Cần nỗ lực từ nhiều phía
ĐBP - 'Phấn đấu đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) là TP. Ðiện Biên Phủ và TX. Mường Lay' - đó là một trong những mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 3055/KH-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm này, khi chỉ còn 1 năm nữa là đến 'hạn', các xã xây dựng NTM ở 2 địa bàn trên (gồm xã Lay Nưa, TX. Mường Lay và 2 xã: Tà Lèng, Thanh Minh thuộc TP. Ðiện Biên Phủ) vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành các tiêu chí NTM.
Bản Bắc 2, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay. Ảnh: Quảng Sơn
Vướng nhiều tiêu chí
Một trong những tiêu chí đang làm “khó” cả 3 xã thực hiện xây dựng NTM ở TX. Mường Lay và TP. Ðiện Biên Phủ là tiêu chí số 10 về thu nhập. Ðến hết năm 2019, bình quân thu nhập của xã Lay Nưa mới đạt 25 triệu đồng/người/năm; xã Thanh Minh là 31 triệu đồng/người/năm; còn tại xã Tà Lèng, tiêu chí này đạt khá thấp với 18 triệu đồng/người/năm.
Nói về những khó khăn trong thực hiện tiêu chí thu nhập thời gian qua, bà Nguyễn Thị Ngát, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Minh cho biết: Do trình độ của người dân trong xã không đồng đều, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm; quỹ đất sản xuất nông nghiệp không còn khả năng mở rộng diện tích; quy mô sản xuất của các hộ gia đình còn manh mún nên không có khả năng đầu tư lớn cho phát triển sản xuất, và một bộ phận người dân vẫn trông chờ ỷ nại không muốn vươn lên thoát nghèo.
Khó khăn trong thực hiện tiêu chí về thu nhập của xã Thanh Minh cũng là những khó khăn chung mà 2 xã Tà Lèng và Lay Nưa đang gặp phải. Ðặc biệt là tại xã Tà Lèng, khi các nguồn lực đầu tư xây dựng NTM còn hạn chế nên việc nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi... có nội dung chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài gặp khó về tiêu chí thu nhập, việc thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn cũng đang là thách thức xã Lay Nưa phải đối mặt. Ðược biết, hiện nay 3 bản vùng cao của xã là: Huổi Luân, Hô Huổi Luông và Hua Nậm Cản với 64 hộ dân vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Những năm qua, để có điện phục vụ sinh hoạt, nhiều hộ dân đã tự bỏ tiền đầu tư đường dây kéo điện từ bản khác về hoặc tận dụng nước ở các khe suối quanh bản đặt máy phát điện mini. Tuy nhiên nguồn điện đó chỉ có thể thắp sáng được 1 - 2 bóng điện, còn để phục vụ các nhu cầu lớn hơn như chạy máy xát, sử dụng nồi cơm điện… thì không thể.
Nếu Lay Nưa đang gặp khó về điện thì tại xã Tà Lèng đang có nguy cơ “rơi tiêu chí” đối với tiêu chí “tỷ lệ người dân tham gia BHYT”. Là xã vùng 3 nên trước khi đạt chuẩn NTM, 100% người dân trên địa bàn xã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để tham gia BHYT. Từ năm 2018, sau khi xã đạt chuẩn NTM, người dân không còn được hỗ trợ nữa. Vì vậy, nhiều người không tiếp tục tham gia, khiến chỉ tiêu này bị giảm từ 85% (năm 2017) xuống còn 37,2% (năm 2018); năm 2019 có phục hồi nhưng vẫn rất thấp (48,2%).
Loay hoay tìm giải pháp
Ðể “trả nợ” tiêu chí thu nhập, sau khi đạt chuẩn NTM, cả 3 xã Thanh Minh, Tà Lèng và Lay Nưa đều tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ðồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân dựa trên tiềm năng của địa phương xác định các sản phẩm có ưu thế để phát triển hàng hóa. Theo ý kiến của hầu hết lãnh đạo các xã, chỉ tiêu thu nhập bình quân năm 2019 là 33 triệu đồng/người/năm và đến năm 2020 phải đạt 36 triệu đồng/người/năm là quá cao, khó đạt được. Bởi nguồn thu nhập chính của người dân địa phương hiện nay chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp theo thời vụ.
Ngoài áp lực về tiêu chí thu nhập, để phấn đấu đạt tỷ lệ người tham gia BHYT từ 80% trở lên, thời gian qua xã Tà Lèng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, song tỷ lệ người dân tham gia BHYT vẫn khá thấp. Ông Lò Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Tà Lèng cho biết: Các hộ dân trên địa bàn xã hầu hết đông con, có nhà sinh từ 4 - 5 người con, với điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều hộ mới thoát nghèo, để một lúc chi ra tiền triệu mua BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình là điều phải tính toán. Bên cạnh đó, một số người dân tuy đã được tuyên truyền, vận động, song do tâm lý chủ quan đối với sức khỏe nên không mặn mà với việc tham gia BHYT…
Còn tại xã Lay Nưa, để hoàn thiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn, UBND TX. Mường Lay đã có chủ trương xây dựng hệ thống lưới điện sinh hoạt lên 3 bản chưa có điện với quy mô lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống điện 0,4kW, trong đó bản Hô Huổi Luông 8km, Nậm Cản 7km, Huổi Luân 2km với tổng kinh phí gần 9,8 tỷ đồng. Tuy nhiên do vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng 3,69ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ sang đất đầu tư xây dựng công trình nên đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai. Theo ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND TX. Mường Lay thì hoàn thành tiêu chí này là việc vượt quá khả năng của xã Lay Nưa và TX. Mường Lay. Ngoài việc liên quan đến chuyển đổi đất rừng phòng hộ phải chờ phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì vốn đầu tư cũng rất khó khăn đối với thị xã.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/174858/can-no-luc-tu-nhieu-phia