Cần siết chặt khâu thẩm định, cấp phép đối với dự án về đất đai có sự tham gia của DN nước ngoài
Từ khi Luật Đất đai được đưa vào triển khai thực hiện, Chính phủ đã dành nhiều cơ chế liên quan đến đất đai nhằm hỗ trợ và thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, những cơ chế này đã xuất hiện nhiều kẽ hở để DN nước ngoài để đất hoang hóa, nhiều dự án chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên.
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Vũ Quang Vinh (Hiệp hội BĐS Việt Nam) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Luật Đất đai có quan hệ chặt chẽ đối với việc thu hút đầu tư tư nhân và FDI, đánh giá của ông về việc thực thi vấn đề này như thế nào?
- Về tổng thể, Luật Đất đai đã có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài (FDI). Luật Đất đai 2003 đã mở rộng nhiều quyền cho các nhà đầu tư nước ngoài, như: Được lựa chọn hình thức thuê đất, trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê; được thuê đất từ nhiều chủ thể khác nhau; các dự án có 100% vốn nước ngoài đều được áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất...
Luật Đất đai năm 2013 tiếp tục kế thừa các quy định của Luật Đất đai năm 2003 về việc phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh thực hiện giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam.
Nhưng việc phân cấp này đã xảy ra trình trạng chuyển đất trồng lúa sang thực hiện dự án, chủ đầu tư đã được giao đất, thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng đất chậm tiến độ... gây lãng phí nguồn tài nguyên.
Do nhu cầu cấp thiết của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nên Nhà nước đã đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng đến thời điểm hiện tại, thể chế và chính sách về đầu tư nước ngoài đã không còn theo kịp với nhu cầu phát triển, chính sách đầu tư dàn trải, thiếu nhất quán, dẫn đến tình trạng không ít dự án đầu tư nước ngoài được giao đất nhưng chưa đạt hiệu quả cao.
Thời gian qua có ý kiến đề xuất cho phép DN nước ngoài được trực tiếp chuyển nhượng đất từ các cá nhân, hộ gia đình. Theo ông ý kiến này có phù hợp hay không?
- Khoản (1.b) Điều 169 Luật Đất đai quy định "Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ". Bên cạnh đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài còn được nhận quyền sử dụng đất thông qua phương thức đấu giá đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, hoặc nhận chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án.
Thời gian vừa qua, có ý kiến đề xuất cho DN có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng đất đai trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân. Theo tôi không nên để DN có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng đất đai trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt.
Vậy cần phải có những sửa đổi, bổ sung như thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tế, thưa ông?
- Theo tôi, thời điểm này chúng ta đã có điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư rồi, nên cần siết chặt hơn quy định cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó khâu cần siết chặt nhất đó là thẩm định, cấp phép đối với các dự án có sự tham gia của DN nước ngoài.
Từ đầu năm 2020, Nghị định số 91/2029/NĐ-CP của Chính được triển khai thực thi, quy định rất chi tiết và cụ thể các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Trong đó, bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện các dịch vụ về đất đai. Đối tượng áp dụng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước, nước ngoài, các tổ chức, DN có vốn trong nước, nước ngoài.
Vì vậy, cần phải thực hiện nghiêm theo quy định này để hạn chế tình trạng người nước ngoài sở hữu BĐS không đúng với pháp luật và các DN chậm trễ trong việc triển khai dự án, gây bức xúc xã hội và thất thoát tài nguyên.