Cần quản lý các hoạt động thể thao mạo hiểm trên biển Đà Nẵng
Chèo được khoảng 30 phút thì ván Sup của anh H. và chị N bị lật. Phát hiện sự việc, chị Hà liền chèo đến hỗ trợ nhưng do sóng lớn nên đã bị đánh trôi dạt ra đến vùng biển Cù Lao Chàm, cách nơi xuất phát khoảng 30km....
Như Báo CAND đã đưa tin, ngày 20/12, chị Huỳnh Châu Ngọc Hà (25 tuổi, trú TP Hồ Chí Minh) cùng bạn là chị N., trú tại TP Đà Nẵng, thuê 2 ván Sup (ván lướt sóng có mái chèo - Stand up paddle boarding) để chèo trải nghiệm tại khu vực biển quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Vì chưa thạo lướt sóng bằng ván Sup nên họ được anh Trần K. H. (SN 1991, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng), là người cho thuê ván Sup đi cùng để hướng dẫn sử dụng ván khi lướt sóng. Tuy nhiên, chèo được khoảng 30 phút thì ván Sup của anh H. và chị N bị lật. Phát hiện sự việc, chị Hà liền chèo đến hỗ trợ nhưng do sóng lớn nên đã bị đánh trôi dạt ra đến vùng biển Cù Lao Chàm, cách nơi xuất phát khoảng 30km. Đến rạng sáng 21/12, chị Hà may mắn được một tàu đánh cá của ngư dân Hội An (Quảng Nam) phát hiện, cứu đưa vào bờ.
Từ thông tin của chị Hà, lực lượng Bộ đội Biên phòng Cửa Đại, Hội An thông báo cho các đơn vị địa phương, các tàu thuyền ngư dân hoạt động trên vùng biển Cù Lao Chàm và Đà Nẵng phối hợp tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích.
Ngày 29/12, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, liên tục từ ngày 21/12, BQL cũng đã cử đội cứu hộ, huy động tàu phối hợp cùng với gia đình nạn nhân tích cực tìm kiếm trên vùng biển bán đảo Sơn Trà và khu vực dọc bãi biển Đà Nẵng, nhưng không phát hiện tung tích anh H. và chị N.
Chị Hà may mắn được tàu đánh cá ngư dân Quảng Nam cứu trên vùng biển Cù Lao Chàm.
Cho đến rạng sáng 27/12, người dân phường Điện Dương (Quảng Nam) phát hiện thi thể của anh H. trôi dạt vào bãi biển Hà My, cách vị trí xảy ra sự cố trên biển hơn 20km. Sau khi khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng đã thông báo cho gia đình nạn nhân đưa xác anh H. về an táng. Công việc tìm kiếm nạn nhân mất tích còn lại là chị N. hiện vẫn đang được tiếp tục.
Cũng theo ông Vũ, khi chị Hà, chị N. và anh H. sử dụng ván Sup bơi trải nghiệm trên vùng biển bán đảo Sơn Trà đúng vào thời điểm ảnh hưởng của bão số 9 nên khu vực biển Đà Nẵng và Quảng Nam có sóng to, gió lớn. Thời điểm đó, cùng với dự báo bão của cơ quan khí tượng thủy văn, chính quyền các địa phương, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng liên tục phát loa cảnh báo đối với du khách, người dân không được tham gia các hoạt động thể thao trên biển, hoặc tắm biển, song bất chấp cảnh báo một số du khách vẫn chơi ván Sup trên vùng biển Sơn Trà và đã dẫn đến hậu quả đau lòng.
Ông Vũ nói rằng, hoạt động cho thuê ván Sup là hoàn toàn tự phát, chỉ thông qua giới thiệu, quen biết hoặc nhóm trên mạng xã hội, Facebook để thông tin, thỏa thuận với nhau. Người được cho là huấn luyện viên, hướng dẫn du khách chơi loại hình này cũng không có đăng ký, hay quản lý về kinh doanh; chưa tham gia khóa huấn luyện cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đây là một loại hình thể thao mạo hiểm, tự phát mới xuất hiện gần đây tại các điểm du lịch biển Đà Nẵng, Hội An, Quảng Nam. Qua theo dõi, thì tại các bãi biển Đà Nẵng có hơn 10 nhóm, câu lạc bộ Sup thể thao hoạt động trên các bãi biển, sông, hồ.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có những quy định cụ thể nào về quản lý các hoạt động kinh doanh, cho thuê dụng cụ thể thao và quản lý các hoạt động thể thao mạo hiểm trên biển như chèo Sup. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho du khách, ngăn chặn không để thêm bất cứ trường hợp đáng tiếc nào xảy ra, BQL đã có công văn gửi Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng đề nghị ban hành các quy định cụ thể để quản lý các hoạt động thể thao trên biển. Đặc biệt là thể thao mạo hiểm như chèo ván Sup, bơi thuyền Kayak, lướt sóng... nhằm tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.