Cần phát hiện sớm bệnh lý động mạch chủ
Khi nói đến các bệnh tim mạch, người bệnh thường để ý nhiều hơn đến bệnh mạch vành hay mạch não, mạch phổi... mà chưa có những quan tâm đúng mức đến các bệnh lý ở động mạch chủ, trong khi đây là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao.
Những dấu hiệu âm thầm của bệnh có thể được nhận biết sớm hơn sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị.
Ðộng mạch chủ là động mạch lớn xuất phát từ buồng tim trái, cung cấp máu cho toàn cơ thể. Động mạch chủ bao gồm đoạn động mạch chủ ngực và động mạch chủ bụng. Động mạch chủ bụng đi xuống và chia làm hai nhánh, nhánh động mạch chậu chung bên trái và phải. Thành động mạch chủ cấu tạo gồm 3 lớp, lớp áo trong, lớp áo giữa và lớp áo ngoài.
Các bệnh lý của động mạch chủ là phình động mạch chủ; lóc tách động mạch chủ; hẹp eo động mạch chủ và sarcome động mạch chủ...
Các biểu hiện của bệnh lý động mạch chủ rất khác nhau tùy thuộc vào loại tổn thương. Nếu phình động mạch chủ bụng, bệnh nhân ít phàn nàn vì hầu như không có triệu chứng, bệnh phát hiện do tình cờ siêu âm ổ bụng hay bệnh nhân sờ vùng quanh rốn thấy có khối đập theo nhịp tim. Viêm tắc động mạch chi, bệnh nhân xuất hiện đau và đi lại khó khăn hoặc đột ngột, biểu hiện thiếu máu cấp tính ở chi dưới. Người bệnh thường đến các phòng khám xương khớp do đau cột sống thắt lưng hoặc đau dọc chân hoặc có dấu hiệu đi cách hồi. Thầy thuốc gọi là đau kiểu giả rễ nguồn gốc mạch máu.
Phình động mạch chủ là giãn tại chỗ của động mạch chủ, phình có thể bất kỳ vị trí nào của động mạch chủ: động mạch chủ ngực (đoạn động mạch chủ lên, quai động mạch chủ), động mạch chủ bụng đoạn trên động mạch thận và đoạn dưới động mạch thận. Trong đó, phình quai động mạch chủ là hiếm gặp và khó điều trị nhất. Với trường hợp phình ở quai động mạch chủ ngày nay ở Việt Nam có thể ứng dụng kỹ thuật Hybrid (can thiệp - phẫu thuật đồng thời).
Nguyên nhân dẫn đến phình động mạch chủ do vữa xơ động mạch chiếm 90%, một số nguyên nhân khác: chấn thương, bệnh bẩm sinh, viêm nhiễm. Bệnh gặp chủ yếu ở nam.
Lóc tách động mạch chủ là cấp cứu ngoại khoa. Tuổi hay gặp từ 40 - 70 tuổi.
Nguyên nhân dẫn đến phình tách động mạch chủ: do thoái hóa của lớp áo trong của động mạch chủ thường do tăng huyết áp, ngoài ra do bệnh mô liên kết (bệnh Marfan, bệnh Ehlers -Danlos), mang thai ở tháng cuối, bệnh tim bẩm sinh (hẹp eo động mạch chủ), nhiễm khuẩn, chấn thương...
Phình tách động mạch chủ, theo De Bakey phân ra thành 3 type, căn cứ đoạn động mạch chủ tổn thương. Type I: Tổn thương xuất phát tại động mạch chủ lên, lan đến quai động mạch chủ và có thể lan ra xa hơn. Type II: Tổn thương xuất phát tại động mạch chủ lên (ngang mức động mạch cánh tay đầu). Type III: Tổn thương xuất phát tại động mạch chủ xuống và lan rộng trước ngực.
Các biểu hiện của bệnh rất đa dạng. Đau không cố định một vị trí, đau đột ngột sau vùng xương ức, đau dữ dội có thể lan ra lưng đến hố thận. Các thuốc giảm đau không thuyên giảm bệnh. Bệnh nhân có thể ngất và có dấu hiệu của sốc. Nghe tim có thể gặp tiếng thổi tâm trương do suy tim. Ngoài ra, có dấu hiệu thiếu máu tại chỗ của chi dưới. Đôi khi có dấu hiệu tiêu hóa như xuất huyết, bệnh nhân đau bụng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
Tiến triển của lóc tách động mạch chủ: Nếu không được điều trị lóc tách động mạch chủ thường gây tử vong. Điều trị nội khoa phải hết sức tích cực, hiệu quả nhằm hạn chế sự lóc tách lan rộng của lớp áo trong động mạch chủ. Điều trị nội khoa là chống đau và giảm mạnh huyết áp ở những bệnh nhân mà do tăng huyết áp gây ra hiện tượng lóc tách động mạch chủ. Điều trị phẫu thuật cho các trường hợp lóc tách động mạch chủ type I và type II, biến chứng của type III như vỡ động mạch chủ, phình động mạch hình túi, thiếu máu chi dưới, thiếu máu các tạng và đau kéo dài, mạn tính. Đối với đau giả rễ nguồn gốc mạch, do tắc động mạch chủ, hẹp động mạch chậu tiên phát hoặc tắc chậu trong.
Sarcome động mạch chủ là bệnh hiếm gặp, bệnh thường được phát hiện do tắc mạch chi, gây thiếu máu cấp tính ở chi dưới do các mảnh di căn xa của sarcome động mạch chủ. Đầu tiên, bệnh nhân điều trị tại khoa cơ xương khớp vì đau vùng chậu hông hoặc đau khớp háng, về sau bệnh nhân được chuyển cấp cứu đến khoa phẫu thuật tim mạch do hiện tượng thiếu máu cấp của chi dưới. Thời gian sống của những bệnh nhân này rất ngắn.
Ngày nay, ở Việt Nam tuổi thọ tăng cao, dân số người già cũng gia tăng, vì vậy người cao tuổi cần chú ý kiểm soát huyết áp, khám bệnh, xét nghiệm máu cơ bản và siêu âm mạch định kỳ nhằm phát hiện sớm các bệnh lý động mạch chủ để đề phòng và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng dễ tử vong. Phình động mạch chủ bụng và lóc tách động mạch chủ là hai bệnh thường gặp trong số các bệnh lý động mạch chủ nguy cơ tử vong cao do vỡ phình động mạch chủ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-phat-hien-som-benh-ly-dong-mach-chu-n171350.html