Cần quyết tâm cao để hiện thực hóa các mục tiêu Net zero
Giao thông vận tải là một trong những ngành phát thải carbon và khí metan lớn. Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu Net zero của Chính phủ. Bởi, Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư, cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn không ít rào cản trong việc thực hiện lộ trình chuyển đổi giao thông 'xanh'... điều này đòi hỏi Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung phải có quyết tâm cao để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Kiểm soát khí thải - không thể trì hoãn
Net zero hay còn được hiểu là “Phát thải ròng bằng 0” là một mục tiêu môi trường nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra xuống mức cân bằng với khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí thải của Trái đất. Đây cũng chính là mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).
Để đạt được điều này, cả Chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân đều cần cam kết giảm phát thải và hỗ trợ các giải pháp cho khả năng hấp thụ carbon, tạo ra một nền kinh tế toàn cầu ít carbon hơn, bền vững hơn. Và trong đó vai trò của các tỉnh thành là rất quan trọng, đặc biệt là các trung tâm lớn như Thủ đô Hà Nội.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện nay lượng phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 9,2 triệu phương tiện (trong đó có hơn 6 triệu xe máy cá nhân, 1,4 triệu ô tô, hơn 1,2 triệu là phương tiện từ tỉnh ngoài vào Hà Nội). Tốc độ gia tăng phương tiện từ 4-5%/năm. Lượng phát thải từ các phương tiện giao thông ra môi trường lớn, nhiều phương tiện đã quá niên hạn và cũ nát… Đây là thách thức lớn đặt ra đối với giao thông Thủ đô.
Đáng lo ngại, hiện ở Việt Nam chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho các phương tiện xe máy. Quy định niên hạn sử dụng chỉ áp dụng cho các loại ôtô như xe tải, xe khách hay xe taxi. Trước thực trạng trên, theo quy định mới nhất trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thì mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) phải kiểm định khí thải tại các trung tâm đăng kiểm. Quy định này sẽ phần nào kiểm soát được lượng khí thải do hàng triệu xe máy phát ra môi trường.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra để hướng tới “xanh hóa” giao thông hiện nay là cần những việc làm mạnh tay và thực chất hơn, gắn với thực tế để đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân, thay đổi và xây dựng thói quen sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường trong thời gian tới.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển giao thông “xanh”, cụ thể là phương tiện “xanh” cũng như phương tiện phi cơ giới là một trong những xu thế tất yếu và có vai trò quan trọng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh nhận thức, thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân, thì các vấn đề như hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng khí, nguồn lực tài chính… là những hạn chế ảnh hưởng đến quá trình “xanh hóa” giao thông của Thủ đô.
Nỗ lực hướng tới giao thông “xanh”
Chia sẻ về vấn đề liên quan, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao thông công cộng Hà Nội cho rằng, để có một hệ thống giao thông “xanh”, không chỉ có phương tiện, mà còn phải đồng bộ với cơ sở hạ tầng, như hệ thống sạc cần được bố trí phù hợp, thuận tiện. Đặc biệt là vấn đề bảo dưỡng, sữa chữa để phục vụ cho số lượng lớn phương tiện.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, thời gian gần đây, thành phố đã có những đổi mới trong việc phát triển giao thông “xanh”. Mạng lưới được hoàn thiện một cách tích cực, hợp lý hơn, mức bao phủ rộng rãi hơn, các phương tiện cũng được thay đổi nhiều hơn. Loại hình mới cũng được đưa vào đó là xe buýt điện, xe CNG, đường sắt đô thị... Với những động thái đó, ông Hải cho rằng, từng bước người dân sẽ được tiếp cận với những dịch vụ mới thuận tiện hơn, văn minh hơn, góp phần làm “xanh” hơn mạng lưới giao thông Thủ đô.
Theo tìm hiểu, hiện Hà Nội đã triển khai một số giải pháp trong mạng lưới giao thông vận tải hành khách công cộng của Thủ đô như: Triển khai các phương tiện CNG (xe sử dụng khí tự nhiên), buýt điện, đường sắt đô thị, xe đạp… Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng phương tiện giao thông công cộng “xanh”, sạch, sử dụng khí hóa lỏng và sử dụng điện. Đây chính là một trong những mục tiêu bước đầu đặt ra của Hà Nội. Hiện nay, toàn bộ mạng lưới có khoảng hơn 2.000 phương tiện xe buýt, trong đó có khoảng gần 14% là phương tiện nhiên liệu khí và phương tiện nhiên liệu điện.
Trên cơ sở thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Sở GTVT Hà Nội cũng đã xây dựng một kế hoạch tổng thể để trình Ủy ban nhân dân Thành phố đưa ra một chiến lược dài hạn cho mạng lưới vận tải đường bộ của Thủ đô từ nay đến 2035 và 2050. Kỳ vọng và đặt mục tiêu của Hà Nội là đến 2035 sẽ về đích Net zero, tức là về đích trước so với Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, lộ trình phát triển giao thông đường bộ “xanh” hướng đến Net zero 2050 hiện đã tương đối rõ nét, nhưng quan trọng là sự đồng bộ của hệ thống chính sách và sự đồng lòng của người dân thì mới mong có được một kết quả xứng đáng.
Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, nếu sử dụng tàu điện để đi học, đi làm thì cũng đồng nghĩa với việc đóng góp vào hành động bảo vệ môi trường Thủ đô. Cụ thể, cứ 1.000.000 giờ di chuyển bằng đường sắt đô thị thì sẽ tiết kiệm được 478.000 giờ, giảm 100 tấn khí thải và đem lại giá trị khoảng 30 tỷ đồng.
Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, nếu sử dụng tàu điện để đi học, đi làm thì cũng đồng nghĩa với việc đóng góp vào hành động bảo vệ môi trường Thủ đô. Cụ thể, cứ 1.000.000 giờ di chuyển bằng đường sắt đô thị thì sẽ tiết kiệm được 478.000 giờ, giảm 100 tấn khí thải và đem lại giá trị khoảng 30 tỷ đồng.