Cần quán triệt sâu sắc hơn nữa những lời dạy của Bác Hồ về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí
Sinh thời, Bác Hồ vẫn luôn coi lãng phí, tham ô là một thứ giặc ở trong lòng, đó là kẻ thù không mang gươm mang súng, nằm trong tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền vừa mới về tay nhân dân chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại gây hấn ở Nam Bộ, cả nước lại tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống giặc ngoại xâm, đương đầu với những thử thách đầy cam go, mà khi đó Bác Hồ gọi là “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Theo Bác, đối với giặc dốt, giặc ngoại xâm thì phải chiến đấu trường kỳ, nhưng đối với giặc đói thì phải chống ngay, cho nên Người đã kêu gọi mọi người phải cùng nhau bắt đầu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng "tiết kiệm" tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình. Phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to: ''Không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, không phô trương hình thức, không liên hoan, chè chén lu bù. Những giải thích của Người, ngắn gọn, súc tích nhưng lại rất chi tiết, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và mang tính thuyết phục cao. Ngoài ra, để giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề này, Bác đặt ra các câu hỏi rồi giải thích cụ thể: “Tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? Tiết kiệm những gì? Ai cần phải tiết kiệm? Tiết kiệm không có nghĩa là bủn xỉn, keo kiệt “xem đồng tiền bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu; tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc”(1), mà tiết kiệm để sản xuất tốt hơn, có kết quả hơn.
Theo Bác, tiết kiệm là một việc làm rất tốt và có ý nghĩa thiết thực nhưng phải tiết kiệm như thế nào cho đúng, cho hợp lý. Cái đáng tiết kiệm thì phải tiết kiệm, cái đáng tiêu thì phải tiêu. Những việc làm, việc chi tiêu phải có mục đích, phải thiết thực và có hiệu quả; tránh tình trạng để lãng phí thời gian, công sức, tiền của của Nhà nước và nhân dân. Muốn vậy, đòi hỏi tất cả mọi người, mọi ngành, nhất là những người làm công tác quản lý, bảo vệ tài sản, của cải vật chất và tinh thần cần phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể trong từng công việc; việc gì cần làm trước, thì làm trước, việc gì đáng để sau thì làm sau.
Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tiết kiệm không chỉ tiết kiệm tiền của, mà còn phải tiết kiệm thời gian, nhằm tăng năng suất lao động, tránh lãng phí một cách vô bổ, đồng thời cũng chính là tái sản xuất sức lao động, phục hồi và bảo dưỡng tiềm năng vốn có của đất nước. Chính vì thế Bác đã khuyên mọi người rằng: “Nếu chúng ta khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời gian, thì với sức lao động, tiền tài của nước ta hiện nay ta có thể tăng gia gấp bội, mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi mọi người tiết kiệm mà bản thân Bác tự nêu gương về thực hành tiết kiệm: mỗi tuần Người nhịn ăn một bữa, mỗi bữa bớt một nắm gạo, đồng thời kêu gọi đồng bào người đói ít giúp người đói nhiều. Người còn động viên, khuyến khích phong trào sản xuất lương thực, tự cấp, tự túc rồi cả nước vững vàng bước vào 9 năm chống thực dân Pháp. Để góp phần tích cực phục vụ cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi, đồng thời phát triển kinh tế đất nước, Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân ra sức phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm. Bác nói: Thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là bồi dưỡng và tích trữ lực lượng dồi dào để kháng chiến lâu dài, để chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn thành thắng lợi”, cho nên việc phát triển sản xuất và tiết kiệm không chỉ của riêng một ai, một nơi nào mà là của toàn thể nhân dân, mọi cơ quan, đơn vị và đoàn thể. Sau lời kêu gọi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm, Bác có bài nói chuyện “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”. Bài này Bác đã nói ở nhiều nơi, nói với nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có cả nhân dân và cán bộ, đảng viên.
Để mọi người đều hiểu, Bác nêu mục đích của việc tiết kiệm: “Tiết kiệm cốt để giúp vào việc tăng gia, sản xuất mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân”(3). Do đó Bác nhắc nhở mọi người phải “tiết kiệm thì giờ”, “tiết kiệm sức lao động” và “tiết kiệm tiền của”. Dù là bộ đội ở ngoài mặt trận, hay người sản xuất nơi đồng ruộng, hay người ở cơ quan, v.v… ai ai cũng phải tiết kiệm. Tiết kiệm đạn, tiết kiệm xăng dầu, tiết kiệm thóc, gạo, cho đến những tờ giấy. Trong kháng chiến, mọi thứ đều hết sức thiếu thốn, vì thế, trong một bữa chiêu đãi đại biểu phụ nữ Trung ương về dự Đại hội Việt Minh ở chiến khu Việt Bắc, Bác nhắc nhở: “Các cô các chú ăn cho no, chớ để thừa lãng phí. Dân ta vất vả lắm mới cung cấp nổi cho đại hội những bữa ăn đầy đủ và phong phú như thế này đấy. Để lãng phí là có tội với dân”.
Trong suốt hai cuộc chiến tranh, nhân dân ta còn thiếu thốn, đồng bào ăn chưa đủ no, áo chưa đủ mặc song đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi tiết kiệm ủng hộ kháng chiến của Bác Hồ qua các phong trào rộng khắp như “hũ gạo nuôi quân”, “áo chiến sĩ”. Bác cũng chú ý tiết kiệm từ việc nhỏ cụ thể như việc sử dụng chiếc phong bì dùng để gửi công văn: “Cơ quan nào cũng dùng phong bì, nếu mỗi cơ quan đều tiết kiệm, một chiếc phong bì dùng 2, 3 lần, thì mỗi năm Chính phủ có thể tiết kiệm được hàng chục tấn giấy”(4). Không phải chỉ vì nước ta còn nghèo mới phải coi trọng việc tiết kiệm, Bác lấy dẫn chứng thêm ở một số nước có nền kinh tế khá phát triển, họ vẫn coi tiết kiệm là quốc sách. Do đó đối với Việt Nam, trong giai đoạn xây dựng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà thì tiết kiệm càng quan trọng và cần thiết. Cùng với việc thực hành tiết kiệm, cần phải chống lại tham ô, lãng phí, quan liêu vì nếu sản xuất, tiết kiệm mà không chống tham ô, lãng phí thì không thể có hiệu quả cao, khác nào chuyện tát nước mà không đắp bờ hay như việc trồng lúa muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch. Bác chỉ rõ tham ô là mưu lợi cá nhân, lãng phí là làm thất thoát tiền của và thời gian của Nhà nước, của nhân dân nên Bác yêu cầu mọi người phải biết quý trọng, tiết kiệm từng đồng tiền, bát gạo và từng giọt mồ hôi, công sức của nhân dân. Muốn chống được tham ô, lãng phí phải động viên quần chúng nhân dân lao động và toàn thể mọi người hăng hái nhiệt tình, tích cực tham gia thì mới có kết quả tốt. Người nói: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”(5). “Thứ giặc nội xâm” đó hết sức nguy hiểm nó không chỉ làm hỏng tinh thần, tiêu hao của cải mà nó còn phá hoại cả đạo đức cách mạng, nếu không chống giặc đó thì hậu quả là: “Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính... Phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và nhân dân”(6).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thậm chí còn nhận định tham ô, lãng phí, quan liêu là đồng minh của thực dân, phong kiến, đồng thời là kẻ thù của cách mạng, của nhân dân - một loại bệnh sinh ra từ chủ nghĩa cá nhân rất nguy hiểm. Vì thế muốn bài trừ nó không dễ chút nào, vì nếu kẻ địch đứng ở chiến tuyến bên kia thì có thể thấy được ngay, còn những người mắc sai phạm đó lại nằm ngay trong tổ chức của ta, có khi là bạn bè, người thân hay người trong cùng cơ quan, đơn vị cho nên mỗi chúng ta phải sáng suốt phát hiện và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn. Người vẫn nói: “Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt”(7), chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng là dân chủ, và “dân chủ là phải dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công”(8). Nên: “Chúng ta từ trên xuống dưới phải đồng tâm hiệp lực để thắng lợi trong phong trào này”(9), vì chống tham ô, lãng phí, quan liêu thắng lợi sẽ giúp chúng ta đoàn kết hơn nữa, nâng cao năng suất hơn nữa, góp phần xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, trong sạch vững mạnh.
Ngày nay, khi đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng là lúc chúng ta đang phải từng ngày, từng giờ đối phó với những nguy cơ của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Tệ quan liêu, tham nhũng và lãng phí đã trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội, biểu hiện tiết kiệm trong nếp sống, phong cách làm việc còn rất hiếm, chưa được nhân lên để trở thành phong trào rộng rãi. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa trở thành nếp nghĩ, nếp sống và đi vào ý thức tự giác của mỗi người dân, mỗi người cán bộ, nhiều người trong chúng ta chưa làm đúng điều Bác Hồ luôn căn dặn: Bất kỳ địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều phải nhớ cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra… Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ là một cách hiệu quả để cán bộ, đảng viên giành được niềm tin và sự tín nhiệm của nhân dân. Để làm được điều này, việc trước hết và trên hết là đòi hỏi mỗi người chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên phải học tập và thực hiện tốt hơn nữa những lời dạy sâu sắc của Bác Hồ về thực hành, tiết kiệm chống tham ô, lãng phí. Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta đặc biệt chú trọng và quan tâm, nhằm xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh như Bác Hồ hằng mong muốn./.
Chú thích: 1,2,3,4,5,6,7,8,9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t.6, tr.485, 487,485,486,495,490,493,495.