Cần những bài học từ thí điểm trả phí dịch vụ môi trường rừng
Bộ NN&PTNT đã đưa ra phương án 4 địa phương được lựa chọn thí điểm là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam với 20 đơn vị là các cơ sở sản xuất có nguồn khí phát thải lớn.
Còn nhiều lo ngại
Ngày 7/8 Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội thảo về Thí điểm chi trả Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với Dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng.
Tổng cục Lâm nghiệp đã đưa ra dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ khí Các-bon (CO2) của rừng, những đơn vị phát thải khí CO2 lớn ra ngoài môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ phải trả phí.
Đến nay, toàn quốc đã có 42 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương, huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2019 đạt hơn 12.510 tỷ đồng, bình quân trên 1.200 tỷ đồng/năm. Tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý bảo vệ 5,8 triệu ha rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, bên dịch nguồn thu từ thủy điện, du lịch, sử dụng nước, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ khí CO2 sẽ giúp nguồn thu dịch vụ môi trường rừng tăng lên đáng kể, từ đó giúp nâng cao thu nhập của người trồng rừng, đồng thời tăng hiệu quả công tác bảo vệ rừng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Với 172 tỷ đồng thu được, 4 tỉnh triển khai thí điểm có thể chi trả đến các hộ gia đình trồng và bảo vệ rừng; phục vụ công tác bảo vệ rừng, giảm áp lực ngân sách”, ông Trị nói.
Theo TS Nguyễn Chí Thành, Nguyên Phân viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ - đại điện đơn vị triển khai thí điểm tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế cho biết khi làm vệc với khoảng 70 doanh nghiệp để thực hiện thí điểm thì các doanh nghiệp rất đồng tình và coi đây là một biện pháp giảm phát thải cùng với việc cải tiến công nghệ sản xuất và các biện pháp tại chỗ. Tuy nhiên, để tham gia vào chương trình thí điểm thì hầu hết các doanh nghiệp đều lưỡng lự vì làm phát sinh chi phí sản xuất và chưa có cơ chế hỗ trợ hoặc tính toán đặc thù cho các đơn vị tham dự thí điểm.
TS Thành cũng nêu quan điểm: Cần phải thực hiện để có những bài học từ thực tế để triển khai. Theo đánh giá của tôi sự vào cuộc của các đơn vị từ Trung ương đến chính quyền địa phương đã giúp chương trình chạy được 75% rồi, cần sự vào cuộc của các hiệp hội, tập đoàn và đặc biệt là ý thức xã hội của doanh nghiệp thì chương trình sẽ thành công.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Đông Triều (Quảng Ninh) khẳng định, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia để góp phần bảo vệ môi trường, ủng hộ việc thí điểm này bởi nhiệt điện than có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, phần chi phí này phải được tính vào giá điện. Bên cạnh đó, cần có lộ trình để cho doanh nghiệp thực hiện.
Quyết tâm phát triển kinh tế xanh
4 địa phương được lựa chọn thí điểm là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam với 20 đơn vị là các cơ sở sản xuất có nguồn khí phát thải lớn gồm: 9 tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than (phát thải từ 1,5 – 7,3 triệu tấn CO2/cơ sở/năm); 11 tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh xi măng (phát thải từ 0,7 – 3,1 triệu tấn CO2/cơ sở/năm).
Đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than, mức thu sẽ là 4 đồng/kwh (tương đương 2 USD/tấn CO2); đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh xi măng mức thu là 2.100 đồng/tấn Clanker (tương đương 1,35 USD/tấn CO2). Tổng số tiền thu được dự kiến đạt 172 tỷ đồng.
Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho thấy, kết quả kiểm kê khí nhà kính quốc gia đã chỉ ra thì nhóm các nhà máy nhiệt điệt và xi măng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Trong đó, trên 99% phát thải của các nhà máy này là khí CO2. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có bất kỳ cơ chế tài chính nào với khí CO2.
Trong khi đó, việc định giá khí thải CO2 là cơ chế để các doanh nghiệp trả một khoản tiền tương ứng với lượng CO2 họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh đã được nhiều nước thực hiện.
Tính đến năm 2018, đã có 52 sáng kiến định giá khí thải CO2 đã được triển khai hoặc dự kiến được thực hiện ở 46 quốc gia. Các sáng kiến này được dự kiến sẽ bù đắp được 11 tỷ tấn CO2, chiếm 19,5% lượng khí thải toàn cầu, với tổng giá trị 79,62 tỷ USD.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Việt Nam đang thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế xanh với quyết tâm cao, từng bước hình thành thị trường tín chỉ CO2 bởi đây là một xu thế tất yếu, là công cụ quan trọng mà toàn cầu đang tập trung thực hiện.
Việt Nam đã làm được một số việc, cam kết thực thi có trách nhiệm các cam kết quốc tế. Dù việc thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các-bon của rừng có khó khăn thì là việc phải làm sớm, bắt buộc phải làm theo đúng thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.
“Tổng cục Lâm nghiệp tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ tham mưu cho Bộ NNPTNT trình Thủ Tướng Chính phủ trong tháng 10/2019 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1586/VPCP-NN ngày 26/02/2019 của Văn phòng Chính phủ. UBND 4 tỉnh thí điểm quan tâm chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Chính sách, triển khai thực hiện chính sách thí điểm sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo tôi, cần làm rõ hơn phạm vi đối tượng áp dụng của quyết định này; tại sao lại chỉ áp dụng cho hai lĩnh vực nhiệt điện than và xi măng; tại sao lại là những doanh nghiệp này ở 4 tỉnh; cơ sở xác định mức giá dịch vụ; việc chi trả cho bên cung ứng dịch vụ này như thế nào… để có cơ sở thực hiện một cách hiệu quả”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.