Cần những giải pháp đồng bộ

Với vai trò 'gác cửa' về pháp luật cho UBND cấp xã, phường, đội ngũ cán bộ tư pháp, hộ tịch là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Đội ngũ cán bộ này cũng trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý của người dân, đồng thời tham mưu với chính quyền trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương. Thế nhưng, ở cấp cơ sở hiện nay, năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ này còn nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ, là rào cản khiến việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ này gặp nhiều khó khăn.

Có không ít câu chuyện về bức xúc của người dân khi đến trụ sở chính quyền xã, phường giải quyết các công việc liên quan đến thủ tục, giấy tờ, chứng thực pháp luật. Ngoài những yếu kém về trách nhiệm thì một bộ phận cán bộ tư pháp, hộ tịch còn hạn chế về trình độ kiến thức, thiếu kinh nghiệm. Ở một góc độ khác, những bất cập trong áp dụng hệ thống văn bản pháp luật do sự không thống nhất cũng khiến đội ngũ cán bộ tư pháp, hộ tịch xã, phường gặp nhiều khó khăn. Ông Dương Doãn Thọ, công chức tư pháp-hộ tịch xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), cho biết: "Hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý hộ tịch đang gặp không ít khó khăn do có quá nhiều phần mềm được cập nhật và đưa vào ứng dụng, nhưng lại chưa đồng bộ với phần mềm của địa phương, gây lúng túng cho người sử dụng. Đã thế, do chúng tôi phải đảm nhận nhiều công việc cùng một lúc nên việc tham mưu cho UBND xã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Chính vì vậy, tôi cho rằng vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hộ tịch cơ sở là rất cấp thiết trong giai đoạn mới theo các quy định của Luật Hộ tịch. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác này đòi hỏi phải được chuẩn hóa về trình độ ngay từ đầu vào cũng như khả năng ứng dụng CNTT một cách mạnh mẽ để phục vụ người dân tốt hơn".

Với chức năng của mình, đội ngũ cán bộ tư pháp, hộ tịch tại xã, phường, thị trấn là những người trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý của người dân, tham mưu với chính quyền trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương. Đội ngũ cán bộ này trực tiếp thực hiện công tác chứng thực, hộ tịch, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tham gia thẩm định, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tham gia công tác hòa giải ở cơ sở… Với yêu cầu của công việc, ngoài kiến thức pháp luật nhất định thì còn đòi hỏi kinh nghiệm ở đội ngũ cán bộ này.

Theo Luật sư Trần Quang Khải, Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Phú: Theo quy định của Luật Hộ tịch, công chức tư pháp, hộ tịch cấp xã, phường, thị trấn, thấp nhất phải có trình độ trung cấp ngành luật. Nhưng trên thực tế, tính chất công việc của cán bộ tư pháp, hộ tịch ở địa phương rất phức tạp và có nhiều đầu việc nên yêu cầu cán bộ có trình độ pháp luật cao hơn, trong khi hiện nay đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã có trình độ chuyên môn đại học luật còn ít. Một số cán bộ được đào tạo và có bằng đại học luật sau một thời gian làm công tác tư pháp sẽ được luân chuyển sang giữ các chức vụ khác, gây thiếu hụt cán bộ tư pháp có trình độ chuyên môn cao. Thêm nữa, việc bổ sung cán bộ tư pháp cấp xã không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định vẫn diễn ra nhưng hiện chưa có biện pháp khắc phục. Việc này khiến hiệu quả hoạt động của một bộ phận công chức tư pháp cấp xã chưa cao. Luật Hộ tịch và các văn bản chi tiết thi hành còn nhiều điểm chưa thống nhất. Ví dụ, thủ tục nhận nuôi con nuôi tại địa phương còn phức tạp, đòi hỏi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải có trình độ. Ngoài ra, việc phải thường trực tại bộ phận một cửa cũng khiến khối lượng công việc của cán bộ công chức tư pháp, hộ tịch tăng lên.

Để góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho đội ngũ cán bộ tư pháp, hộ tịch thực hiện nhiệm vụ, năm 2019, Bộ Tư pháp xác định, tập trung hoàn thiện thể chế, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành, chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024. Tập trung xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ hiệu quả hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch. Cùng với đó, nghiên cứu và hoàn thiện thể chế pháp luật về chứng thực; đẩy mạnh việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác chứng thực tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Đây là những việc làm cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác tư pháp, hộ tịch ở cơ sở. Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược đào tạo và bố trí cán bộ đủ trình độ trong lĩnh vực này.

DƯƠNG SAO

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-nhung-giai-phap-dong-bo-567748