Cần những lãnh đạo dám nghĩ, dám làm vì dân trong đại dịch
Trong phòng chống dịch không thể áp dụng máy móc mà cần những lãnh đạo sáng tạo, dám nghĩ, dám làm xuất phát từ lợi ích của người dân.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh với VietNamNet khi trao đổi một số nội dung trong Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Một vài địa phương đã sáng tạo, đột phá, có cách làm hay
Là người từng làm công tác trong lĩnh vực nội vụ, công tác cán bộ, ông thấy Kết luận số 14 của Bộ Chính trị có ý nghĩa như thế nào, nhất là trong tình hình phòng chống dịch hiện nay?
Từ trước đến nay, chúng ta thấy ở các địa phương, cơ quan, đơn vị có rất nhiều cán bộ năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì dân, vì nước. Tuy nhiên, trong quá trình dám nghĩ, dám làm đó họ cũng gặp một số rủi ro nhất định. Nếu không có cơ chế để động viên, khuyến khích và bảo vệ thì dễ làm thui chột đi sự nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ cán bộ.
Những quyết định đột phá, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung có thể thành công hoặc chưa thành công cũng đều phải được khuyến khích và bảo vệ, còn nếu làm vì lợi ích riêng thì phải xử lý.
Trong thực tế, chúng ta có nhiều người đi tiên phong trong dám nghĩ, dám làm và cũng gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro như bác Kim Ngọc, một người vì dân dám đổi mới là một ví dụ.
Vì vậy, khi đã có chủ trương, có Kết luận 14 Bộ Chính trị sẽ động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là hết sức phù hợp, nhất là trong chống dịch và mở cửa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay.
Trong công tác phòng, chống dịch vừa qua bên cạnh một số địa phương dám “xé rào” để bảo vệ lợi ích, tính mạng và sức khỏe người dân thì vẫn còn nhiều nơi lại e dè, sợ trách nhiệm dẫn đến đóng cửa một cách cực đoan, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp?
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư này có nhiều đặc điểm khác biệt, biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, quá nguy hiểm nên nhiều nơi có những lúng túng, bị động, không lường hết được. Mặc dù Chính phủ đã có phân công, phân cấp, và ở nhiều nơi chính quyền cũng rất cố gắng nhưng vẫn không theo kịp được tình hình.
Trong bối cảnh đó, chúng ta thấy, ở một vài địa phương đã sáng tạo, đột phá, có cách làm hay, qua đó bảo vệ được tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Ví dụ, như việc Bí thư Quận 6 TP.HCM, khi thấy tình hình dịch Covid-19 lan rộng và có chiều hướng nguy hiểm, các ca tử vong trong thành phố tăng cao đã không chờ đợi các hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế và Sở Y tế TP mà đã chủ động cho phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà ngay lập tức. Việc “xé rào” này đã giúp giảm được các ca tử vong, bảo vệ sức khỏe tính mạng của người dân.
Hay như việc Bắc Giang, Bắc Ninh thực hiện việc chống tịch theo phương châm “ba tại chỗ”, một cung đường hai điểm đến… Nhờ đó chỉ trong một tháng đã vừa không chế được dịch, vừa bảo đảm được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tiễn rất sinh động, không phải cái gì ở Bắc Giang, Bắc Ninh làm tốt cũng có thể áp dụng được ở các nơi khác. Ví như như mô hình 3 tại chỗ áp dụng, thực hiện ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương thì lại không hợp lý.
Cho nên không thể áp dụng máy móc mà trong công tác phòng, chống dịch cũng cần những lãnh đạo sáng tạo, dám nghĩ, dám làm xuất phát từ lợi ích của người dân.
Người vì cái riêng họ sẽ sợ mất ghế
Ông nghĩ sao về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của nhiều địa phương trong những ngày qua khi đoàn người ùn ùn về quê bằng xe máy trong khi ô tô, tàu hỏa, máy bay đắp chiếu nằm đó; thậm chí khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc mở lại các chuyến bay nội địa nhưng nhiều nơi vẫn chần chừ?
Cái này lẽ ra chúng ta phải lường trước được để chủ động phối hợp với nhau tổ chức đưa người dân trở về, chứ không được để người dân đi xe đạp, xe máy về quê như mấy ngày qua.
Trái với một số tỉnh, ở Phú Yên lại tổ chức rất bài bản việc đưa người dân về quê. Đây chính là bài học để đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các địa phương trong việc chủ động nắm bắt tình hình, và có giải pháp phù hợp với thực tiễn. Lãnh đạo các địa phương phải dự báo được tình hình, năng động, sáng tạo và bản lĩnh trong việc chống dịch và hậu chống dịch.
Ở đây một số địa phương nghĩ an toàn quá. Họ sợ đưa dân về thì nảy sinh nhiều vấn đề như cách ly, xét nghiệm, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Có những bộ vẫn nghĩ là phải an toàn cho địa phương mình lên trên hết, trước hết. Nếu đưa dân về không cẩn thận lại làm lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu địa phương nghĩ đến việc chia lửa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam, nghĩ đến người dân thì họ sẽ có giải pháp phù hợp.
Dường như có tâm lý lãnh đạo địa phương "cân đo" giữa việc thích ứng với dịch và sự an toàn cho tỉnh, cho mình... và họ đã chọn phương án an toàn và dễ hơn, thưa ông?
Đúng là có việc đó. Trước hết là họ đặt tính mạng của người dân địa phương mình là trên hết, trước hết, tuy nhiên sau nữa là mục tiêu kép. Ai cũng phải nghĩ đến điều đó. Tùy địa phương ngoài chỉ đạo chung, các giải pháp chung thì cũng phải năng động, sáng tạo để có những giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Như Tổng Bí thư nói, cán bộ dám nghĩ, dám làm phải xuất phát từ lợi ích chung và được động viên, khích lệ. Cán bộ vì cái chung họ có thể chấp nhận rủi ro nào đó; còn nếu vì cái riêng thì họ sẽ cân nhắc, vì sợ mất ghế.