Cần phương án bảo vệ vùng ngọt hóa
Cà Mau là tỉnh duy nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long không có nguồn nước ngọt bổ sung vào mùa khô, tình trạng xâm nhập mặn đang là vấn đề ngày càng trở nên cấp bách, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng ngọt hóa ở các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau.
Ông Trịnh Xuân Hưng, Giám đốc Ðài Khí tượng thủy văn Cà Mau, cho biết: "Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn khu vực ở mức xấp xỉ đến cao hơn cùng kỳ năm 2024. Ðộ mặn đo được tại trạm Sông Ðốc trên sông Ông Ðốc hiện là 31.6‰, so với cùng kỳ năm 2024 cao hơn 2.7‰; tại trạm Thới Bình trên kênh Chắc Băng 22.1‰; độ mặn cao nhất tại trạm Cà Mau ở mức 23.4‰, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 là 0.9‰".

Chiều sâu ranh mặn 4‰, xâm nhập sâu vào sông Ông Đốc khoảng 60-65 km.
Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng dần và khả năng xâm nhập sâu hơn vào những vùng ngọt hóa (U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và TP Cà Mau). Chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính: Phạm vi xâm nhập mặn trên sông Gành Hào khoảng 60-70 km, trên sông Ông Ðốc khoảng 60-65 km, trên kênh Chắc Băng khoảng 65-70 km. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai xâm nhập mặn ở cấp độ 1.
Ông Trịnh Xuân Hưng khuyến cáo: “Thời gian tới, độ mặn tại các điểm đo có xu hướng tăng dần và khả năng xâm nhập sâu hơn vào vùng ngọt hóa trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, các địa phương cần có phương án bảo vệ vùng ngọt hóa và dự trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trong các tháng mùa khô còn lại của năm 2025”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: "Ðể bảo vệ sản xuất, tỉnh đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư khép kín các tiểu vùng và các ô thủy lợi ở Tiểu vùng II và III Bắc Cà Mau thuộc 2 huyện: Trần Văn Thời và U Minh. Cùng với đó là hệ thống đê bao, cống ngăn mặn, giữ ngọt hiện nay sẵn sàng ứng phó khi hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt có thể xảy ra".

Cùng với hệ thống đê bao, toàn tỉnh có 214 cống thủy lợi và 25 trạm bơm điều tiết nước, sẵn sàng ứng phó khi ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt có thể xảy ra.
Thông thường, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt trên địa bàn tỉnh Cà Mau chỉ xảy ra trong mùa khô và thường bắt đầu từ tháng 1-6, riêng xâm nhập mặn vùng ngọt có thể kéo dài hơn. Khi nước mặn xâm nhập vào đất liền, lượng nước ngọt từ những con sông thượng lưu chảy về hạ lưu giúp trung hòa nước mặn, đồng thời đẩy ngược ra biển. Tuy nhiên, trong những tháng mùa khô, thời tiết không có mưa, lại không có nguồn nước ngọt cấp bổ sung, nước sông bị bốc hơi nhanh do nắng nóng. Ðiều này khiến lượng nước ngọt không đủ, làm hiện tượng xâm nhập mặn diễn ra, xâm nhập ngày càng sâu vào nội đồng.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, TP Cà Mau tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Ðặc biệt, tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn của cơ quan chức năng, kịp thời thông tin, tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, tổ chức có liên quan chủ động thực hiện các giải pháp phòng tránh, ứng phó. Ðồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh (Phương án số 01/PA-BcH ngày 2/1/2025).
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn để đánh giá, dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa. Qua đó, xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng, để tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, khu vực; ưu tiên nhiệm vụ cấp nước, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt, không để xâm nhập mặn vào vùng ngọt hóa, đảm bảo nước phòng cháy, chữa cháy rừng.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Ðài Khí tượng thủy văn Cà Mau theo dõi, dự báo sớm tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, kịp thời cung cấp thông tin đến các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan để chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, không để bị động, bất ngờ.
UBND các huyện, TP Cà Mau xác định nhiệm vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, qua đó có giải pháp chỉ đạo thực hiện quyết liệt, để giảm tối đa các thiệt hại. Tăng cường khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất đúng lịch mùa vụ, nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại từng khu vực trên địa bàn, để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-phuong-an-bao-ve-vung-ngot-hoa-a37352.html