Cần quy định cụ thể hơn đối với việc quản lý đất nông nghiệp

Tôi đánh giá cao các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tôi cho rằng, các dự thảo đã nêu bật được những kết quả đã đạt được trong cả nhiệm kỳ, giai đoạn, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, trên cơ sở đó đề ra nhiều giải pháp phù hợp, linh động, đáp ứng được tình hình phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Những khó khăn trong việc tích tụ đất đai đang là rào cản thu hút cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (ảnh minh họa)

Những khó khăn trong việc tích tụ đất đai đang là rào cản thu hút cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (ảnh minh họa)

Trong 4 dự thảo văn kiện, tôi quan tâm nhiều đến dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Trong dự thảo Báo cáo này, tôi xin được đóng góp ý kiến vào vấn đề “Những nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là thị trường quyền sử dụng đất…”.

Trước hết, có thể nói, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã liên tục có những điều chỉnh, thay đổi nhằm hoàn thiện các quy định có liên quan đến đất đai, nhờ đó việc quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên này càng đi vào nền nếp. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, vẫn xảy ra rất nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai và đây cũng là vấn đề chiếm tỷ lệ lớn nhất các vụ việc dẫn đến tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài. Điều này phần nào cho thấy chính sách đất đai của chúng ta còn không ít bất cập, hạn chế. Trong phạm vi góp ý này, tôi xin được đề cập sâu đến vấn đề quản lý và chuyển đối đất nông nghiệp.

Trong dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, ở phần V “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội” có đề cập: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học, đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm. Đổi mới chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa, hằng năm sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; tăng khả năng chống chịu, thích ứng của nông dân với biến đổi khí hậu từng vùng, miền; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ổn định. Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu… Tôi rất đồng tình với nội dung này, tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta cần sớm đưa ra những giải pháp đi kèm.

Đầu tiên là cần mở rộng đối tượng được chuyển nhượng đất nông nghiệp, chứ không nên giới hạn chỉ có người nông dân mới có quyền, vì như vậy, nhà đầu tư là một cá nhân hay tổ chức nào đó sẽ khó hoặc không thể thực hiện được việc tích tụ ruộng đất để có điều kiện ứng dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thứ hai, cơ chế quản lý đối với đất nông nghiệp cũng cần có sự vận dụng linh hoạt. Đơn cử như đối với đất trồng lúa, không nên tuyệt đối hóa việc không cho chuyển đổi nếu hiệu quả mang lại của loại cây trồng khác cao hơn cho người dân. Tất nhiên là chúng ta vẫn phải có giải pháp đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia. Thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa nhưng để chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác là điều không đơn giản và ngay giữa các ngành Nông nghiệp và Tài nguyên - Môi trường cũng đang không thống nhất trong cách hiểu, cách giải quyết các vấn đề liên quan đến việc cấp phép chuyển đổi.

Sở dĩ có tình trạng này là bởi quy định đối với việc chuyển đổi chưa thật cụ thể, rõ ràng, khiến người thực thi hiểu thế nào cũng được, dẫn đến tình trạng chỗ thì cứng nhắc, nơi lại buông lỏng. Đồng thời, cũng dễ dẫn đến tình trạng người dân tự ý chuyển đổi mà không cần sự đồng ý của cấp có thẩm quyền nếu thấy việc chuyển đổi quá khó khăn, phức tạp. Điều này sẽ khiến công tác quản lý đất đai gặp khó khăn. Ngoài ra, quy định về thời hạn giao đất đối với loại đất nông nghiệp hiện nay là 20 năm cũng chưa hoàn toàn phù hợp với nhiều loại cây trồng do việc đầu tư cần nhiều thời gian hơn thì mới mang lại hiệu quả và phát huy hết nguồn lực đầu tư, đơn cử như cây cà phê, chè, cao su…. Ngay cả những cây trồng ngắn ngày thì việc gia tăng thời gian giao đất cũng sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm và mặn mà hơn với lĩnh vực vốn đang rất khó mời đầu tư gọi này.

Cũng nằm trong nội dung này, tôi đề xuất ý kiến về việc cơ cấu lại nội ngành Nông nghiệp sẽ có được tầm nhìn chiến lược dài hơi, để 2/3 số hộ làm nông nghiệp của cả nước sẽ có cuộc sống ổn định và tốt hơn. Trong đó, cần có định hướng rõ ràng về việc nuôi, trồng cây, con gì, ở đâu, như thế nào, thay vì để mỗi địa phương tự quyết, tự làm theo kiểu phong trào mạnh ai nấy làm như vẫn tồn tại lâu nay. Nếu không, bài toán về thừa - thiếu, câu chuyện về “giải cứu” nông sản hay tình trạng chúng ta vẫn phải nhập khẩu những mặt hàng cùng loại từ các nước khác với giá cao hơn sẽ tiếp diễn…

La Hồng Ninh (Cục trưởng Cục Thống kê)

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/can-quy-dinh-cu-the-hon-doi-voi-viec-quan-ly-dat-nong-nghiep-276484-97.html