Cần phát triển xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa

Đó là phát biểu của GS. TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tại Đại hội đại biểu Hội xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra vào chiều 12/7 tại Hà Nội.

Phát triển xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng...

Trải quả hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Hội Xuất bản Việt Nam luôn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, đóng góp tích cực vào xây dựng và phát triển hoạt động xuất bản. Năm 2015, theo Kết luận của Bộ Chính trị về hội quần chúng số 102-KL/TW đã nêu rõ "Hội Xuất bản việt Nam được hưởng chế độ như các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp". Đến năm 2020, theo Thông cáo Kết luận số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư khóa XII Về việc tiếp tục thực hiện kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới, theo đó Hội Xuất bản Việt Nam được đưa vào danh sách 30 hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Với chủ đề “Hội Xuất bản Việt Nam, đổi mới, hội nhập và phát triển”, Đại hội khóa V Hội Xuất bản Việt Nam đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2017-2023, đề ra phương hướng hoạt động giai đoạn 2023-2028; bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra; họp phiên họp lần thứ nhất Ban Chấp hành khóa V, bầu Ban Thường vụ, Chủ tịch và các Phó chủ tịch.

 Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV phát biểu khai mạc Đại hội.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV phát biểu khai mạc Đại hội.

Phát biểu khai mạc đại hội, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV cho biết: "Trong nhiệm kỳ qua, tình hình chính trị thế giới và một số khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài. Hoạt động xuất bản của nước ta trong bối cảnh đó cũng đối mặt nhiều khó khăn. Giá giấy và vật tư in ấn tăng cao, nhiều địa phương bị giãn cách xã hội nên hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, công ty sách bị đình trệ, chuỗi dịch vụ phát hành bị đứt gãy. Nhiều cửa hàng sách truyền thống buộc phải dừng hoạt động, doanh thu sụt giảm trong điều kiện vẫn phải trang trải chi phí tiền lương, thuê mặt bằng… đời sống của người lao động trong ngành xuất bản gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh chung đó, các hội viên của Hội Xuất bản Việt Nam đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, đổi mới phương thức hoạt động để vừa duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống cho người lao động, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào bước phát triển của toàn ngành. Hội Xuất bản Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xử lý các đề xuất, kiến nghị của các hội viên tổ chức, cá nhân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong thời kỳ giãn cách dịch bệnh Covid-19".

Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV khẳng định, với tinh thần chủ động vươn lên, đội ngũ những người làm xuất bản, in, phát hành đã luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân.

Với ý thức trách nhiệm và tình cảm của người đại biểu đại diện cho hội viên cả nước về dự Đại hội, đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, trí tuệ, dân chủ và đổi mới, tham gia các nội dung của Đại hội với tâm thế chủ động, tích cực và xây dựng.

 GS, TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương trình bày tham luận tại Đại hội.

GS, TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương trình bày tham luận tại Đại hội.

Trình bày tham luận tại Đại hội, GS, TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương cho rằng: "Hội Xuất bản Việt Nam luôn luôn là một thành tố hữu cơ, gắn bó mật thiết với toàn bộ sự nghiệp xuất bản. Rộng hơn, tôi nghĩ rằng, Hội Xuất bản Việt Nam chính là một thành viên giữ vai trò vừa đặc thù vừa rất quan trọng trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Không hiểu, tôi nghĩ như vậy có chuẩn xác không? Nếu đúng thì "dư địa" hoạt động của Hội còn rất nhiều, đòi hỏi Hội phải hiện diện, có tiếng nói của mình.

Có lẽ, Hội không chỉ gồm các hội viên tập thể là đại diện các nhà xuất bản, mà cần bao hàm các hội viên cá nhân, lãnh đạo, tham mưu, quản lý cán bộ và các biên tập viên (có thể cả những tác giả tiêu biểu, gắn bó và có những sản phẩm đáng quý cho xuất bản). Nghĩa là theo suy nghĩ của mình, tôi cho rằng, đó là Hội chính trị - xã hội và nghề nghiệp, Hội của nghề nghiệp đặc thù, của trí tuệ và nhân cách, của sự gắn bó và tâm huyết vì sự nghiệp xuất bản".

"Như vậy, tất cả những công việc phát triển xuất bản "theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa", theo cách của mình. Hội có năng lực, trách nhiệm tham gia đóng góp trực tiếp. Cũng có nghĩa là, các nhiệm vụ xét tặng giải thưởng, tham gia bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xuất bản, tuyên truyền, quảng bá sách, hợp tác quốc tế, bảo vệ và chăm sóc quyền lợi hội viên, tham gia xây dựng, phản biện, các chủ trương, chính sách, phát triển xuất bản tạo nên sự hợp tác hiệu quả, đồng bộ với cơ quan chỉ đạo, quản lý, tham mưu đều thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội chúng ta", GS, TS. Đinh Xuân Dũng nói thêm.

 Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng, đưa nước ta từ một quốc gia thiếu sách vào những năm trước giờ đã vươn lên phát triển cả về quy mô, công nghệ, trình độ, năng lực ngang tầm khu vực với hệ thống 57 nhà xuất bản, trên 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/người/năm. Nội dung sách ngày càng phong phú, toàn diện, đa dạng về chủ đề; chất lượng chính trị, văn hóa trong các xuất bản phẩm không ngừng được nâng cao; đội ngũ những người làm xuất bản đã và đang phát huy vai trò tiên phong, không quản khó khăn, gian khó, đổi mới, sáng tạo thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh của của mình;

Tích cực, chủ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia xây dựng đảng, phòng chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, bảo vệ chủ quyền biển, đảo...; mảng sách có nhiều ấn phẩm thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, văn học, khoa học công nghệ, tôn giáo, sách cho thiếu nhi, sinh viên thuộc nhiều xu hướng, góc nhìn khác nhau đã được xuất bản, cung cấp đến bạn đọc cả nước.

Điều đó đã góp phần tạo nên sức mạnh mềm quốc gia, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, những người làm xuất bản càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, không quản hiểm nguy, kịp thời cung cấp thông tin, tri thức đến bạn đọc cả nước bằng nhiều hình thức, bảo đảm an sinh tinh thần của người dân... Trong những thành tích lớn lao đó, có công lao đóng góp quan trọng của Hội Xuất bản Việt Nam và đông đảo hội viên, người làm xuất bản trên cả nước".

Hội Xuất bản Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoạt động tích cực, góp phần xây dựng một nền xuất bản mạnh. Hội đã tập hợp, đoàn kết, động viên, hướng dẫn hội viên phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết, sáng tạo, thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và triển khai công tác của ngành gắn với việc kiểm điểm, đánh giá thực hiện 10 nội dung trong Quy tắc đạo đức nghề nghiệp xuất bản Việt Nam.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những bài tham luận của đại biểu trình bày tại Đại hội, với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, tập trung trí tuệ, Đại hội sáng suốt lựa chọn bầu ra Ban Chấp hành Hội khóa V là các đồng chí đại biểu tiêu biểu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội.

Trong nhiệm kỳ tới, Hội Xuất bản Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của tổ chức quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Tăng cường công tác động viên, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội V Hội Xuất bản Việt Nam. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các Ban chuyên môn của Hội đáp ứng với yêu cầu về mô hình và quy trình của xuất bản, phát hành sách trong quá trình chuyển đổi số và cách mạng công nghệ 4.0. Chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, tích cực đóng góp xây dựng ngành Xuất bản Việt Nam theo hướng “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa" như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Phát biểu bế mạc Đại hội, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 cho biết: "Với tinh thần trách nhiệm cao cả trước hội viên cả nước, Đại hội đã nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV Hội Xuất bản Việt Nam với chủ đề: “Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục đổi mới, hội nhập và phát triển”; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác xuất bản nêu trong các Nghị quyết, Quy định của Đảng; triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư khóa XII Về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về Hội quần chúng trong tình hình mới, Hội Xuất bản Việt Nam là 1 trong 30 hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; thảo luận, xây dựng, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, tiếp tục hoàn thiện Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành, thảo luận sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ Hội và các văn kiện quan trọng khác".

"Được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Đại hội lần thứ V của Hội Xuất bản Việt Nam có thuận lợi là được Nghị quyết, Quy định của Đảng định hướng, dẫn dắt. Hoạt động xuất bản của nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách thời gian qua, trong đó có đại dịch Covid-19, có thêm kinh nghiệm và bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân và bạn đọc trong và ngoài nước", Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 nhấn mạnh.

Với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang của những người làm xuất bản cách mạng hơn 70 năm qua; đội ngũ người làm xuất bản, phát hành sách trong cả nước - tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Xuất bản Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Hình ảnh tại Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028

 Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 phát biểu bế mạc Đại hội.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 phát biểu bế mạc Đại hội.

 Thành viên Ban Chấp hành khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 chụp chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời.

Thành viên Ban Chấp hành khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 chụp chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời.

 Lãnh đạo, khách mời tham dự Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028.

Lãnh đạo, khách mời tham dự Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028.

Hội Xuất bản Việt Nam được thành lập vào năm 2001, là hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong ngành Xuât bản, phát hành sách và các lĩnh vực liên quan đến xuất bản trên phảm vi cả nước; hoạt động theo nguyên tắc: tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội. Hội Xuất bản Việt Nam do Bộ Nội vụ thực hiện quản lý nhà nước; Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chuyên ngành; Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo định hướng hoạt động.

Tính đến hết tháng 5/2023, Hội có 187 hội viên, trong đó có 167 hội viên tổ chức là nhà xuất bản, các cơ sở phát hành hội viên trên cả nước với số người tham gia sinh hoạt thực tế trên 11.000 người và 20 hội viên cá nhân.

Về nhân sự đại hội, Đại hội dự kiến bầu 37 ủy viên Ban Chấp hành đại diện cho 04 khối: khối các cơ quan chỉ đạo quản lý; khối nhà xuất bản, khối cơ sở phát hành xuất bản phẩm và khối các cơ quan, trường đại học, đơn vị, doanh nghiệp có vai trò đào tạo nhân lực và hỗ trợ thúc đẩy phát triển xuất bản và văn hóa đọc; bầu Ban Kiểm tra gồm 03 người.

Tin và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-phat-trien-xuat-ban-theo-huong-tinh-gon-chat-luong-hien-dai-hoa-post255890.html