Cần rộng mở để nhà khoa học phát huy sáng tạo, tận tâm cống hiến

Theo nguyên lãnh đạo Bộ KH-CN, cùng với chính sách đãi ngộ, việc được ghi nhận, tôn vinh sẽ là động lực giúp nhà khoa học phát huy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo, tận lực tận tâm cống hiến.

Phát triển KH-CN luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong suốt thời kỳ đổi mới. Thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Điều này cho thấy phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định, là thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong đó, Nghị quyết 57 xác định phải tăng đầu tư cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cụ thể, đến 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ đầu tư xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Đặc biệt, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định nhà khoa học ở vị trí trung tâm, then chốt, đi cùng là những cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng.

Nghị quyết 57 xác định phải tăng đầu tư cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Ảnh: Internet

Nghị quyết 57 xác định phải tăng đầu tư cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Ảnh: Internet

Nhà khoa học cần được đãi ngộ thỏa đáng

Theo TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN, hiện chính sách đãi ngộ cho các nhà khoa học vẫn còn quá thấp. Các nhà khoa học tại Việt Nam phổ biến vẫn nhận chế độ từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Ngay cả khi điều chỉnh theo chi phí sinh hoạt, thu nhập của nhà khoa học Việt Nam thường chỉ bằng 10 - 20% so với các nước phát triển và 30 - 50% so với các nước cùng khu vực.

TS Lạng dẫn chứng, tại Israel, các nhà khoa học thông thường nhận được 10 - 20 nghìn USD/tháng, hoặc nhiều hơn. Ngoài ra, họ còn được hưởng thành quả từ kết quả khoa học do họ tạo ra. Một nhà khoa học ở Ấn Độ có thể nhận 20.000 - 40.000 USD/năm, tùy vị trí…

Nguyên Thứ trưởng KH-CN cho biết trước đây việc phát triển KH-CN đều theo định hướng quy định ngặt nghèo, có khi rất chặt chẽ nhưng đôi lúc lại lỏng lẻo về các thủ tục, pháp lý.

Theo phân tích của TS Lạng, thực tế những năm qua, nhà khoa học chủ yếu sống nhờ chi phí trong quá trình làm đề tài; khi thực hiện xong đề tài là hết.

“Trong thời gian tới, chúng ta phải có sự thay đổi. Khi nhà khoa học gắn với thực tế, đau đáu với thời cuộc, họ sẽ phát minh, sáng chế ra những sản phẩm rất có ích cho đời sống và hưởng lợi từ kết quả đó”, TS Nguyễn Văn Lạng nêu rõ.

TS Nghiêm Vũ Khải - nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN cũng cho rằng cùng với chính sách đãi ngộ, việc được ghi nhận, tôn vinh sẽ là động lực giúp nhà khoa học phát huy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo, tận tâm cống hiến.

TS Nghiêm Vũ Khải nhắc tới 3 yêu cầu lớn của các nhà khoa học. Cụ thể, họ có nhu cầu tự thân, phát triển nghiên cứu, kinh nghiệm và trình độ bản thân. Chưa hết, nhà khoa học cần môi trường nghiên cứu, tự do phát triển năng lực, khả năng sáng tạo, được tôn vinh, tôn trọng và ghi nhận.

Ngoài ra, nhà khoa học cần được đãi ngộ thỏa đáng. Theo TS Khải, nếu được nhà nước tôn vinh, xã hội ghi nhận, đó sẽ là động lực rất lớn giúp nhà khoa học phát huy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo.

PV

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/can-rong-mo-de-nha-khoa-hoc-phat-huy-sang-tao-tan-tam-cong-hien-231726.html