Cần quy định chặt chẽ việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca

Chiều 15-2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 11 điều so với dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai), trong đó có 12 điều sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều.

Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai nội dung lớn Chính phủ đã xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ hai. Cụ thể, quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; quy định thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có một nội dung cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất bổ sung vào dự thảo luật sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật Sở hữu trí tuệ.

“Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, việc pháp luật quy định chặt chẽ về việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là cần thiết nhằm bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân được thụ hưởng Quốc ca Việt Nam. Tuy nhiên, về phương án bổ sung do cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy cơ quan chủ trì soạn thảo chưa cung cấp đầy đủ luận cứ, thông tin để có cơ sở xem xét, quyết định”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã quy định việc “thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca với tư cách là tài sản trí tuệ cũng phải tuân thủ nguyên tắc này, như vậy đã bao trùm các quy định dự kiến bổ sung vào dự thảo Luật.

Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, liên quan đến quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản về vấn đề này, trong đó nêu rõ các phương án, cung cấp đầy đủ thông tin, lập luận, đánh giá tác động về nội dung này; sau đó, giao cho cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan phối hợp tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung bảo đảm chặt chẽ, thống nhất và khả thi.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1024778/can-quy-dinh-chat-che-viec-pho-bien-su-dung-quoc-ky-quoc-huy-quoc-ca