Cần quan tâm hơn đến lao động tự do

Lao động tự do hầu hết đều '4 không': không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, không có bảo hộ lao động và không được trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh lao động. Nhưng vì cuộc sống, họ sẵn sàng nhận làm các công việc nặng nhọc trong môi trường không đảm bảo an toàn. Bên cạnh nỗi lo việc làm không ổn định, lao động tự do còn phải đối diện với những rủi ro, bất trắc trong quá trình làm việc.

Lao động tự do làm việc trên cao tại một công trình xây dựng dân dụng ở TP. Đông Hà - Ảnh: L.A

Lao động tự do làm việc trên cao tại một công trình xây dựng dân dụng ở TP. Đông Hà - Ảnh: L.A

Dạo một vòng quanh các công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn tỉnh, có thể thấy hầu hết người lao động đang làm việc tại các công trình, chủ yếu là xây dựng nhà ở tư nhân đều không được trang bị bảo hộ lao động, hệ thống giàn giáo lắp đặt thiếu an toàn, không che chắn... tiềm ẩn nhiều mối nguy dẫn đến tai nạn lao động.

Anh Đặng Văn Quốc Đồng ở Phường 1, TP. Đông Hà làm nghề thợ sơn với mức thu nhập 400 ngàn đồng/ngày. Anh cho biết công việc của mình khá nguy hiểm khi phải thường xuyên lao động ở trên cao. Nhưng là lao động tự do nên anh không có hợp đồng lao động, không có thiết bị bảo hộ và cũng không tham gia loại hình bảo hiểm nào.

Ngoài ra, các ngày lễ, tết, những người thợ xây như anh Đồng không được nhận quà, tiền thưởng như các lao động chính thức khác. “Để làm nghề này thì yêu cầu đầu tiên là thần kinh phải vững, không sợ độ cao. Có nhiều công trình tôi phải đu dây từ trên cao xuống để sơn nhưng không có bất kỳ thiết bị bảo hộ nào. Để đảm bảo an toàn thì chủ yếu anh em tự bảo ban, hướng dẫn kinh nghiệm cho nhau thôi”, anh Đồng nói.

Còn ông Trần Văn Hoài ở tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, một lao động tự do làm nghề xây dựng chia sẻ: Công việc của thợ xây rất nặng nhọc, thường xuyên phải làm việc dưới trời nắng gắt, chông chênh trên giàn giáo ở độ cao lớn nên rất dễ bị tai nạn lao động.

Vậy nhưng, hơn 20 năm trong nghề, từng làm thuê cho nhiều chủ thầu xây dựng, xây hàng trăm công trình lớn nhỏ, tôi chưa bao giờ được ký hợp đồng lao động, trang bị bảo hộ lao động cũng không có. “Nhưng làm mãi rồi cũng quen, mọi việc đối với tôi trở nên bình thường. Mất việc chỗ này thì tôi đi xin việc chỗ khác. Phải làm việc để còn lo cho gia đình. Để đảm bảo an toàn lao động cho bản thân, ngoài áo quần bảo hộ, tôi còn tự trang bị thêm cho mình ủng và găng tay”, ông Hoài cho hay.

Chung hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Lan ở Phường 2, TP. Đông Hà làm phụ hồ cho một đội xây dựng trên địa bàn thành phố với mức thu nhập bình quân 200- 250 ngàn đồng/ngày. Theo chị Lan, hơn 10 năm làm nghề chị gặp không ít trường hợp bị ngã giàn giáo, gạch ngói, sắt thép rơi vào người. Còn bị xây xước tay chân thì “như cơm bữa”. Nặng nhọc là vậy nhưng công việc lại không ổn định, có thời điểm cả tuần đến nửa tháng không có việc làm.

Đó là chưa kể thời điểm đau ốm không đủ sức đi làm thì lại không có thu nhập. “Lao động tự do như tôi đâu dám nghĩ đến việc yêu cầu chủ thầu ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Lỡ gặp tai nạn lao động thì tự chữa trị thôi, gặp chủ thầu có tâm thì còn được hỗ trợ, còn không thì đành chịu”, chị Lan chia sẻ.

Hiện nay, thị trường lao động nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, đối tượng lao động tự do chiếm tỉ lệ khá lớn. Ngoài khó khăn từ nguồn thu nhập bấp bênh, phụ thuộc thời vụ, đây còn là nhóm lao động tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Đáng chú ý, mặc dù gặp nhiều vất vả, nhọc nhằn, thường xuyên phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập từ nghề nhưng có một thực tế đáng buồn đó là phần lớn lao động tự do không được chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tập huấn các kiến thức về an toàn vệ sinh lao động và trang bị bảo hộ lao động đúng quy định. Khi xảy ra sự cố mất an toàn lao động, họ chỉ biết “bấm bụng” chịu thiệt. May mắn thì được chủ sử dụng lao động thỏa thuận, hỗ trợ một phần. Ngược lại, có chủ sử dụng lao động còn thẳng thừng từ chối trách nhiệm.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Nguyễn Huyền Trang thông tin, hiện nay đối tượng lao động tự do cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng chiếm tỉ lệ khá lớn. Nhiều người trong số họ phải làm việc với cường độ cao, môi trường làm việc độc hại nhưng lại thiếu các trang bị bảo hộ lao động thiết yếu, thiếu kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động.

Mặt khác, đa số lao động tự do đều không được ký kết hợp đồng lao động nên phải chịu nhiều thiệt thòi như không được hưởng chế độ tai nạn lao động, thai sản, bệnh nghề nghiệp; chưa được huấn luyện an toàn lao động, khám sức khỏe định kỳ...

Việc phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện, đảm bảo đời sống cho người lao động, đặc biệt là lao động tự do hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Chủ sử dụng lao động cũng chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc, chưa thật sự quan tâm đến vấn đề an toàn cho người lao động.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo các chế độ, chính sách cho lao động tự do cũng là vấn đề hết sức nan giải. Mặc dù những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế giúp lao động tự do có thu nhập thấp, không ổn định có cơ hội được hưởng lương hưu dựa trên nguyên tắc có đóng, có hưởng.

Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện số lao động tự do tham gia đóng bảo hiểm vẫn rất ít. Phần lớn do trình độ, nhận thức còn hạn chế nên người lao động tự do chưa thấy được lợi ích của việc tham gia các loại hình bảo hiểm. Ngoài ra, do thu nhập còn bấp bênh, không ổn định nên việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian dài là điều nhiều lao động không nghĩ đến.

Theo bà Trang, Luật An toàn vệ sinh lao động từ năm 2016 đã mở rộng quy định với những người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, gọi chung là lao động tự do hay lao động phi chính thức cũng phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn. Do vậy, thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp lao động tự do nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật lao động, vệ sinh an toàn lao động.

Tham mưu xây dựng các chính sách liên quan đến quyền lợi của lao động tự do, tạo điều kiện để lao động tự do tham gia các loại hình bảo hiểm. Về phía người lao động tự do cũng cần chú trọng hơn đến việc bảo vệ quyền lợi của bản thân, yêu cầu chủ sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động, thực hiện cam kết để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/can-quan-tam-hon-den-lao-dong-tu-do-187510.htm