Cần phát huy giá trị cây di sản
Theo lãnh đạo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, thời gian qua, hội phối hợp với các ngành tiến hành khảo sát, công nhận 15 cây di sản trên địa bàn tỉnh gồm: 1 cây sao đen (xã Vạn Bình), 1 cây đa sộp (xã Vạn Phước) - huyện Vạn Ninh; 1 cây mun (phường Vĩnh Phước), 1 cây tuế lược (xã Vĩnh Thái)...
Toàn tỉnh Khánh Hòa có 15 cây di sản
Theo lãnh đạo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, thời gian qua, hội phối hợp với các ngành tiến hành khảo sát, công nhận 15 cây di sản trên địa bàn tỉnh gồm: 1 cây sao đen (xã Vạn Bình), 1 cây đa sộp (xã Vạn Phước) - huyện Vạn Ninh; 1 cây mun (phường Vĩnh Phước), 1 cây tuế lược (xã Vĩnh Thái) - TP. Nha Trang; 1 cây mã tiền (xã Diên Điền), 4 cây giáng hương (xã Diên Phú), 1 cây dầu rái (xã Diên An), 1 cây thị (xã Diên Toàn), 1 cây đa sộp lá to (xã Suối Tiên) - huyện Diên Khánh; 1 cây Kơ nia (xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh); 2 cây dầu rái (xã Thành Sơn, Khánh Sơn). 4 cây cổ thụ của huyện đảo Trường Sa dự kiến được công nhận cây di sản vào dịp kỷ niệm ngày Môi trường thế giới năm 2020 gồm: cây bàng vuông (đảo Nam Yết), cây phong ba (đảo Song Tử Tây) và 2 cây mù u (đảo Sơn Ca, đảo Sinh Tồn).
Việc Khánh Hòa được công nhận hàng loạt cây di sản Việt Nam thể hiện tính đa dạng sinh học cao của vùng đất này. Đây là những cây cổ thụ có bề dày lịch sử hàng trăm năm, thường tập trung tại các đình, chùa, miếu, được người dân tôn tạo, giữ gìn, gắn liền với văn hóa làng xã Việt Nam. Tiêu biểu như cây dầu rái tại ngã tư Thành, đường kính 2,8m, thường được gọi là cây dầu đôi vì có 2 thân xuất phát từ 1 gốc rất nổi tiếng, cây đã 300 năm tuổi, gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện Diên Khánh; 4 cây giáng hương tập trung tại khu vực Miếu Bà ấp Bạch Qua (xã Diên Phú, Diên Khánh) có kích thước tương đương nhau, cây lớn nhất có đường kính 1,5m, cao 27m, 400 năm tuổi; cây sao đen tại đình Trung Dõng (Vạn Bình, Vạn Ninh) 800 tuổi, đường kính 4m, đạt kỷ lục Việt Nam… Gần đây, người dân phát hiện cây Kơ nia tại Hòn Dù (xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh), đường kính gốc 1,4m, cao 27m, 240 năm tuổi…
Thời gian qua, việc phát hiện và công nhận cây di sản mang lại sự khích lệ đối với các địa phương có bề dày văn hóa lịch sử lâu đời. Nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nằm lặng lẽ trong khuôn viên đình, chùa, nay được mọi người biết đến và quan tâm đăng ký bảo vệ. Ông Cao Bơ - Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho hay, cây Kơ nia được người dân phát hiện gần đây là cây duy nhất còn lại trong khu vực trước đây có nhiều loại cây này. Trong quá trình làm rẫy, chủ nhân của nó thấy cây to nên giữ lại làm bóng mát, chỗ nghỉ ngơi, nhờ vậy cây mới còn đến ngày nay. Sau khi người dân đăng ký, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh khảo sát và xem xét công nhận. Vị trí cây gần khu vực căn cứ cách mạng Hòn Dù đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đường giao thông khá thuận lợi cho việc tiếp cận.
Nghiên cứu phát triển du lịch
Cây di sản là tài sản vật chất và tinh thần có giá trị nên cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát triển. Với thế mạnh đa dạng sinh học, Khánh Hòa là một trong những địa phương có nhiều cây di sản. Đây không chỉ là niềm tự hào mà là tiền đề để phát triển du lịch - thế mạnh kinh tế của tỉnh. Phần lớn cây di sản nằm tại các khu vực thuận lợi đường giao thông, dân cư khá đông đúc, gắn với đình, chùa, lễ hội văn hóa của cư dân địa phương, dễ hình thành các tour, tuyến kết nối các cơ sở du lịch với nhau.
Theo ông Lê Tài - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, đến nay, Diên Khánh được công nhận 8 cây di sản, là địa phương có cây di sản nhiều nhất tỉnh. Tuy nhiên, các giải pháp bảo tồn cây di sản mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, bảo vệ, chăm sóc, ngăn côn trùng xâm hại mà chưa có định hướng gì khác.
Theo ông Phạm Văn Thơm - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, hiện nay, việc giữ gìn, tôn tạo cây di sản được các địa phương rất quan tâm và thực hiện tốt. Tuy nhiên, tỉnh cần có định hướng khai thác, phát triển du lịch để phát huy giá trị cây di sản. Hiện nay, công tác nghiên cứu, công nhận cây di sản còn gặp khó khăn do thiếu kinh phí vì hội không được cấp kinh phí hoạt động. Thời gian qua, hội đã kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để làm biển đá, bằng công nhận cây di sản nhưng kết quả còn hạn chế. Thiết nghĩ, đây cũng là vấn đề cần được tỉnh quan tâm trong thời gian tới.
Q.V
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202006/can-phat-huy-gia-tri-cay-di-san-8167495/