Cần phát huy tính tích cực của văn hóa đọc

Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2021 ở tỉnh Tiền Giang được tổ chức từ ngày 15-4 đến 30-4, trọng tâm từ ngày 19-4 đến 23-4. Xoay quanh hoạt động này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Tiền Giang Nguyễn Chí Định cho biết:

Ảnh:TL

Ảnh:TL

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Thông qua tổ chức sự kiện này, chúng ta cùng nhau vun đắp phong trào đọc sách trong cộng đồng ngày càng phát triển; nâng cao ý thức về phát triển văn hóa đọc trong nhân dân để không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy, hoàn thiện nhân cách con người, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững trong thời đại mới.

* Phóng viên (PV): Với ý nghĩa và tầm quan trọng như thế, Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2021 ở tỉnh Tiền Giang sẽ có những hoạt động gì nhằm thu hút đông đảo độc giả đến với Ngày Sách, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Chí Định: Các hoạt động kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam 21-4 ở Tiền Giang năm nay diễn ra với các hoạt động phong phú như: Ngày hội Đọc sách tại các trường học do Thư viện tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức; trao tặng sách thực hiện “Công trình khu vườn tri thức xanh trong trường học” ở hệ thống trường học trên địa bàn tỉnh do Tỉnh đoàn tổ chức; Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thi Kể chuyện Sách; Sở TT-TT thực hiện vận động các đơn vị phát hành sách tổ chức đợt phát hành sách giảm giá trên địa bàn tỉnh…

Bên cạnh đó, tại Trường Tiểu học Tam Hiệp, huyện Châu Thành, Sở TT-TT phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức “Ngày hội Đọc sách và Vẽ tranh cho thiếu nhi” với mục đích tạo sân chơi vui tươi, bổ ích và lành mạnh cho các em học sinh sau những giờ học căng thẳng; đồng thời, thông qua ngày hội nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.

* PV: Trước sự bùng nổ của công nghệ, việc đọc để tiếp nhận thông tin, tri thức... cũng có nhiều thay đổi, tạo ra cơ hội và thách thức đan xen đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

* Đồng chí Nguyễn Chí Định: Trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước ta xác định xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nền tảng tinh thần của xã hội. Trên nền tảng đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là nhân tố quan trọng. Trong thời gian qua các thiết chế về văn hóa đọc đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và đến nay đã phát triển thành một hệ thống rộng khắp trong toàn tỉnh.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, văn hóa đọc có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Ảnh: Đỗ Phi

Cùng với việc duy trì và phát triển văn hóa đọc truyền thống, ngày nay sự xuất hiện văn hóa đọc trên không gian Internet cũng đã tạo ra một phương thức đọc hiện đại, cung cấp một lượng thông tin, tri thức khổng lồ đến với đông đảo người đọc. Có thể nói trong xu thế hội nhập và phát triển, văn hóa đọc có sức lan tỏa mạnh mẽ, vượt qua biên giới quốc gia, lãnh thổ, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Đó là sự dung nạp giữa cái tốt và cái xấu, cái cao cả và cái thấp hèn…, qua đó tạo ra những thay đổi lớn trong tư duy, nhận thức và hành động thực tiễn của con người hôm nay. Vì vậy, cần phát huy tính tích cực của văn hóa đọc trong đời sống xã hội thông qua việc tôn vinh văn hóa đọc, đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

* PV: Theo đồng chí, ngày nay, việc tìm kiếm thông tin, kiến thức… thông qua thư viện điện tử hay qua mạng Internet đã rất dễ dàng và phổ biến, từ đó có làm giảm giá trị của sách?

* Đồng chí Nguyễn Chí Định: Xu thế toàn cầu hóa, phát triển và hội nhập với thế giới ngày nay cho thấy dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng Internet, thì sách vẫn không thể mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có của nó. Gắn bó với con người qua hàng ngàn năm lịch sử và cho đến tận hôm nay, sách vẫn là “món ăn” không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của con người.

Vì thế, việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam hằng năm chính là nhằm mục đích xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng, cũng như tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc hưởng ứng tốt Ngày Sách Việt Nam 21-4 hằng năm, mà ngay cả trong những ngày bình thường khác, dù bận rộn với công việc, với cuộc mưu sinh, mỗi người hãy dành thời gian thích hợp để đọc sách, xây dựng thói quen đọc sách để làm giàu thêm tri thức của mình từ nguồn tri thức vô tận của nhân loại, phục vụ đắc lực cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội…, góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước phồn vinh.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THIÊN LÊ (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202104/pho-giam-doc-so-thong-tin-va-truyen-thong-tien-giang-nguyen-chi-dinh-can-phat-huy-tinh-tich-cuc-cua-van-hoa-doc-923915/