Cần phải sẵn sàng nhận lỗi nếu sai khi xảy ra va chạm giao thông

Để tránh rơi vào vòng lao lý, khi xảy ra va chạm giao thông, người dân không nên quá khích mà cần phải sẵn sàng nhận lỗi nếu sai. Bạo lực chỉ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng. Không nên một phút nóng giận để hối hận cả cuộc đời…

Khuyến cáo trên được Thượng tá Lê Văn Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra tại buổi Tọa đàm “Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông” do Báo Tiền phong phối hợp với Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 24/12.

Tọa đàm “Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông” tổ chức ngày 24/12.

Tọa đàm “Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông” tổ chức ngày 24/12.

Nói về nguyên nhân các vụ ẩu đả, va chạm trong thời gian vừa qua, Thượng tá Lê Văn Hải cho rằng không thể đánh đồng do áp lực kẹt xe, tắc đường mà xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông.

“Tâm lý của của người tham gia giao thông sợ kẹt xe và muốn đi nhanh, về sớm nên đi lấn làn, đi lên vỉa hè rồi xảy ra va chạm và mất bình tĩnh khi giải quyết dẫn đến cách ứng xử không phù hợp”. Thượng tá Lê Văn Hải cho biết TP Hồ Chí Minh hiện có lưu lượng phương tiện rất đông, trên 10 triệu xe. Trong đó, 9 triệu mô tô, 1 triệu ô tô, chưa kể các phương tiện khác đổ về, nên đòi hỏi người dân phải nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Thượng tá Lê Văn Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến tại tọa đàm.

Thượng tá Lê Văn Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến tại tọa đàm.

Trung tá, TS. Lê Hoàng Việt Lâm, Giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân cho rằng vấn đề quan trọng chính là ý thức chấp hành giao thông. Hiện nay, nhiều người có tâm lý di chuyển đi vào đường trống, từ đó phát sinh nhiều hệ lụy. Do đó, vấn đề gốc ở đây chính là ý thức chấp hành.

Thứ hai là áp lực tâm lý, từ những chuyện gia đình, công việc, kinh tế mà người ta dễ nảy sinh chuyện “giận cá chém thớt”. Thứ ba, kỹ năng ứng xử trong các tình huống giao thông trên đường cũng rất quan trọng. Nhiều người chỉ chọn yếu tố trước mắt là làm sao phải đi cho nhanh nhưng chưa nghĩ tới khi xảy ra hậu quả thì mình phải gánh chịu đầu tiên.

Trung tá, TS. Lê Hoàng Việt Lâm, Giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân, trao đổi ý kiến.

Trung tá, TS. Lê Hoàng Việt Lâm, Giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân, trao đổi ý kiến.

Thứ tư là sự xói mòn về văn hóa giao thông trên đường. Khi xảy ra va chạm, có rất nhiều người cho rằng việc giải quyết kiểu “mạnh thì thắng, yếu thì thua” và tư tưởng rất nguy hiểm là hiện nay người ta và đặc biệt là giới trẻ cho rằng va chạm giao thông và ứng xử vô văn hóa là cách thể hiện quyền lực của mình ở trên đường.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, hậu quả của những vụ ẩu đả sau va chạm giao thông thì người thiệt hại đầu tiên là người trực tiếp tham gia vụ việc. Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là không gì bù đắp được.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến.

Va chạm giao thông nếu không nhanh chóng giải tỏa hiện trường sẽ gây kẹt xe, ảnh hưởng đến mọi người, khiến lực lượng chức năng phải vào cuộc, ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Ý thức và văn hóa của mọi người góp phần tránh được các hệ lụy.

Thượng tá Lê Văn Hải khuyến cáo thêm khi xảy ra vụ việc va chạm, người dân cần nhanh chóng thỏa thuận, giải quyết vụ việc và di chuyển phương tiện, đưa người bị nạn đến nơi an toàn. Nếu xảy ra thương vong cần báo cơ quan chức năng để xử lý sớm nhất. Ngoài ra, người dân cần chụp ảnh, quay phim hiện trường và thu thập các chứng cứ để giúp cơ quan chức năng có thêm thông tin xử lý vụ việc. Không nên bỏ đi khi chưa có sự đồng ý của các bên liên quan...

Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/can-phai-san-sang-nhan-loi-neu-sai-khi-xay-ra-va-cham-giao-thong-i754343/