Cần quan tâm đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp
Xác định hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào cần đi trước một bước nhằm đáp ứng nhu cầu và định hướng phát triển khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm phát triển hệ thống hạ tầng dần đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư và tạo được lợi thế cạnh tranh.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19 KCN với quy mô hơn 5.400 ha, trong đó có 15 KCN đã có quyết định chủ trương đầu tư và cấp GCNĐT/GCNĐKĐT, có 8 KCN đi vào hoạt động; tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 52%.
Hiện 7 KCN trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế 21.800 m3/ngày, đêm, trong đó KCN Kim Hoa 1.000 m3/ngày, đêm (Công ty Honda Việt Nam); KCN Khai Quang 5.800 m3/ngày, đêm; KCN Bình Xuyên 3.000 m3/ngày, đêm; KCN Bá Thiện 5.000 m3/ngày, đêm; KCN Bình Xuyên II 1.000 m3/ngày, đêm; KCN Bá Thiện II 3.000 m3/ngày đêm và KCN Thăng Long Vĩnh Phúc 3.000 m3/ngày, đêm.
Tỉnh cơ bản hình thành khung hạ tầng giao thông trong giai đoạn đến năm 2020, bao gồm hệ thống giao thông đối ngoại và giao thông kết nối giữa các địa bàn trong tỉnh; từng bước hiện đại hóa mạng giao thông nội tỉnh.
Cụ thể, triển khai xây dựng mới đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đoạn qua Vĩnh Phúc; hoàn thiện tuyến tránh quốc lộ 2A (đoạn qua thành phố Vĩnh Yên); xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên tuyến quốc lộ 2C qua sông Hồng kết nối với thành phố Hà Nội; nâng cấp và cải tạo quốc lộ 2, quốc lộ 2C, quốc lộ 2B; cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu đảm bảo lưu thông vận chuyển hàng hóa trong tỉnh với các tỉnh lân cận; tiếp tục xây dựng các tuyến đường tỉnh, đường nội thị, các tuyến đường giao thông nông thôn để đảm bảo tốt nhu cầu đi lại và kết nối giữa các điểm dân cư thuận tiện việc đi lại cho người dân nói chung và công nhân làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Hoàn thiện hệ thống bến xe, bãi đỗ, các trạm đỗ xe, các điểm đỗ xe, xây dựng các tuyến xe buýt thuận tiện cho việc đưa đón công nhân...
Mặc dù hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các KCN đã được tỉnh quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp (DN), nhất là hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, dịch vụ, viễn thông và hạ tầng xã hội phục vụ đời sống tinh thần, hỗ trợ người lao động.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, phát triển các KCN, nhất là khu vực thuộc huyện Sông Lô và huyện Lập Thạch.
Tại một số khu vực trên địa bàn các KCN đã và đang hoạt động, hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào hiện mới đáp ứng ở mức trung bình như hạ tầng giao thông còn hạn chế về khả năng kết nối khu vực; hạ tầng cấp điện, cấp nước, dịch vụ viễn thông có thời điểm chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất công nghiệp, thông tin liên lạc... chưa theo kịp nhu cầu hoạt động sản xuất các KCN và yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.
Đơn cử như KCN Bá Thiện II, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Vina-CPK; về cơ bản một số hạ tầng thiết yếu ngoài hàng rào đã được đầu tư nhằm đáp ứng hoạt động của KCN; song, cần nghiên cứu tiếp tục đầu tư bổ sung thêm một số hạ tầng ngoài hàng rào phục vụ cho KCN như các tuyến đường kết nối các tuyến sát hàng rào KCN; bãi đỗ xe phục vụ KCN và xây dựng hạ tầng khu nhà ở, ký túc xá phục vụ cho công nhân KCN.
Những hạn chế về kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào được coi là một trong những cản trở lớn đối với công tác thu hút đầu tư vào KCN. Kết cấu hạ tầng yếu kém làm gia tăng chi phí sản xuất - kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh của DN, gây nhiều khó khăn cho đời sống người lao động.
Để hoàn thành mục tiêu sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước, thời gian tới, tỉnh cần tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các KCN, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ hệ thống hạ tầng bên trong và phù hợp với các quy hoạch có liên quan được duyệt.
Trong đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án KCN cần phải đi trước một bước; đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung các nguồn lực để ưu tiên cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống giao thông, thủy lợi, điện năng, bưu chính, viễn thông, kết cấu hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các KCN nói riêng, tăng tỷ trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, trong đó có xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội dành cho công nhân tại KCN.