Cần nhiều phép thử cho liên minh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn

Cho dù cả ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều lên tiếng ca ngợi kết quả Hội nghị thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên trong lịch sử như Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden hào hứng cho rằng mở ra 'kỷ nguyên mới trong hợp tác Mỹ - Nhật - Hàn', song trên thực tế còn nhiều trở ngại, khó khăn cho việc thiết lập một liên minh tay ba này.

Bước nâng cấp quan hệ hợp tác giữa 3 đồng minh

Nhìn nhận về kết quả Hội nghị thượng đỉnh ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol diễn ra ngày 18-8 tại Trại David (Mỹ), Tổng thống chủ nhà Joe Biden đánh giá cao các đồng minh thân thiết của Washington ở Đông Bắc Á nói riêng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Ông Joe Biden cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc là những đồng minh “có năng lực và không thể thiếu”, đồng thời các thỏa thuận đạt được tại Trại David tượng trưng cho “một khởi đầu mới trong hợp tác ba bên”.

Cần nhiều phép thử mới biết mối quan hệ ba bên Mỹ - Nhật - Hàn bền chặt thế nào

Cần nhiều phép thử mới biết mối quan hệ ba bên Mỹ - Nhật - Hàn bền chặt thế nào

Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hết lời ca ngợi kết quả cuộc gặp thượng đỉnh tay ba Mỹ - Nhật - Hàn, trong đó Thủ tướng Kishida nhấn mạnh: “Việc chúng tôi - ba nhà lãnh đạo, gặp nhau theo cách này, tôi tin rằng chúng tôi thực sự đang làm nên một trang sử mới. Cộng đồng quốc tế đang ở một bước ngoặt trong lịch sử”. Trong khi đó, phát biểu khi cả ba nhà lãnh đạo xuất hiện trước các phóng viên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói: “Hôm nay sẽ được ghi nhớ như một ngày lịch sử, nơi chúng tôi thiết lập một cơ sở thể chế vững chắc và các cam kết đối với quan hệ đối tác ba bên”.

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trước đó từng có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc ba bên nhưng đều diễn ra bên lề một hội nghị, sự kiện quốc tế nào đó mà chưa có một hội nghị thượng đỉnh độc lập nhằm thắt chặt quan hệ giữa các đồng minh này. Tổng thống Joe Biden là người đầu tiên đề xuất mời hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc tới Trại David để tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên độc lập vào tháng 5 vừa qua trong bối cảnh quan hệ Nhật - Hàn ấm dần lên.

Những gì diễn ra và đạt được trong hội nghị thượng đỉnh tay ba đầu tiên Mỹ - Nhật - Hàn cho thấy, nhà lãnh đạo 3 quốc gia này đã thể chế hóa việc nâng cấp quan hệ hợp tác giữa 3 đồng minh truyền thống, cụ thể hóa tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Trong đó, Tuyên bố chung mang tên “Tinh thần Trại David” được đưa ra khi kết thúc hội nghị đã nhấn mạnh tới một số thỏa thuận chính sau: Lãnh đạo 3 nước cam kết nhanh chóng tham vấn để ứng phó với các thách thức, hành vi khiêu khích và răn đe trong khu vực. Ba nước cam kết cải thiện cơ chế liên lạc ba bên đảm bảo kênh thông tin thường xuyên, kịp thời; nhất trí thiết lập cơ chế gặp mặt thường niên giữa lãnh đạo cấp cao, các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, cố vấn an ninh quốc gia, cũng như kênh giữa các Bộ trưởng Tài chính, Thương mại. Ngoài ra, 3 nước cam kết cụ thể để nâng cao hợp tác trong phục hồi chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và an ninh năng lượng, công nghệ sinh học, khoáng sản thiết yếu, dược phẩm, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và nghiên cứu khoa học.

Đề cập đến các hoạt động của CHDCND Triều Tiêu ở khu vực Đông Bắc Á, lãnh đạo 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc yêu cầu nước này tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ba nước tuyên bố sẽ triển khai hoạt động tập trận thường niên, đa lĩnh vực để tăng cường khả năng phối hợp giữa các lực lượng.

Về các vấn đề khu vực, lãnh đạo Mỹ - Nhật - Hàn khẳng định vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như sự ủng hộ cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt. Cam kết hỗ trợ năng lượng bền vững và thúc đẩy an ninh nguồn nước, khả năng chống chịu khí hậu tại lưu vực sông Mekong, phối hợp các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực đối với các nước ASEAN và các nước Thái Bình Dương để tăng cường khả năng bổ trợ, tương hỗ và tính hiệu quả.

Về Biển Đông, lãnh đạo ba nước chia sẻ quan ngại đối với các hành động không phù hợp với trật tự thế giới dựa trên luật lệ, cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng, kiên quyết phản đối việc quân sự hóa các thực thể được cải tạo cũng như thực hiện các hành động cưỡng chế. Ngoài Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tuyên bố cũng nhắc tới phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) tháng 7-2016, cho rằng quyết định này đặt cơ sở pháp lý cho việc giải quyết hòa bình các xung đột trên biển.

Tiềm ẩn những nhân tố rủi ro

Cuộc gặp ba bên Mỹ - Nhật - Hàn diễn ra trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực và thế giới có nhiều biến động, làm thay đổi tư duy chính sách đối ngoại cũng như an ninh của mỗi quốc gia. Cuộc xung đột quân sự tại Ukraine tác động sâu sắc tới không chỉ các mối quan hệ và an ninh ở châu Âu mà còn với nhiều khu vực khác trên thế giới. Trong khi đó, vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên với một trong những tâm điểm là vấn đề hạt nhân cùng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc khiến Mỹ và các đồng minh ở khu vực này không chỉ dựa vào mối quan hệ đồng minh song phương Mỹ - Nhật Bản hay Mỹ - Hàn Quốc để ứng phó.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden với các tiếp cận khác biệt nhiều với chính quyền tiền nhiệm đã tìm cách đẩy mạnh củng cố và xây dựng các cơ chế hợp tác đa phương với các đồng minh trên toàn cầu và tiểu đa phương với các đồng minh ở từng khu vực. Trong sự chuyển hướng quan điểm này, Chính quyền Tổng thống Joe Biden xác định, quan hệ ba bên Mỹ - Nhật - Hàn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Washington muốn tạo ra một khuôn khổ hợp tác bền vững và ổn định trước những thay đổi về lãnh đạo tại ba quốc gia cũng như những biến động phức tạp của khu vực và thế giới.

Mặc dù không có các cam kết tương tự như Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO mà theo đó một cuộc tấn công đối với một quốc gia được coi là tấn công toàn khối, song lãnh đạo 3 nước đã bổ sung bằng một số sáng kiến cụ thể mới về quân sự, đó là các chương trình tập trận chung ba bên, chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác phòng thủ tên lửa đạn đạo…

Thể chế hóa hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn với những thỏa thuận hợp tác cụ thể được xem là một bước tiến trong hợp tác giữa Mỹ với hai đồng minh ở Đông Bắc Á và chắc chắn sẽ có những tác động nhiều mặt, đa chiều với không chỉ khu vực này mà còn cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có lẽ còn quá sớm khi dùng với các mỹ từ như “trang sử mới”, “kỷ nguyên mới” hay “bước ngoặt lịch sử”… bởi giữa các quốc gia này, nhất là giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, còn khá nhiều nhiều khác biệt, thậm chí xung khắc khó có thể dung hòa trong một sớm một chiều. Trong đó, đáng kể nhất là những mâu thuẫn lịch sử, lợi ích hiện tại, nhất là về cạnh tranh kinh tế của các bên khác nhau… sẽ là trở lực không nhỏ với bất cứ nỗ lực thắt chặt hợp tác như là ba đồng minh của nhau.

Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn còn tiềm ẩn các yếu tố rủi ro, có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào gây rạn nứt. Viễn cảnh một liên minh tay ba còn cần nhiều phép thử để biết sẽ bền chắc ra sao.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-nhieu-phep-thu-cho-lien-minh-ba-ben-my-nhat-han-post549517.antd