Cần quy định rõ hơn cơ sở nền tảng đạo đức của nhà giáo
Nhà giáo là một nghề đặc biệt, người thầy dù ở cấp nào cũng luôn phải có đạo đức đặc biệt, trước hết là đạo đức con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là gốc rễ, nền tảng được nâng lên để phù hợp với hoạt động giáo dục con người.
Ngày 20/11, tại Nhà Quốc hội (QH), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Đề nghị có chế độ đãi ngộ cho giáo viên dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật và sự liên hệ với các luật khác liên quan. Đề cập chế độ đãi ngộ, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị cần có chế độ đãi ngộ cho giáo viên dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật ở các trường chuyên biệt...
Tại Điều 6 (chương I) đề cập về chính sách của Nhà nước đối với xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo chưa đề cập đến chính sách thu hút giáo viên có bằng cử nhân chuyên ngành giáo dục đặc biệt công tác tại các trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập dành cho trẻ khuyết tật hòa nhập.
Theo nữ ĐB, hiện nay, cả nước vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ, nhiều giáo viên ở nhiều cấp học, trong đó có cả giáo viên dạy giáo dục hòa nhập. Do đó, việc quan tâm đến đội ngũ này là chính đáng với mong muốn tạo sự bình đẳng và đảm bảo chất lượng giáo dục cho trẻ khuyết tật.
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP. Hà Nội), việc ban hành Luật Nhà giáo rất cần thiết để đảm bảo điều kiện cho nhà giáo làm tốt công việc trồng người nhằm hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà xã hội giao phó. Đồng thời, để người thầy giáo tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu và để xã hội nhận thấy sự vẻ vang của người thầy giáo mà tôn trọng, bảo vệ và tin yêu...
Về đạo đức nhà giáo, vị ĐB nêu rõ, nhà giáo là một nghề đặc biệt, người thầy dù ở cấp nào cũng luôn phải có đạo đức đặc biệt, trước hết là đạo đức con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là gốc rễ, nền tảng được nâng lên để phù hợp với hoạt động giáo dục con người. Do đó, ĐB cho rằng, cần quy định rõ hơn cơ sở nền tảng đạo đức của nhà giáo Việt Nam.
Cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các thầy, cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn các ý kiến của các ĐBQH đều thống nhất, nhất trí cao về sự ủng hộ dự án Luật này, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với ngành giáo dục.
Các ý kiến ĐBQH đề nghị nên tăng thêm các nội dung chi tiết, đối tượng, từ ngữ lập pháp để đảm bảo cụ thể hơn, khả thi hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, bên cạnh việc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, một phần các nội dung này sẽ được chuyển sang các văn bản quy định tại Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Vì đối với hoạt động của ngành giáo dục, ngoài Luật Nhà giáo, còn một luật rất quan trọng, bao trùm khác là Luật Giáo dục và rất nhiều quy định liên quan đến các hoạt động chuyên môn (như dạy học, kiểm tra, đánh giá…) nên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dự án Luật này không thể bao quát hết được. Đồng thời, chúng ta cần chấp nhận một vài điểm quy định có thể khác với các luật khác.
Bộ trưởng lấy ví dụ, quy định về độ tuổi nghỉ hưu sẽ khác với Bộ luật Lao động; hay giáo viên dạy liên trường, việc thuyên chuyển giáo viên có thể dạy hơn một cơ sở… sẽ là điểm khác với Luật Viên chức. Nhưng nhìn chung, một số quy định khác đều nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo. Sự khác biệt này đem lại điều tốt, tích cực thì nên sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
Từ quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành giáo dục cũng sẽ nhìn nhận, xem xét cân đối với các ngành khác chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, ưu ái riêng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ, thực tế trong số 1,6 triệu giáo viên, có những nhà giáo chưa đủ sống, do đó, họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. Vì vậy, nếu xét “giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu” thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên, còn lại quy định cụ thể về chế độ tiền lương để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nhà giáo thì ở dự thảo Luật Nhà giáo chỉ quy định nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
Liên quan đến ý kiến của nhiều ĐBQH về việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, sẽ nghiên cứu đầy đủ các ý kiến của ĐBQH thảo luận tại Tổ và tại Hội trường để tiếp thu tối đa, đồng thời khẳng định, việc phát triển đội ngũ nhà giáo mới là lí do chính yếu để xây dựng dự án Luật Nhà giáo.
Xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua thảo luận, đa số ĐBQH đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Cơ quan soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật.
Phó Chủ tịch QH cho biết, các ý kiến ĐB cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, nhất là Nghị quyết 25 và Kết luận số 91 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, đề cập đến nhiều vấn đề sâu sắc từ thực tiễn nhằm hoàn thiện, xây dựng một đạo luật chuyên ngành cụ thể hóa đầy đủ, đúng mức sự quan tâm của Đảng về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong phát triển đất nước, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan…
Phó Chủ tịch QH cho hay, các ý kiến ĐB tập trung thảo luận về chính sách nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là những chính sách đột phá về tiền lương, phụ cấp ngành nghề, phụ cấp khu vực; việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp; chính sách hỗ trợ nhà ở công vụ để thu hút đội ngũ nhà giáo; chức danh nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; việc đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng; chính sách điều động, thuyên chuyển; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; việc thu hút người giỏi, tạo nguồn đào tạo giáo viên, giảng viên; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo trong đào tạo, bồi dưỡng định kỳ và bồi dưỡng thường xuyên; vấn đề về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước và các cơ sở giáo dục trong việc đảm bảo kinh phí đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo…
Ngoài ra, các nội dung về đánh giá nhà giáo; khen thưởng, tôn vinh nhà giáo; hợp tác quốc tế đối với nhà giáo; trách nhiệm của người học và phụ huynh học sinh; vấn đề dạy thêm, học thêm… cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh, hầu hết các ý kiến góp ý đều mong muốn tạo ra chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Ngay sau Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các ĐBQH, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật để trình QH xem xét tại Kỳ họp thứ 9.