Cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên ở miền núi cả về chất và lượng
Ngành Nội vụ và các cấp chính quyền cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên ở miền núi cả về số lượng và chất lượng.
Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà - đoàn Lào Cai khi nêu ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.
Cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên ở miền núi
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà - đoàn Lào Cai, những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 2 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn này người thụ hưởng phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày 22/5 vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 517 về việc phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu mong các bộ, ngành sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả.
Đề cập đến chất lượng nguồn nhân lực, đại biểu Lê Thu Hà nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu: đến năm 2025 tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, THCS trên 95%, THPT trên 60% và người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông trên 90%.
Để đạt được mục tiêu trên, 3 năm tới, ngoài việc thực hiện các nội dung như: chương trình mục tiêu đặt ra chủ yếu là đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học thì sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là hết sức cần thiết. Trước hết, ngành nội vụ và các cấp chính quyền cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên ở miền núi cả về số lượng và chất lượng.
Đại biểu cho hay, hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đều thiếu số lượng giáo viên so với định biên quy định của Bộ GD&ĐT. Do vậy, một số địa phương chỉ ưu tiên mở các lớp 5 tuổi để chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1, ưu tiên giáo viên để dạy cấp tiểu học và THCS.
Điều này đã đặt trẻ em từ 0 đến 2 và 3 đến 4 tuổi ở vùng sâu, vùng xa đối diện với nguy cơ khó có khả năng đến trường. Trong khi lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 vẫn thực hiện tinh giản 10% và tinh giản cả với đội ngũ giáo viên.
Cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị
“Thực tế cho thấy, với số lượng biên chế thời điểm cuối năm 2021, ngành giáo dục các tỉnh miền núi đã phải căng hết sức mới đảm trách được nhiệm vụ. Nếu tiếp tục cắt giảm 10% trong giai đoạn tới sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ học sinh chuyên cần chất lượng phổ cập giáo dục miền núi, tiểu học nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung” - đại biểu Lê Thu Hà chia sẻ, đồng thời cho rằng:
Do điều kiện kinh tế - xã hội của vùng còn khó khăn nên dư địa để đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao tỷ lệ tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách của các đơn vị sự nghiệp công lập ở các tỉnh, địa phương miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có nhiều.
Do vậy, đề nghị Chính phủ khi giao chỉ tiêu giảm biên chế trong giai đoạn tới không cào bằng tỷ lệ 10% đối với các tỉnh miền núi vùng cao. Ngoài ra, việc duy trì sĩ số học sinh của các lớp học, cấp học ở các trường miền núi cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng.
Theo nữ đại biểu đoàn Lào Cai, nếu chỉ riêng tuyên truyền, vận động của ngành giáo dục, các thầy cô giáo vẫn chưa đủ, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị tại các cơ sở thông qua công tác vận động, cơ chế giám sát và chế tài cụ thể.
Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản và người có uy tín trong thực hiện. Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh các xã khu vực III hoàn thành nông thôn mới trở về xã khu vực I.
Từ quan điểm trên, đại biểu Hà đề nghị, Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2016 theo hướng có chế độ hỗ trợ cho học sinh ở xã khu vực I mức hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, 10 kg gạo/tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Qua đó, nhằm duy trì các trường phổ thông dân tộc bán trú, huy động tối đa học sinh học tại trường chính, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Minh Phong