Cần quy định chi tiết và phân loại tài sản số

Ngày 8/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Vấn đề tài sản số làm sao để đồng bộ với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Dân sự về tài sản được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Tờ trình của Chính phủ về dự án luật dành một mục về “tài sản số”, trong đó nêu rõ đây là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

Đồng tình với việc đưa khái niệm về tài sản số vào dự thảo luật, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lưu ý, phải nghiên cứu để đồng bộ với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Dân sự.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, dự thảo Luật có nhiều khái niệm rất mới, như trí tuệ nhân tạo, tài sản số, tài sản mã hóa… Do đó, cần chuẩn hóa, thống nhất cách hiểu xuyên suốt trong luật; cùng với đó tuyên truyền mạnh mẽ để khi luật ra đời thì người dân hiểu, áp dụng thuận lợi.

Từ năm 2022 đã có khoảng 100 tỷ USD là dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam. Dù thị trường này khá nhộn nhịp song do thiếu vắng khung pháp lý nên giao dịch tài sản ảo ở Việt Nam tiềm ẩn không ít rủi ro. Do đó, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần quy định rõ, cụ thể vấn đề này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Diệu Huyền - Quang Sỹ - Vũ Hiếu

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/can-quy-dinh-chi-tiet-va-phan-loai-tai-san-so-238951.htm