Cần quyết liệt xử lý, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, chế biến dăm gỗ trái phép

Thời gian gần đây, dư luận phản ánh nhiều về tình trạng chế biến dăm gỗ trái phép, hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở chế biến lâm sản, cưa xẻ gỗ dẫn đến việc tranh mua, tranh bán nguyên liệu, lắp đặt trái phép các trạm cân để thu mua nguyên liệu chế biến dăm gỗ... không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Từ đó đòi hỏi lực lượng chức năng cần quyết liệt xử lý để chấm dứt tình trạng này.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 38 nhà máy chế biến dăm gỗ và dăm phụ phẩm, trong đó có 33 nhà máy đang hoạt động (công suất khoảng 1,21 triệu tấn/năm), 3 nhà máy tạm ngừng hoạt động, 1 nhà máy ngừng hoạt động, 1 nhà máy chưa hoạt động. Ngoài ra, còn có hơn 150 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản.

Tổng công suất thiết kế các cơ sở, nhà máy chế biến dăm gỗ trên 2,5 triệu tấn/năm, công suất đang hoạt động trên 1,5 triệu tấn/năm. Hiện tại, có một số nhà máy sản xuất dăm gỗ hoạt động vượt công suất được cấp phép. Ngoài nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất và cây trồng phân tán khai thác hàng năm trên địa bàn tỉnh, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhiều doanh nghiệp nhập thêm nguyên liệu từ các địa phương lân cận như tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình...

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị chưa có quy hoạch riêng về chế biến dăm gỗ mà lĩnh vực này đang nằm trong Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1074/QĐ-UBND ngày 27/4/2020.

Trong đề án này, tỉnh định hướng không cấp phép đầu tư mới đối với các cơ sở băm dăm gỗ, tập trung phát triển các cơ sở đã cấp phép, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực tìm kiếm thị trường, sản xuất đáp ứng công suất đã đăng ký, đồng thời khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất ván nhân tạo, gỗ ván MDF, viên nén năng lượng làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm gỗ và nhiên liệu đốt phục vụ tiêu dùng, sản xuất năng lượng tái tạo trong nước và xuất khẩu.

Thực tế, trước tình trạng cung vượt quá cầu về cơ sở chế biến, sản xuất dăm gỗ, từ năm 2017, tỉnh Quảng Trị đã chủ trương dừng cấp phép đầu tư mới, nâng công suất các dự án sản xuất dăm gỗ (theo Văn bản số 4972/UBNDCN ngày 6/10/2017 của UBND tỉnh về chủ trương cấp phép đầu tư các dự án chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh).

Từ đó đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các quy định, đồng thời kiên quyết xử lý doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm.

Theo đó, có 2 hướng xử lý, đó là đối với các nhà máy, cơ sở có chế biến dăm gỗ ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp đã hoạt động từ tháng 10/2017 (thời điểm tỉnh ban hành Văn bản số 4972/UBND-CN) về trước, giao UBND cấp huyện có liên quan chủ trì, phối hợp các sở, ngành hỗ trợ hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Đối với các nhà máy, cơ sở có chế biến dăm gỗ ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp hoạt động từ sau thời điểm tháng 10/2017, giao UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp các sở, ngành hướng dẫn chủ đầu tư chuyển đổi nhà máy, cơ sở sản xuất sang các ngành phù hợp như cưa xẻ, chế biến sâu về gỗ... Nếu không thực hiện thì yêu cầu đóng cửa.

Tuy vậy, thời gian qua, những yêu cầu, phần việc mà UBND tỉnh giao cho các sở, ban, ngành, địa phương đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tình trạng sản xuất, chế biến dăm gỗ trái phép vẫn tồn tại, gây bức xúc trong Nhân dân. Hiện lĩnh vực chế biến dăm gỗ có nhiều sở, ngành quản lý.

Cụ thể như việc tham mưu cấp chủ trương đầu tư các dự án sản xuất dăm gỗ do Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý; Sở Công thương quản lý về quy mô công nghệ máy móc sản xuất; Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý về đất đai, môi trường; Sở Nông nghiệp và PTNT quản lý về lâm sản mà doanh nghiệp đưa vào sản xuất, chế biến...

Tỉnh Quảng Trị luôn tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho nhà đầu tư đến thực hiện các dự án nhưng phải tuân thủ các quy định pháp luật. Vì thế, việc chấn chỉnh để lập lại trật tự sản xuất trong hoạt động chế biến dăm gỗ là việc làm cần thiết. Ngành chức năng, chính quyền địa phương cần nghiêm túc hơn nữa trong thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh.

Bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, tích cực phối hợp để rà soát, kiểm tra, phân loại doanh nghiệp, cơ sở chế biến dăm gỗ, từ đó có phương án hoặc đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng trường hợp. Đối với các cơ sở đủ điều kiện chế biến sản phẩm gỗ thì làm rõ lộ trình để các cơ sở thực hiện đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất dăm sang gỗ sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ tinh, nâng cao giá trị nguyên liệu gỗ; đối với các cơ sở không đảm bảo thì có lộ trình dừng sản xuất phù hợp.

Cụ thể như, đối với các dự án đang hoạt động đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư/ chứng nhận đầu tư nhưng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định thì yêu cầu, hướng dẫn nhà đầu tư bổ sung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý còn thiếu.

Đối với các dự án đang hoạt động chế biến gỗ, các sản phẩm từ gỗ có băm dăm phụ phẩm mà không có trong mục tiêu đầu tư tại quyết định chủ trương đầu tư/chứng nhận đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền cấp, nhưng việc tận dụng băm dăm phụ phẩm để gia tăng giá trị nguyên liệu gỗ, đảm bảo môi trường, không trái với định hướng của Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt thì có thể xem xét, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký bổ sung mục tiêu đầu tư băm dăm phụ phẩm phù hợp với tỉ lệ cho ra phụ phẩm của dự án.

Cần có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện nhà đầu tư không thực hiện, cơ sở hoạt động không đảm bảo về điều kiện sản xuất, kinh doanh, quản lý đất đai, môi trường, an toàn lao động... để xử lý nghiêm, triệt để, tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, mang lại niềm tin cho doanh nghiệp, người dân.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/can-quyet-liet-xu-ly-chan-chinh-hoat-dong-san-xuat-che-bien-dam-go-trai-phep-188279.htm