Cần phát huy đúng giá trị cơ chế 'hậu kiểm' trong an toàn thực phẩm
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ gần 600 loại sữa bột giả do Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất. Điều đáng nói đó là các sản phẩm dành cho người bệnh tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai... tức là những người đang cần bổ sung các vi chất để tăng sức khỏe nhưng cái họ nhận lại là sữa kém chất lượng, có thể gây ảnh hưởng sức khỏe của họ. Vấn đề đang được dư luận quan tâm là cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước với các sản phẩm này?

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh sữa.
Gần 600 loại sữa kém chất lượng “tung hoành”
Trả lời các cơ quan báo chí về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với mặt hàng liên quan đến vụ việc sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn bị phát hiện tại thành phố Hà Nội và một số địa phương, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương khẳng định không chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sữa bột giả do Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất vì họ “có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt. Các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý".
Và cũng vì do không thuộc thẩm quyền quản lý nên hai doanh nghiệp này không phải bị thanh tra chuyên ngành công thương kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm.
Về việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm, Tiến sĩ Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, căn cứ theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật An toàn thực phẩm, phần lớn sản phẩm thực phẩm được tự công bố, riêng 4 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.
Về xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, lãnh đạo Cục này cho biết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm "tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo" đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt, và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
Vậy trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Ai cũng đang thực hiện rất đúng quy định của pháp luật, còn đối tượng chịu ảnh hưởng của vấn nạn này lại chính là người dân - những người cần được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố. Ảnh: Đức Hạnh
Liệu có phải việc thực hiện rất đúng các quy định lại chính là rào cản khiến các cơ quan quản lý Nhà nước không thể thực hiện tốt hơn chức năng hậu kiểm của mình.
Quản lý chặt để lấp “lỗ hổng” công tác hậu kiểm
Theo kế hoạch công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm của Ban chỉ đạo Liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm được ban hành đều đặn hằng năm, việc phân chia nhiệm vụ được thực hiện rõ ràng ở cấp Trung ương và địa phương với thành phần đủ mạnh, tuy nhiên vẫn để lọt gần 600 mặt hàng sữa không bảo đảm chất lượng trong suốt 4 năm.
Mỗi năm chúng ta cũng phát hiện ra không ít vụ sai phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Vậy công tác hậu kiểm với kế hoạch cụ thể, ban hành đều đặn có phải là “thuốc trị đặc hiệu”?
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp thẳng thắn cho rằng, không loại trừ khả năng các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác hậu kiểm "chống lưng" cho các đối tượng vi phạm vì trong suốt 4 năm không hề phát hiện ra số lượng sữa kém chất lượng lớn đến như vậy khi sản phẩm được quảng cáo và bán rộng rãi.
"Rõ ràng công tác quản lý nhà nước thông qua hậu kiểm rất lỏng lẻo, công tác kiểm tra qua loa, đại khái. Chúng ta thực hiện hậu kiểm là đúng nhưng phải làm nghiêm theo quy định pháp luật, doanh nghiệp có sai phạm phải bị xử lý nghiêm"- đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết.
Thực tế về công tác hậu kiểm của chúng ta đã có không ít bài học. Luật Doanh nghiệp cũng nới quy định thành lập doanh nghiệp. Chính sách này một mặt tạo ra sự thông thoáng, kích thích doanh nghiệp mới ra đời nhưng cũng là cơ hội để nhiều người lợi dụng, thành lập các doanh nghiệp “ma”.
Điều đáng nói là các doanh nghiệp này chỉ bị phát hiện ra khi các cơ quan chức năng cần tìm để xác minh hành vi vi phạm. Thậm chí các cơ quan quản lý không biết họ đã từng tồn tại hay “bay màu” bao giờ.
Rõ ràng thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng “hậu kiểm” bị buông lỏng sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.
Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 đã xác định, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đặt niềm tin của doanh nghiệp là đúng nhưng chúng ta không thể buông lỏng công tác hậu kiểm vì đây sẽ là lỗ hổng để doanh nghiệp không chân chính lợi dụng.

Chú thích ảnh: Cơ quan công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa kém chất lượng quy mô lớn. (Ảnh chụp màn hình ANTV)
Chúng ta xác định một mặt hàng hậu kiểm phải căn cứ trên mức độ rủi ro của hàng hóa, sản phẩm đó với sức khỏe người tiêu dùng, phải có thiết chế đủ mạnh để hậu kiểm, có đủ lực lượng đủ sức gánh trách nhiệm chứ không phải lập lại câu chuyện “thiếu nhân lực”.
Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, thông qua kết quả điều tra vụ việc này của cơ quan Công an, nếu thấy các quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng, chưa rõ trách nhiệm, chưa rõ cơ chế phối hợp về bảo đảm an toàn thực phẩm thì các cơ quan chức năng cần phải bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chặt chẽ hơn nữa công tác hậu kiểm nhằm kịp thời phát hiện ra sai phạm, vi phạm để xử theo quy định của pháp luật.
“Có lẽ tới đây cũng cần phải bổ sung các quy định của pháp luật về kiểm tra sau bán hàng, đặc biệt là lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm nghiệm nhằm tăng cường kiểm soát hàng hóa đầu ra, tăng cường công tác kiểm tra đối với các hàng hóa là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân", Luật sư Cường nói.
Theo ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, trong cơ chế xác định chất lượng thực phẩm hiện nay mà giao cho doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm có thể lại chính là kẽ hở.
Có thể chúng ta không làm được tất cả nhưng chúng ta phải tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên, kiểm tra tỷ lệ thành phần sản phẩm chứ nếu chỉ căn cứ vào kết quả kiểm định sản phẩm cũng chưa bảo đảm độ an toàn. Việc bảo đảm chất lượng trước khi đưa ra thị trường rất quan trọng chứ để sau khi sản phẩm đã ra thị trường nếu có vấn đề thì hậu quả khó lường.
Ông Cừ cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra toàn diện các sản phẩm sữa trên thị trường, xử lý nghiêm minh để cảnh tỉnh. Bên cạnh đó, cần rà soát các văn bản đã ban hành để kịp thời điểu chỉnh, bảo đảm hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác hậu kiểm càng cần được tăng cường hơn bao giờ hết để công tác này phát huy đúng mục đích của mình thay vì bị “hổng” như hiện nay.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-che-hau-kiem-can-phat-huy-dung-gia-tri-post873175.html