Cần quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở

Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội trong toàn tỉnh, công tác trẻ em được các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được nâng cao, nhất là khi Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở.

 Sân chơi trẻ em được đầu xây dựng tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Ảnh: ĐV

Sân chơi trẻ em được đầu xây dựng tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Ảnh: ĐV

Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực và có nhiều thay đổi nên việc triển khai ở cấp cơ sở vẫn chưa được đồng bộ; tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em khá phổ biến; tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa còn diễn ra khá phổ biến; một số vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục chưa được kịp thời phát hiện dẫn đến việc đối tượng thực hiện hành vi xâm hại nhiều lần mới bị xử lý. Ban bảo vệ trẻ em ở một số địa phương vẫn chưa thực hiện hết trách nhiệm và vai trò. Bộ máy cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp hiện nay còn thiếu và còn kiêm nhiệm; cán bộ cấp huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn chỉ có 1 người nhưng lại kiêm nhiệm nhiều công việc; cán bộ LĐ-TB&XH xã, phường, thị trấn hiện phải thực hiện 11 đầu việc (công tác trẻ em là đầu việc thứ 11) nên việc chỉ đạo, theo dõi và thực hiện các hoạt động liên quan đến trẻ em một số địa phương khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; cộng tác viên trẻ em ở cấp thôn, bản, khu phố hầu như rất ít và chưa có nguồn ngân sách hỗ trợ thường xuyên, vì vậy rất khó khăn trong việc nắm bắt số liệu và thông tin ở cơ sở, nhất là các vấn đề về lao động nặng nhọc, bạo lực, xâm hại trẻ em. Ngân sách cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở rất hạn hẹp, nhiều địa phương không có kinh phí dẫn đến công tác này chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức, hiệu quả các hoạt động chưa cao.

Tìm hiểu thực tế tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, anh Trần Ngọc Da, công chức văn hóa- xã hội phụ trách công tác chính sách- xã hội của xã cho rằng hiện nay công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo anh Da, nguyên nhân chủ yếu là do bản thân anh phải kiêm nhiệm rất nhiều đầu việc. “Do thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu kinh phí thực hiện công tác trẻ em nên chúng tôi thật sự gặp nhiều khó khăn. Hằng năm địa phương phải vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để thực hiện các hoạt động vui chơi cho trẻ em vào các dịp Trung thu, Tết thiếu nhi và các dịp lễ, tết. Còn việc nắm bắt thông tin về những vụ việc liên quan đến trẻ em vẫn còn hạn chế”, anh Da cho biết.

Hiện toàn xã Triệu Thuận có 1.194 trẻ em, trong đó có 40 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ khuyết tật. Anh Da cho biết thêm, với năng lực của mình anh có thể đảm đương được lĩnh vực được giao nhưng thật sự vất vả. Theo anh để thực hiện tốt hơn công tác quản lý trẻ em, cần thiết có thể bố trí thêm đội ngũ cộng tác viên ở thôn để nắm bắt kịp thời thông tin, giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến trẻ em. Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận Hoàng Văn An, thì hiện nay nguồn kinh phí chi cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em không có mà chỉ lồng ghép hỗ trợ cho các cháu vào các hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã, thôn. Đặc biệt, hiện nay trong số 4 thôn của xã Triệu Thuận thì chỉ có 1 thôn có sân chơi trẻ em đã được xây dựng là có sự đầu tư của nhà nước, cơ bản đáp ứng được tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em. Tại các thôn còn lại tuy đã có quy hoạch quỹ đất làm sân chơi trẻ em nhưng do thiếu nguồn lực nên vẫn chưa xây dựng được các hạng mục vui chơi cần thiết dành cho trẻ em. “Chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành cần quan tâm bố trí cán bộ hoặc cộng tác viên chuyên trách thực hiện công tác trẻ em. Đồng thời mong muốn nhà nước hỗ trợ đầu tư các sân chơi trẻ em ở các thôn để các cháu có nơi vui chơi lành mạnh, an toàn sau giờ học”, ông An cho hay. Tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở xã Triệu Thuận cũng là tình trạng chung của nhiều xã, thôn trong tỉnh. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng và các quyền của trẻ em…

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bùi Văn Thảng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh ở mỗi xã, phường, thị trấn chỉ có 1 cán bộ làm công tác LĐTB&XH, trong đó có công tác trẻ em. Ngành LĐ-TB&XH là ngành phụ trách đa lĩnh vực, gồm: Lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, chăm sóc người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo, tệ nạn xã hội, trẻ em và bình đẳng giới. Với nhiều đầu việc như vậy nhưng ở cấp cơ sở chỉ do một cán bộ đảm nhận, thực hiện nên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về công tác trẻ em. Ngoài ra, Luật Trẻ em liên quan đến ngành LĐ-TB&XH và các văn bản dưới luật thường xuyên bổ sung, điều chỉnh, trong khi đó chỉ có 1 cán bộ phụ trách nhiều lĩnh vực nên khi có thay đổi đó thì việc cập nhật, tiếp thu chưa kịp thời đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện công tác trẻ em. Trình độ cán bộ ở cấp xã chưa đồng đều, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ban bảo vệ chăm sóc trẻ em ở một số địa phương chưa phát huy tốt trách nhiệm của mình, cán bộ làm công tác trẻ em còn thiếu, yếu, kiêm nhiệm nhiều việc nên ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện công tác trẻ em; các địa phương hằng năm bố trí kinh phí cho công tác trẻ em còn quá ít, thậm chí có địa phương không có kinh phí nên dẫn đến thực hiện công tác trẻ em hạn chế. Tình trạng xâm hại, bạo lực, đuối nước, tảo hôn đối với trẻ em vẫn còn xảy ra ở các địa phương. Đặc biệt là tình trạng đuối nước và nạn tảo hôn đối với trẻ em vùng dân tộc thiểu số còn xảy ra tương đối nhiều. Để khắc phục tình trạng này, ông Thảng cho hay: Theo chủ trương tinh giản biên chế thì hiện nay rất khó có thể bố trí được cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là ở cấp cơ sở nên thời gian tới ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH nâng cao trình độ, kiến thức, tăng cường hiểu biết pháp luật về lĩnh vực phụ trách, trong đó có công tác trẻ em để thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là về công tác trẻ em ở cấp cơ sở. Ngoài ra, chúng tôi đề nghị các cấp, ngành, địa phương, các bậc phụ huynh quan tâm, coi trọng việc chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác phòng, chống tình trạng xâm hại, bạo lực, đuối nước đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=147434