nam chính là mạch nguồn múa dân gian dân tộc, mặc dù đây là dòng múa không được nhiều khán giả trẻ, diễn viên múa trẻ yêu thích. Múa Cổ điển châu Âu, múa đương đại, suy cho cùng cũng chỉ là phương tiện, cầu nối để đưa Việt Nam bắt nhịp với dòng chảy nghệ thuật múa thế giới. Đó là cái để chúng ta “hòa nhập”, còn cái để “không bị hòa tan”, để “định vị Việt Nam” trên bản đồ văn hóa thế giới chính là múa dân tộc.
Một trong những hạn chế mà Ban Giám khảo cuộc thi năm nay chỉ ra đối với múa dân gian dân tộc là các nghệ sĩ cần phải tiết chế những kỹ thuật, kỹ xảo cá nhân không xuất phát từ yêu cầu nội dung tác phẩm, không phù hợp với đặc trưng ngôn ngữ múa dân tộc, vô tình làm mất đi những giá trị bản sắc múa dân tộc.
So với cuộc thi tài năng biểu diễn Múa được tổ chức gần đây nhất (năm 2020), cuộc thi năm nay có số lượng thí sinh tham gia ít hơn. Cuộc thi năm 2020 được tổ chức tại 2 khu vực (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), quy tụ hơn 100 thí sinh. Phải chăng, cuộc thi năm nay chưa đủ sức hút hay tài năng múa Việt đã giảm sút? Cuộc thi thiếu vắng những gương mặt tài năng từ các đoàn nghệ thuật “tỉnh lẻ”. Đáng tiếc nhất là công tác truyền thông về cuộc thi chưa được lan tỏa rộng rãi.
Phát biểu tại Lễ Tổng kết các cuộc thi, PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các đơn vị chức năng tham mưu chế độ đãi ngộ với nghệ sĩ, đặc biệt là cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ để thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng của loại hình nghệ thuật múa, múa rối và kịch nói. Chủ trương là vậy, nhưng để có được một chính sách tốt là cả một chặng đường rất dài.
Múa là nghệ thuật mang tính trừu tượng và ước lệ cao. Vẻ đẹp của múa nằm ở tạo hình, sự chuyển động hình thể của người diễn viên trên nền giai điệu và tiết tấu âm nhạc. Để yêu múa, trước tiên cần phải hiểu múa. Ngoài phát triển các sân chơi chuyên nghiệp, Hội Nghệ sĩ múa và các cơ quan quản lý văn hóa cần có những sân chơi bán chuyên nghiệp hoặc quần chúng để quảng bá, nâng cao nhận thức về nghệ thuật múa cho cộng đồng. Được biết, tới đây, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam sẽ tổ chức “Tuần lễ múa Việt Nam 2023” với nhiều hoạt động trải dài, quy mô toàn quốc. Hy vọng, “Tuần lễ múa Việt Nam 2023” sẽ góp thêm tiếng nói để nhiều người hiểu và thêm yêu nghệ thuật múa.
Kết quả cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc -2023:
5 Giải Nhất và 17 Giải Nhì, trong đó:
- Bảng A: 1 giải Nhất: Lê Tuấn Anh (Học viện Múa Việt Nam), 5 giải Nhì.
- Bảng B: 3 giải Nhất, 6 giải Nhì. Ba giải Nhất gồm: Trương Thị Bích Hạnh (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội); Nguyễn Huỳnh Như (Trường Trung cấp Múa TP. Hồ Chí Minh); Vũ Quang Đạt (Công ty TNHH Phát triển sáng tạo nghệ thuật HT Media Hà Nội).
- Bảng C: 1 giải Nhất (Nguyễn Thị Hoàng Yến (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), 6 giải Nhì.