Cần quan tâm đầu tư công trình nước sạch trong xây dựng nông thôn mới
Xác định tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe và cuộc sống của người dân, thời gian qua, từ các nguồn kinh phí khác nhau, tỉnh luôn quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các vùng dân cư. Tuy nhiên, hiện nay tại một số khu vực nông thôn trong tỉnh, một bộ phận người dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước sạch. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của Nhân dân và chưa đạt chỉ tiêu nước sạch trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh có 180 hộ nhưng chỉ có 10 hộ có nguồn nước sạch đảm bảo cho sinh hoạt. Số hộ còn lại hằng ngày phải dùng nguồn nước bị nhiễm phèn và nhiễm mặn. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lương, ở Thôn 5 cho biết: “Nước được bơm lên bị nhiễm phèn nặng nên gia đình tôi phải xây bể để lọc nước. Dù được lọc qua 3 lớp đá, than và cát nhưng nguồn nước thu được sử dụng vẫn không đảm bảo”.
Cùng góp chuyện, ông Phan Văn Quý cho biết thêm: “Sau khi lọc qua bể, nước trong và đỡ phèn hơn nhưng dùng để phục vụ nhu cầu ăn, uống vẫn chưa đảm bảo, khi tắm rửa da thường bị mẩn đỏ. Trước tình hình đó, gia đình tôi phải sắm thêm máy lọc nước để mong có nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Đối với máy lọc nước, cứ vài ngày phải thay lõi 1 lần vì quá bẩn. Tuy nhiên do cuộc sống của người dân tại địa phương còn khó khăn nên không phải gia đình nào trong thôn cũng đủ điều kiện để mua hệ thống lọc nước, nhiều hộ dân vẫn sử dụng nguồn nước không đảm bảo để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Mong muốn của chúng tôi là được cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như đảm bảo sức khỏe cho người dân”.
Tại xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tình trạng nguồn nước bị nhiễm phèn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Có nhiều hộ phải khoan giếng sâu hàng chục mét, lấy nguồn nước ngầm từ trong lòng đất để sử dụng nhưng nguồn nước vẫn bị nhiễm phèn, không đảm bảo. “Hiện tại người dân xã Hải Lệ đang sử dụng nước hợp vệ sinh là chủ yếu, chưa có nước sạch để sử dụng. Nhà máy nước thị xã Quảng Trị công suất nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước sạch cho xã Hải Lệ. Địa phương mong muốn cấp trên quan tâm tạo điều kiện cho người dân xã Hải Lệ có nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt và nâng cao chất lượng cuộc sống”, Chủ tịch UBND xã Hải Lệ Hồ Khánh cho biết thêm.
Nước sạch là một nhu cầu cơ bản trong cuộc sống hằng ngày, một đòi hỏi bức thiết trong việc bảo vệ sức khỏe và cải thiện sinh hoạt cho người dân, đồng thời, đây cũng là một tiêu chí trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Nước sạch là nguồn nước trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa các độc chất và vi khuẩn gây bệnh cho con người. Nước sạch phải bảo đảm các chỉ tiêu theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Còn nước hợp vệ sinh là nước không màu, không mùi, không vị, không chứa các thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi. Nước hợp vệ sinh có thể là nước mưa được trữ trong các thiết bị dự trữ, nguồn nước mặt được bơm lên đưa vào bồn chứa và cung cấp đến người dân sử dụng… Tỉ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh có thể được đánh giá bằng cảm tính, còn tỉ lệ sử dụng nước sạch phải được kiểm định dựa vào các thiết bị thí nghiệm do các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện.
Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay toàn tỉnh có 201 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung với tổng công suất khai thác ước khoảng 6.500 m3/ngày/đêm, đảm nhận nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho khoảng 32.168 hộ dân. Có khoảng 75.121 hộ dân sử dụng nước từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ và khoảng 10.871 hộ chưa có nước hợp vệ sinh để sử dụng. Tỉ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt 58,41%; tỉ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90,8%. Nhìn chung, tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia chỉ xếp ở mức trên trung bình của vùng nông thôn cả nước. Chính vì vậy, việc ưu tiên nguồn vốn, đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước cho người dân luôn là vấn đề cấp thiết.
Theo Trưởng Phòng Kế hoạch Kỹ thuật, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đoàn Xuân Thủy, để nâng cao tỉ lệ số hộ gia đình sử dụng nước sạch trên địa bàn nông thôn của tỉnh cần duy tu, bảo dưỡng các công trình đang hoạt động để tăng cường công suất, kiểm soát được chất lượng nước. Đối với công trình xây mới, nên áp dụng đầu tư những công trình cấp nước có quy mô lớn và sử dụng công nghệ xử lý nước hiện đại để người dân dễ vận hành, kiểm soát được chất lượng nước.
Đồng thời hoàn thiện và triển khai dự án “Hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung vùng nông thôn tỉnh Quảng Trị” giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục hoàn thiện các bước tiếp theo của dự án “Nước sạch, vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Khi dự án này được triển khai trên địa bàn nông thôn của các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh sẽ có khoảng 34.500 hộ gia đình thuộc 28 xã được cung cấp nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt nhất và thường đạt cuối cùng trong 19 tiêu chí xây dựng NTM tại các địa phương. Trong đó, chỉ tiêu nước sạch thuộc tiêu chí này là vấn đề khó khăn đối với các địa phương trong lộ trình xây dựng NTM. Do vậy, để các địa phương tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM, thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn ngày càng được nâng cao, việc hoàn thành chỉ tiêu nước sạch đóng vai trò rất quan trọng. Muốn làm được điều đó, rất cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng trong thời gian tới.