Cần phương án căn cơ xử lý đá núi lăn xuống đường trên bán đảo Sơn Trà
Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng vừa có công văn gửi UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất bố trí kinh phí triển khai phương án xử lý tình trạng đá lăn từ trên vách núi Sơn Trà xuống đường Hoàng Sa gây nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân và du khách qua lại tại khu vực này.
Công nhân trèo lên vách núi thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, chống sạt lở đá tại núi Sơn Trà.
Từ đầu năm 2022 đến nay, đầu tuyến đường Hoàng Sa (đoạn đi lên khu nghỉ dưỡng Intercontinental DaNang) liên tục xuất hiện tình trạng các tảng đá lớn trên vách núi sạt lở, rơi xuống mặt đường. Cùng với việc khắc phục tạm thời tại vị trí đã xảy ra sạt lở, Sở GTVT đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra thực tế hiện trường, xây dựng phương án xử lý. Trong văn bản báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hồng Trung cho biết, trên tuyến đường Hoàng Sa, đoạn từ Lê Văn Lương đến Intercontinental DaNang xuất hiện một số điểm sạt lở, đá lăn từ ta-luy dương. Cụ thể, có 6 vị trí với tổng chiều dài khoảng 1,5km, có nơi đã 2 lần xuất hiện tình trạng các tảng đá khoảng 1m3 lăn xuống lòng đường. Hầu hết các vị trí xảy ra hiện tượng này sườn núi có độ dốc thoải, nhiều tảng đá kích thước lớn ở vị trí hiểm yếu, có nguy cơ bị bong ra nếu gặp thời tiết mưa nắng thất thường. Tại một số vị trí, cơ quan chức năng từng làm kè rọ đá chống sạt lở nhưng đến thời điểm hiện tại rọ đã bị đứt hoặc rỉ sét không đảm bảo an toàn.
Lý giải về nguyên nhân gây sạt lở, ông Bùi Hồng Trung cho biết là do lớp đá hiện trạng phía ta-luy dương bị phong hóa kết hợp ảnh hưởng của các đợt mưa lớn. Vừa qua, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường chủ động xử lý tạm tại vị trí liên tục xảy ra sạt lở bằng phương án sử dụng nhân công đánh tẩy một số tảng đá có nguy cơ lăn xuống đường nhằm đảm bảo an toàn đồng thời lắp đặt các biển báo "Đá lở" tại các vị trí nguy hiểm dọc tuyến. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, Sở đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng trước mắt triển khai xử lý các điểm có nguy cơ đá lăn bằng các giải pháp như sửa chữa các lưới chắn đá bị hư hỏng cục bộ, bổ sung tường rọ đá, tường chắn kết hợp lưới, cáp chắn đá... Riêng đối với điểm xung yếu nhất là đoạn từ trụ điện 53 đến trụ điện 69 (gần Intercontinental DaNang) dài khoảng 655m là vị trí có địa hình địa chất phức tạp, khó khăn trong công tác khảo sát (mái ta-luy dương dốc lớn) đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu để đề xuất các giải pháp xử lý mang tính lâu dài. Để đảm bảo an toàn giao thông, cơ quan chức năng xử lý tạm thời bằng giải pháp sử dụng nhân công kết hợp thiết bị hỗ trợ dọn dẹp, phá bỏ, đánh tẩy các viên đá mồ côi bị phong hóa có nguy cơ lăn xuống đường.
Một tảng đá lớn sạt lở từ trên núi Sơn Trà lăn xuống lòng đường Hoàng Sa.
Trước mắt, Sở GTVT đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng 4,36 tỷ đồng để triển khai các giải pháp khắc phục tạm thời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, du khách. Về lâu dài, đơn vị đề nghị thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư công trình xử lý từ nguồn vốn xây dựng cơ bản. Theo cơ quan chức năng, do địa hình tại đây phức tạp nên để thực hiện phương án tối ưu sẽ rất khó khăn và tốn kém. Không chỉ kiên cố, an toàn mà đây là tuyến đường du lịch, có nhiều cảnh đẹp nên khi triển khai dự án cần đảm bảo phù hợp cảnh quan thiên nhiên để phục vụ du lịch. Hiện các đơn vị tư vấn đã đề xuất sử dụng vật liệu lưới giăng của Nhật Bản, loại an toàn và thân thiện với thiên nhiên để thực hiện theo phương án khoan địa chất neo giữ lưới. Đây là biện pháp lần đầu tiên được thực hiện tại Đà Nẵng cho mục đích chống sạt lở từ núi cao. Khi sử dụng phương án này, đá sẽ được neo giữ lại, cây cối, thảm thực vật vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, không ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên.
Ông Trần Từ Hải - Phó Giám đốc Cty CP quản lý cầu đường TP Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây không chỉ đầu tuyến đường Hoàng Sa mà đường lên Bà Nà - Suối Mơ (H.Hòa Vang) cũng xảy ra hiện tượng sạt lở, đá lăn. Đơn vị cũng đã khắc phục, xử lý một điểm sạt lở đất đá trên tuyến đường này đồng thời cắt cử công nhân thường xuyên tuần tra, khảo sát, đặc biệt là sau mỗi đợt mưa lớn. "Các tuyến đường này đều là điểm đến du lịch nên không thể cấm lưu thông mà chỉ có thể cắm biển cảnh báo, cấm dừng đỗ tại các điểm hay xảy ra đá rơi. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, du khách không dừng lại tại các điểm đã cắm biển cảnh báo", ông Hải cho biết.