Ngừa hậu họa từ cẩu tháp xây dựng
Báo Hànôịmới nhận được phản ánh của người dân sống tại chung cư FLC Landmark Tower (phố Lê Đức Thọ) và một số hộ dân sống tại ngõ 5 đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) về việc cẩu tháp quay tít trong những ngày mưa bão vừa qua, khiến các hộ dân cảm thấy bất an.
Thực tế, tình trạng cẩu tháp hoạt động tại các công trình xây dựng ở những khu đông dân cư đang tạo nên mối lo ngại không nhỏ cho người dân, đòi hỏi các ngành, các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát để không xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Bất an cận kề
Trước phản ánh của người dân, phóng viên Báo Hànôịmới đã xuống hiện trường, ghi nhận thực tế tại tòa nhà chung cư FLC Landmark Tower.
Tại đây, một cẩu tháp cao hơn 50m, tương đương chiều cao tầng 19, 20 của tòa nhà đang treo lơ lửng tại dự án chung cư Sun Square (Tổ hợp công trình dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở Mỹ Đình, số 21 đường Lê Đức Thọ). Theo phản ánh của người dân, trong ba ngày 7, 8 và 9-9 vừa qua, trước sức gió mạnh của bão số 3, cẩu tháp đã bị thổi quay tít, cùng với đó là tiếng kêu gầm rít đáng sợ. Đặc biệt, cư dân sống tại tòa nhà B chung cư FLC Landmark Tower sống trong nỗi lo lắng khi cẩu tháp có cự ly gần tòa nhà này nhất. Hơn nữa, cẩu tháp này đã tồn tại từ 5 năm qua nhưng chưa được tháo bỏ do dự án chậm thi công.
Ông Nguyễn Văn Cương, cư dân chung cư FLC Landmark Tower cho biết, đây không phải lần đầu cẩu tháp này quay tít khi mưa bão. Năm 2020, cẩu tháp đã xoay ngang và đập bay 1 góc tường bê tông phòng ngủ căn hộ 2806B tòa B. Sau đó, chủ đầu tư đã bố trí giằng cẩu tháp, thu ngắn cẩu để không va chạm đến chung cư FLC Landmark Tower. Ông Nguyễn Văn Cương và các cư dân ở đây lo sợ, nếu dự án chung cư Sun Square tiếp tục kéo dài chậm triển khai, đồng nghĩa với cẩu tháp sẽ luôn quay khi có gió lớn, bão, đe dọa sự an toàn của người dân.
Tương tự, tại đường Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông), những ngày qua, người tham gia giao thông cảm thấy lo lắng khi những cẩu tháp của Dự án Tháp đôi Kepler Land (HH-01 và HH-02) cạnh cầu Mộ Lao hoạt động trong trạng thái cắt ngang trục đường Vũ Trọng Khánh - tuyến đường có rất đông phương tiện qua lại. Theo quan sát của phóng viên, từ đường Tố Hữu rẽ vào đường Vũ Trọng Khánh, ở hai bên đường có khoảng 4 cẩu tháp có vị trí rất gần mặt đường Vũ Trọng Khánh.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, người dân phường Mộ Lao (quận Hà Đông) kể lại, có những hôm, 21h-21h30 cẩu tháp này đã hoạt động, quay đi quay lại liên tục để vận chuyển vật liệu xây dựng. Đặc biệt, ngay cả khi cẩu tháp không hoạt động nhưng gặp gió to hoặc bão, cẩu tháp lơ lửng trên phần đường giao thông, vắt ngang qua trục đường chính, khiến người đi đường cũng... nơm nớp lo.
Ngoài ra, trên địa bàn các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên… vẫn tồn tại những cẩu tháp có vị trí lắp đặt gần đường đi lại, khiến người dân khu vực luôn cảm thấy cận kề bất an.
Cần kiểm tra định kỳ
Trả lời về hoạt động của cẩu tháp tại dự án chung cư Sun Square, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Hoàng Minh Hải cho biết, dự án Sun Square vẫn đang thi công nên cẩu tháp tồn tại trong công trình là đúng quy định. Trong đợt bão số 3 nói riêng và trước mùa mưa bão nói chung, quận đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra, bảo dưỡng cẩu tháp thường xuyên, đáp ứng đủ điều kiện hoạt động cần trục tháp. Phía chủ đầu tư cũng báo cáo thường xuyên với UBND quận. Cán bộ kỹ thuật của dự án chung cư Sun Square đều bảo hành, bảo trì, kiểm định định kỳ theo tháng, quý đối với cẩu tháp. Đơn vị cũng bố trí giằng cẩu tháp, thu ngắn cẩu để không va chạm đến chung cư FLC Landmark Tower.
Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, các trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trường có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông đi lại của người dân và công trình lân cận, chỉ cho phép cần trục tháp đó hoạt động từ 22h đến 6h sáng hôm sau. Tuy nhiên, thực tế, cẩu tháp tại đường Vũ Trọng Khánh và tại dự án chung cư Sun Square lại rất gần với trục đường chính và công trình lân cận. Bên cạnh đó, việc cẩu tháp ở đường Vũ Trọng Khánh hoạt động từ 21h tối còn hoạt động không đúng giờ quy định, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người tham gia giao thông...
Bên cạnh đó, theo ông Lê Văn Thịnh, nguyên là Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), tại tiểu mục 2.6.1.2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2014/BXD về an toàn trong xây dựng quy định, đối với cần trục tháp, phải áp dụng các biện pháp chủ động ngăn ngừa vật rơi; khi phạm vi vùng hoạt động của cần cẩu vượt ra ngoài phạm vi công trường, phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho người và phương tiện giao thông phía dưới… Quy định là vậy, nhưng nhiều công trình ở nhiều quận, huyện chưa tuân thủ đúng, đầy đủ, đã gây ra nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng dân cư và gia tăng tình trạng mất an toàn lao động...
Để người dân không còn bất an trước các cẩu tháp hoạt động trên đầu, đề nghị các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra sơ suất trong quá trình bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với các cẩu tháp đang vận hành với những công trình cụ thể nêu trên nói riêng và trên địa bàn toàn thành phố nói chung, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là trong mùa mưa bão như hiện nay.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngua-hau-hoa-tu-cau-thap-xay-dung-678515.html