Cần phát huy vai trò của hội đồng trường

Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Trong đó vai trò của hội đồng trường (HĐT) được thể hiện rất rõ, cụ thể như quyết định về chiến lược, quy hoạch, chính sách đào tạo, nghiên cứu, nhân sự, chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, ngân sách tài chính, đầu tư… Đây được coi là một trong những mắt xích quan trọng trong nâng cao quyền tự chủ, tăng giám sát và giải trình với xã hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế thì những quy định về quyền hạn, trách nhiệm của HĐT chưa thể phát huy hết vai trò của mình.

Hiện hầu hết các trường đại học đều thành lập HĐT. Mặc dù được coi là hội đồng quyền lực nhưng thực tế quá trình thành lập và hoạt động của HĐT khá mờ nhạt. Tại một số trường, chủ tịch HÐT là người ngoài trường kiêm nhiệm nên thời gian dành cho nhiệm vụ HÐT dường như không nhiều; còn với một số trường, chủ tịch HÐT là trưởng một đơn vị trong trường, là cấp dưới của hiệu trưởng cho nên khả năng điều hành cuộc họp với thành viên là ban giám hiệu thường bị hạn chế. Mặt khác, quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến HÐT khi thành lập cơ bản giống như bộ máy quản lý mở rộng dẫn đến trùng lặp với bộ máy quản lý hiện hành, làm cho việc quản trị, quản lý chồng chéo. Do đó, nhiều người cho rằng HĐT như hiện nay thực chất là “hữu danh vô thực” và nếu việc thực thi không mang tính thực chất, minh bạch, không ai đảm bảo HĐT làm tốt yêu cầu giải trình xã hội.

Tại Phú Yên, Trường đại học Xây dựng Miền Trung và Trường đại học Phú Yên đã thành lập HĐT. Quyền hạn và trách nhiệm của HĐT thì đã được quy định rất rõ nhưng việc HĐT là cơ quan thực quyền cao nhất trong trường đại học thì vẫn còn nhiều băn khoăn (nếu có cũng không có thực quyền). Đây cũng là vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức với chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn”.

Theo các chuyên gia giáo dục, để hoạt động của HÐT đạt hiệu quả như mục đích đề ra, cần điều chỉnh và cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của HÐT. Chính phủ và Bộ GD-ÐT cần nghiên cứu bổ sung các văn bản pháp luật quy định rõ ràng, đầy đủ hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của HÐT. Nhất là có quy định làm rõ mối quan hệ, chức năng, nhiệm vụ của HÐT với Ðảng ủy và ban giám hiệu để không bị trùng lặp gây khó khăn và vướng mắc trong quá trình hoạt động.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/249705/can-phat-huy-vai-tro-cua-hoi-dong-truong.html