Cần quan tâm đúng mức tới bảo hiểm
Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), dự kiến số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả đền bù thiệt hại cho các khách hàng do cơn bão số 3 và lũ lụt tại các tỉnh miền Bắc khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền này là rất nhỏ so với thực tế, đặc biệt là khách hàng tại khu vực tam nông khi tham gia bảo hiểm quá ít so với quy mô ngành nông nghiệp Việt Nam. Ông Đỗ Minh Hoàng – thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank thông tin một thực tế đáng lưu tâm, đó là mới chỉ có gần 20% khách hàng (doanh nghiệp, cá nhân) vay vốn tại Agribank mua bảo hiểm, và chỉ 16% dư nợ được bảo hiểm, có nghĩa là cứ 100 đồng ngân hàng cho vay ra, chỉ 16 đồng được bảo hiểm. Như vậy, còn phần lớn doanh nghiệp và người dân chưa coi hợp đồng bảo hiểm là thực sự cần thiết để chia sẻ rủi ro khi có thiên tai, thảm họa xảy ra. “Qua các sự cố thiên tai, doanh nghiệp và người dân cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo hiểm, coi việc mua bảo hiểm là một trong những biện pháp quản trị và đề phòng rủi ro trước thiên tai, dịch bệnh không thể lường trước”, ông Hoàng bày tỏ.
Lãnh đạo Bảo hiểm Agribank cho biết, trước những mất mát và thiệt hại nghiêm trọng, Bảo hiểm Agribank đã thành lập rất nhiều đoàn công tác tới 14 tỉnh thành nơi bão Yagi quét qua, trong đó tập trung vào các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Quảng Ninh, Hải Phòng,... Đồng thời yêu cầu cán bộ địa bàn phải chủ động liên hệ với từng khách hàng mua bảo hiểm để nắm bắt thông tin tổn thất. Đặc biệt, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị phải chủ động, linh hoạt thu thập hồ sơ thiệt hại, linh hoạt sử dụng phương án bồi thường thiệt hại.
Thông tin thêm về phương án bồi thường, ông Hoàng cho biết, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, có 3 phương thức bồi thường bao gồm: thay mới tài sản; sửa chữa tài sản; bồi thường bằng tiền mặt. Ban lãnh đạo Bảo hiểm Agribank đánh giá rằng, hạn chế của 2 phương thức bồi thường thay mới và sửa chữa tài sản là các doanh nghiệp bảo hiểm không thể chi trả bồi thường ngay cho khách hàng, thay vào đó phải chờ chứng từ sửa chữa/thay thế. Do đó, việc chi trả bồi thường có thể kéo dài 5 – 6 tháng sau khi tổn thất xảy ra. Trong khi đó Chính phủ, Bộ Tài chính và chỉ đạo của Agribank là Bảo hiểm Agribank phải linh hoạt, chủ động vận dụng các phương án để kịp thời chi trả bồi thường ngay để khách hàng có nguồn lực tài chính khắc phục tổn thất và nhanh chóng đưa tài sản vào vận hành sản xuất, kinh doanh. Như vậy, 2 phương thức bồi thường này không còn đảm bảo tính kịp thời. Do đó, Ban lãnh đạo Bảo hiểm Agribank chỉ đạo các đơn vị tại địa phương phải vận dụng phương thức thứ 3, đó là trả tiền bồi thường, trên cơ sở biên bản giám định thiệt hại sơ bộ do các giám định viên của Bảo hiểm Agribank, các đoàn công tác và khách hàng cùng lập. Phương án này có ưu điểm đó là khách hàng có ngay khoản tiền mặt để khắc phục mà không phải tái vay ngân hàng để sửa chữa hay thay thế tài sản. Thay vào đó, có thể ngay lập tức dùng nguồn tiền vay khôi phục sản xuất, kinh doanh và đời sống hàng ngày. “Tham gia bảo hiểm, người dân và các doanh nghiệp sẽ có phương án bảo vệ tối ưu, có nguồn tài chính đảm bảo để khắc phục rủi ro, sớm ổn định cuộc sống”, đại diện Bảo hiểm Agribank nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong công tác bồi thường và kịp thời chi trả bồi thường cho khách hàng, ông Đỗ Minh Hoàng đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm toán nhà nước chia sẻ với doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại do bão. Đặc biệt, chia sẻ với doanh nghiệp bảo hiểm đối với việc linh hoạt các thủ tục tạm ứng/bồi thường thiệt hại một cách nhanh nhất theo chỉ thị của Chính phủ, Bộ Tài chính để giúp doanh nghiệp và người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, sinh hoạt hàng ngày.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-quan-tam-dung-muc-toi-bao-hiem-155659.html