Cần sẵn sàng phòng dịch ở mức độ cao

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, hôm nay (27-4), Thường trực Thành ủy Hà Nội đã ban hành Công văn số 112-CV/TU; UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện số 03/CĐ-CT nhằm thực hiện Điện ngày 27-4-2021 của Thường trực Ban Bí thư về 'Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19'. Theo đó, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, siết chặt công tác phòng, chống dịch, nâng cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lên mức độ cao.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới tại các địa điểm công cộng, chợ, siêu thị, bến xe... cho thấy, các đơn vị, chính quyền địa phương đã sẵn sàng phòng dịch ở cấp độ mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân lơ là phòng dịch.

Chợ Thành Công B (phường Thành Công, quận Ba Đình) luôn duy trì thông báo các biện pháp phòng, chống dịch Covid- 19 và bố trí nước sát khuẩn tay ở cổng ra vào.

Bến xe, chợ, siêu thị nghiêm túc phòng dịch...

Tại bến xe Nước ngầm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), đội ngũ nhân viên bến xe duy trì kiểm tra, nhắc nhở khách phải đeo khẩu trang, nếu không thực hiện không được vào bến. Nhiều nhà xe đã trang bị hệ thống loa truyền thanh liên tục tuyên truyền, nhắc nhở việc đeo khẩu trang và thực hiện thông điệp "5K" của Bộ Y tế. Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc bến xe Nước ngầm cho biết, trong dịp nghỉ lễ, bến xe cung cấp đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn tay cho khách sử dụng. Đồng thời, bảo đảm tất cả các lối vào đều thực hiện đo thân nhiệt, bố trí đầy đủ dụng cụ y tế tại phòng cách ly tạm thời.

Sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải chấp hành nghiêm yêu cầu đeo khẩu trang khi đi xe buýt.

Tương tự, trước cổng Trường Đại học Giao thông Vận tải (phường Láng Hạ, quận Đống Đa), rất đông sinh viên đứng chờ xe buýt, đều nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang. Theo em Nguyễn Phúc Hưng, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, nhờ sự tuyên truyền của nhà trường, cùng với quy định nghiêm ngặt của các phương tiện vận tải công cộng nên bất kỳ hành khách nào lên xe cũng phải đeo khẩu trang.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các đơn vị chuẩn bị phòng dịch rất tốt. Cụ thể, Siêu thị Big C Thăng Long thường xuyên phát loa thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch. Nhân viên bảo vệ tại các cửa ra, vào được trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, hỗ trợ khách hàng vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt, đồng thời nhắc khách đeo khẩu trang trước khi vào mua sắm.

Tương tự, tại các siêu thị Vinmart Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), Aeon Mall Hà Đông (quận Hà Đông)..., nhân viên cũng hỗ trợ khách hàng sát khuẩn tay, đo thân nhiệt. Một số người không đeo khẩu trang nhân viên siêu thị đã nhắc nhở, cung cấp khẩu trang để khách hàng sử dụng trước khi vào siêu thị.

Tại chợ Trại Găng (quận Hai Bà Trưng) xuất hiện nhiều trường hợp không đeo khẩu trang.

Còn tại các chợ, như: Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình); Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm)..., người mua, bán hàng thực hiện khá nghiêm túc quy định phòng dịch. Chỉ còn một số ít khách đeo khẩu trang không đúng quy cách.

Tại địa bàn huyện Hoài Đức, để bảo đảm phòng dịch tốt nhất, UBND huyện đã chỉ đạo các tổ công tác của huyện thường xuyên kiểm tra tại khu vực chợ, siêu thị, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới. Riêng các trung tâm thương mại, nếu không thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, huyện sẽ yêu cầu đóng cửa. Các ban quản lý chợ dân sinh cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các tiểu thương và người dân đeo khẩu trang.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, qua công tác chỉ đạo của Sở, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố đã nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, chú trọng những giải pháp tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, đo thân nhiệt, trang bị nước sát khuẩn tay... Nhìn chung, tại các điểm mua sắm đông người, hầu hết người mua và người bán đều có ý thức phòng dịch.

... vẫn còn nhiều nơi chủ quan, lơ là phòng dịch

Theo khảo sát của phóng viên chiều 27-4, trên địa bàn phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) vẫn xuất hiện nhiều trường hợp không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông. Tại các nơi đông người như công viên, nhà chung cư, chợ dân sinh tình trạng người dân lơ là, không chấp hành quy định phòng dịch vẫn khá phổ biến. Các tuyến phố tập trung nhiều hàng quán như Võ Thị Sáu, Trần Khát Chân, việc trang bị nước sát khuẩn và thực hiện giãn cách... cũng bị lãng quên.

Tinh thần phòng, chống dịch tại nhiều khu vực trên địa bàn phường Ngọc Thụy và phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) cũng còn khá chủ quan. Cụ thể, tại khu vực bến xe Gia Lâm, ngoài cửa bến xe có nhiều quán trà đá đông người tụ tập không đeo khẩu trang. Trong bến xe, nhiều hành khách, thậm chí cả nhân viên bảo vệ, điều hành cũng không đeo khẩu trang. Tại khu vực vườn hoa Gia Lâm, rất nhiều người tụ tập thành từng nhóm uống trà, đánh cờ... không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tương tự, tại Chợ Gia Lâm, đa số tiểu thương không đeo khẩu trang. Tại nhiều quầy hàng ăn uống, khách đông, ngồi sát nhau không quan tâm tới công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trên một số tuyến phố chính ở địa bàn thị xã Sơn Tây vẫn còn tình trạng người dân chủ quan với công tác phòng dịch, không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Khảo sát thực tế trên các tuyến đường, phố tại địa bàn thị xã Sơn Tây, phóng viên ghi nhận vẫn còn tình trạng người dân chủ quan với công tác phòng, chống dịch. Một số người tham gia giao thông bằng xe đạp, xe máy và nhiều chủ quán, nhân viên phục vụ không đeo khẩu trang.

Thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) Lê Hoàng Đức cho biết, sau khi có chỉ đạo mới của thành phố, lực lượng công an tiếp tục phối hợp với cán bộ y tế và 11 tổ giám sát tăng cấp độ kiểm tra, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang. Chủ tịch UBND phường Thành Công Ngô Ngọc Lâm cũng khẳng định, UBND phường đã khởi động lại các tổ công tác cộng đồng nhằm tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp "5K", đồng thời phát loa truyền thanh và loa di động thông tin về tình hình dịch bệnh cho người dân nắm rõ, tránh tâm lý lơ là, chủ quan.

Chợ Gia Lâm (quận Long Biên) nhiều quầy hàng đông khách không thực hiện thông điệp "5K".

Còn Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh cho hay, để duy trì vững thành quả phòng, chống dịch, UBND thị xã đã yêu cầu các đơn vị, UBND các xã, phường, huy động 578 tổ Covid cộng đồng tăng cường cảnh giác, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch. "Thị xã sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm công tác phòng dịch; hạn chế các sự kiện tập trung đông người không cần thiết...", ông Nguyễn Huy Khánh cho biết thêm.

Nhiều quán trà đá trong và ngoài bến xe Gia Lâm khách ngồi đông, không đeo khẩu trang.

Để chủ động ngăn ngừa dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, UBND huyện đã giao cho lực lượng Công an huyện kiểm soát chặt các trường hợp tạm trú, người nơi khác đến huyện, đặc biệt là các trường hợp nhập cảnh trái phép từ nước ngoài. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng quản lý chặt các hoạt động tôn giáo tập trung đông người, yêu cầu tất cả các sự kiện hội nghị, hội thảo... có số người tham dự lớn phải báo cáo với lãnh đạo huyện xem xét, cho phép.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/997557/can-san-sang-phong-dich-o-muc-do-cao