CẦN PHÂN TÍCH BẤT CẬP TRONG CÔNG TÁC PHÁT HIỆN, XỬ LÝ TỘI PHẠM VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ, CHỨC VỤ

Qua rà soát các Báo cáo của Bộ Công an về giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021', Tổ công tác của Đoàn giám sát cho rằng cần đánh giá, phân tích cụ thể hơn về bất cập trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì làm việc với Bộ Công an về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Công an

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Công an

Báo cáo kết quả rà soát các Báo cáo của Bộ Công an về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, Tổ trưởng tổ công tác, Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Công Long cho biết, về kết quả điều tra các vụ án hình sự liên quan đến gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản vốn, ngân sách Nhà nước, quản lý và khai thác tài nguyên, tổng số vụ án đã kết luận điều tra là 1296 vụ, trong đó có 1.086 vụ án đã đưa ra xét xử.

Tổ công tác cho biết, ngoài thiệt hại về tài sản, báo cáo của Bộ Công an đã đánh giá những tác động tiêu cực do các hành vi vi phạm gây ra như: ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước ta; suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài, mất ổn định về an ninh, trật tự. Về những hạn chế, vướng mắc, báo cáo của Bộ đã phân tích đánh giá những nguyên nhân khách quan và chủ quan làm phát sinh tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, như: Hạn chế, sơ hở về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, tạo kẽ hở cho các đối tượng phạm tội trục lợi; cơ chế quản lý còn mang nặng tính “xin-cho”, là mầm mống phát sinh tiêu cực và là điều kiện để các đối tượng phạm tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản nhà nước; công tác quản lý cán bộ còn nhiều yếu kém; tình trạng thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao.Báo cáo cũng đã phân tích những bất cập về pháp luật hình sự, tó tung hình sự làm hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ nói riêng.

Tổ Công tác cơ bản tán thành nội dung trong báo cáo, đồng thời, đề nghị Bộ Công an trên cơ sở “Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới” tiếp tục hoàn thiện báo cáo, trong đó bổ sung các nội dung như: Tổng hợp, cập nhật đầy đủ số liệu các vụ án về kinh tế, tham nhũng chức trong kỳ báo cáo; trong đó phân tích số lượng tăng giảm từng năm. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan đánh giá, phân tích cụ thể những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế; về công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; về công tác cán bộ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, Tổ trưởng tổ công tác, Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Công Long

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, Tổ trưởng tổ công tác, Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Công Long

Đại diện Tổ công tác cũng nêu rõ, cần đánh giá, phân tích cụ thể hơn về bất cập trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. Phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Đặc biệt là yêu cầu nâng cao vai trò chủ động của lực lượng công an nhân dân trong việc phối hợp với cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra trong công tác đấu tranh các loại tội phạm này.

Căn cứ kết quả rà soát, đánh giá nội dung các báo cáo và kết quả cụ thể thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Công an, Tổ Công tác đề nghị Đoàn Giám sát ghi nhận kết quả đạt được của Bộ Công an trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021, đặc biệt là việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức lực lượng công an nhân dân; việc triển khai các dự án đầu tư công lớn nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự xã hội. Ghi nhận những nỗ lực và kết quả to lớn của lực lượng công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ nói riêng.

Tổ công tác cũng đề nghị các thành viên Đoàn giám sát cho ý kiến cụ thể về việc tiếp tục hoàn thiện các báo cáo thuộc trách nhiệm của Bộ Công an nhằm tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả chung của Đoàn Giám sát và làm cung cấp dữ liệu, cơ sở phục vụ trực tiếp việc giám sát tại các bộ, ngành khác và tại các địa phương; Cho ý kiến về hoàn thiện thể chế, các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Công an; các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là việc hoàn thiện khung pháp luật nhằm quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên “kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải”, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước và phòng ngừa tiêu cực.

Ngoài ra, Tổ công tác kiến nghị các thành viên Đoàn giám sát cho ý kiến về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ thuộc trách nhiệm của Bộ Công an và các cơ quan tư pháp khác. Đồng thời đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp tham gia trong quá trình dự thảo và hoàn thiện Báo cáo của Đoàn Giám sát, bảo đảm đánh giá đầy đủ, trung thực, khách quan kết quả giám sát chung.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66958