Cần những giải pháp đồng bộ và hiệu quả

Trong cuộc gặp gỡ với lao động kỹ thuật cao khu vực phía Nam tại TP.Hồ Chí Minh vào tháng 5-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng và đóng góp của đội ngũ này cho sự phát triển của đất nước. Thủ tướng cũng khẳng định, công nhân kỹ thuật cao là tài sản, tài nguyên, vốn quý bởi họ là động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế tại Đồng Nai cho thấy, lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao luôn được doanh nghiệp chào đón, tạo cơ hội để phát triển. Đội ngũ này được hưởng chế độ đãi ngộ tốt, luôn được khuyến khích để học tập, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, đóng góp nhiều sáng kiến vào quá trình sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, với xu hướng sản xuất trong thời đại công nghiệp 4.0, lao động kỹ thuật cao ngày càng có “giá”, thực sự là tài sản của doanh nghiệp. Bởi không những làm chủ được máy móc, am hiểu công nghệ, lao động kỹ thuật cao còn có khả năng ngoại ngữ tốt, tinh thần chủ động, sáng tạo và tự tin trong giao tiếp. Đây là những lợi thế của người lao động trong thời buổi hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Thế nhưng, nhìn vào bức tranh tổng thể nguồn nhân lực của nước ta nói chung và Đồng Nai nói riêng cho thấy, lực lượng lao động kỹ thuật cao vẫn chiếm một tỷ lệ chưa tương xứng và hoàn toàn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Ngay cán bộ nhân sự ở những công ty lớn cũng than thở rằng họ phải “đỏ mắt” tìm lao động kỹ thuật cao dù đã thực hiện nhiều giải pháp tìm kiếm cùng việc công khai những chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Nguyên nhân thiếu hụt nguồn lao động kỹ thuật cao thì có nhiều nhưng đầu tiên phải kể đến đó là tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ của người dân. Vì thế, số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hay THPT thi đại học, cao đẳng vẫn đông hơn nhiều so với số học sinh lựa chọn học nghề dù không biết cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra sao. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận một thực tế ở các trường nghề hiện nay còn thụ động, chưa đổi mới để thích ứng với xu hướng đào tạo nghề hiện đại nên không thu hút được học viên vào học.

Kinh nghiệm thực tiễn từ một số cơ sở dạy nghề chất lượng cao luôn thu hút đông học viên theo học như Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) là tăng cường liên kết với doanh nghiệp, chủ động hợp tác với nước ngoài để vừa nâng cao chất lượng đào tạo nghề, vừa tìm kiếm “đầu ra” cho học viên. Do đó, học viên của trường khi chưa tốt nghiệp đã được các doanh nghiệp mời gọi về làm việc với chế độ đãi ngộ cao; nhiều học viên còn có cơ hội làm việc ở nước ngoài từ những chương trình hợp tác quốc tế…

Doanh nghiệp đã và đang “trải thảm đỏ” cho lao động kỹ thuật cao. Vì thế, cần những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nữa để đào tạo được ngày càng nhiều lao động kỹ thuật có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/201909/can-nhung-giai-phap-dong-bo-va-hieu-qua-2966037/