Cần quy định rõ tiêu chí và quy trình thẩm định nghệ sĩ vi phạm quy tắc ứng xử
Nghệ sĩ ứng xử lệch chuẩn, có những hành vi xấu xí, phản cảm, phản văn hóa và quảng cáo sai sự thật đã và đang bị dư luận chỉ trích trong một thời gian khá dài. Nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị 'phong sát' các nghệ sĩ vi phạm.
Mới đây, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xây dựng quy trình xử lý các nghệ sĩ vi phạm, lập “danh sách đen” nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật và Bộ VHTTDL xây dựng Luật Quảng cáo sửa đổi, đang được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết triệt để hơn tình trạng trên.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhằm thông tin cụ thể, chi tiết đến bạn đọc về vấn đề này.
Phóng viên: Trước đây chúng ta đã có những quy định, chế tài xử lý các nghệ sĩ vi phạm văn hóa ứng xử. Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người tham gia hoạt động nghệ thuật. Xin Thứ trưởng cho biết, vì sao hiện nay, Bộ phải tiếp tục phối hợp với Bộ TTTT xây dựng quy trình xử lý người nối tiếng trong đó có nghệ sĩ vi phạm, trong đó có quảng cáo sai sự thật? Có phải vì các chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe và Quy tắc ứng xử chưa thực sự được phát huy?
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Trước hết, mục đích ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội; khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật không phải là chế tài đối với người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội. Thực tiễn cho thấy, việc ban hành các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những ứng xử lệch chuẩn, những hành vi xấu xí, phản cảm, phản văn hóa và hành vi quảng cáo sai sự thật của một số cá nhân, trong đó có những người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần có những quy định “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức. Đó là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng, hay những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn.
Phóng viên: Khi phối hợp với Bộ TTTT soạn thảo quy trình nhằm xử lý người nổi tiếng, trong đó có nghệ sĩ có hành vi ứng xử xấu xí, phản văn hóa, quảng cáo sai sự thật, Bộ VHTTDL đã đề nghị những gì nhằm xử lý nghiêm khắc hơn và chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ vi phạm?
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Hiện nay, Điều 19 Luật Quảng cáo quy định: “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo". Bên cạnh đó, Luật Quảng cáo đã có những cơ chế, chế tài, quy định kiểm soát về mặt nội dung, hình thức, để mỗi quảng cáo đến với người tiêu dùng đảm bảo được tính chính xác, trung thực theo đúng tính năng, chất lượng mà sản phẩm quảng cáo đưa ra. Đồng thời, luật cũng có những quy định về quyền và trách nhiệm đối với các đối tượng tham gia quảng cáo. Trong thời gian tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về hoạt động nghệ thuật, trước những hành vi thiếu chuẩn mực của một số người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, ngày 13/12/2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đây là văn bản có tính chất định hướng hành vi ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, mang tính khuyến cáo.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan xây dựng “Quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, hạn chế tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật”. Quy trình này nhằm đảm bảo việc thống nhất trong phối hợp phát hiện, đánh giá, áp dụng biện pháp kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật theo trình tự thống nhất, đảm bảo đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, khách quan. Chi tiết quy trình và các quy định liên quan, chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi khi được các cấp có thẩm quyền thông qua.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết, theo dự thảo quy trình đang được xây dựng, các nghệ sĩ có mức độ vi phạm như thế nào thì bị liệt vào “danh sách đen” – Blacklist của Bộ TTTT? Khi vào danh sách này, các nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ phải chịu những chế tài như thế nào? Tương tự, trong Luật Quảng cáo sửa đổi, dự kiến, các quy định, chế tài sẽ có gì thay đổi nhằm chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật?
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Hiện tại, quy trình xử lý và danh sách vẫn đang trong quá trình triển khai. Chúng tôi sẽ có thông tin khi có kết quả chính thức.
Thực tế, thời gian qua, có hiện tượng nghệ sĩ nổi tiếng, người có ảnh hưởng, uy tín trên mạng xã hội thực hiện quảng cáo sản phẩm vượt quá tính năng và công dụng được cấp phép. Họ là những người có ảnh hưởng lớn đến định hướng sản phẩm của người tiêu dùng, vì vậy, chúng ta cần phải có những chế tài pháp lý chặt chẽ để quản lý. Trước đó, Bộ trưởng BVHTTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo (Ban hành kèm theo Quyết định số 4149/QĐ-BVHTTDL ngày 3/11/2017) để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo phát huy cơ chế tự quản, tự giám sát, góp phần lập lại trật tự trong hoạt động quảng cáo; Quyết định số 2196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Hiện nay, Chính phủ đã giao BVHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 6/10/2023 của Chính phủ). Trong quá trình xây dựng, Bộ sẽ đề xuất nội dung đưa quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng (trong đó có nghệ sĩ) vào dự án Luật sửa đổi, nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn đối với chủ thể này khi tham gia hoạt động quảng cáo, phát huy ưu điểm và tránh những tác động không tốt đến xã hội; từ đó, sẽ quy định các chế tài xử lý phù hợp.
Phóng viên: Có không ít ý kiến đề xuất các hình thức xử lý nghiêm khắc, thậm chí là nên thực hiện “phong sát” các nghệ sĩ vi phạm. Quan điểm của Bộ về việc này như thế nào? Vì sao chúng ta nên hoặc không nên thực hiện “phong sát”?
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Thuật ngữ “phong sát” được sử dụng phổ biến trong hoạt động giải trí ở Trung Quốc, “phong sát” thường có hiệu lực vĩnh viễn và không có bất kì một sự nhân nhượng cho bất kỳ cá nhân nào. Khi đưa ra lệnh “phong sát”, cơ quan có thẩm quyền phải cân nhắc rất nhiều yếu tố như đạo đức, văn hóa, chính trị, pháp luật,… rồi mới đưa ra kết luận cuối cùng.
Tại Việt Nam, hiện nay không có khái niệm “phong sát” mà chỉ có lệnh cấm, hạn chế hoạt động biểu diễn trong thời gian nhất định. Hình thức “phong sát”, cấm sóng để xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khi vi phạm Quy tắc ứng xử là chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam. Nếu một cá nhân vi phạm, gây tác động xấu đến xã hội, có thể bị hạn chế hoạt động.
Phóng viên: Trước đây, chúng ta từng đề xuất giải pháp cấm sóng, hạn chế biểu diễn đối với nghệ sĩ vi phạm. Đến nay, giải pháp này có khả thi không? Theo Bộ VHTTDL, chúng ta cần làm gì để giải pháp này trở nên khả thi trong thời gian tới?
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Chúng ta đã từng đề xuất việc khi người hoạt động nghệ thuật vi phạm Quy tắc ứng xử họ sẽ bị hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng hình ảnh trên các đài phát thanh, truyền hình và môi trường mạng. Để đề xuất trên đi vào cuộc sống có hiệu quả, tiêu chí và quy trình thẩm định cần được quy định rõ, công khai, minh bạch thông qua việc công bố đầy đủ thông tin. Hơn nữa, cần tạo ra các cơ chế đảm bảo tính độc lập, khách quan trong việc thẩm định sản phẩm quảng cáo, thẩm định phát ngôn của người quảng cáo. Cơ quan thẩm định tuyệt đối không bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các bên liên quan hoặc lợi ích cá nhân. Các thành viên của cơ quan thẩm định cần có kiến thức chuyên môn và chuyên sâu về lĩnh vực nghệ thuật cũng như quảng cáo. Đồng thời, quá trình thẩm định cần tôn trọng sự đa dạng và sáng tạo trong sự kết hợp nghệ thuật quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn. Trường hợp nếu có các sản phẩm quảng cáo vi phạm tiêu chuẩn thì cần có biện pháp xử phạt phù hợp để đảm bảo tính nghiêm minh. Mặt khác, cần cung cấp hướng dẫn, tư vấn, thông tin đầy đủ cho người hoạt động nghệ thuật và các nhà quảng cáo về quy trình thẩm định, tiêu chí để giúp họ tăng cường hiểu biết, tăng cường tuân thủ pháp luật”.