Cần sớm ban hành thông tư quy định đối tượng chịu trần lãi suất

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, kể từ ngày 01/01/2017, lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Luật quy định là vậy, song theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không sớm ban hành thông tư hướng dẫn thì khi vào thực tế sẽ vô cùng phức tạp.

Lãi suất sẽ hoàn toàn dựa theo cung - cầu thị trường

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Mặc dù vậy, đến nay, dư luận vẫn tranh cãi câu chuyện liệu trần lãi suất 20% có áp dụng với các tổ chức tín dụng (TCTD)? Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) quy định, lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm. Theo ông, quy định này liệu có áp dụng đối với các TCTD?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Điều khoản này, nếu đem áp dụng với các TCTD, theo tôi là không hợp lý. Thứ nhất, bởi chúng ta đang theo đuổi mục tiêu tự do hóa lãi suất. NHNN từ lâu đã bỏ không công bố lãi suất trần. Chưa kể, nếu đem trần lãi suất 20% áp dụng với các TCTD thuộc nhóm đối tượng như cho vay theo thẻ của các ngân hàng, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC), hay các dịch vụ cho vay của các tổ chức tài chính vi mô… thì càng không phù hợp. Bởi đây là mức lãi suất quá thấp, trong khi các TCTD này lại chịu rủi ro lớn hơn so với các khoản cho vay truyền thống của các ngân hàng thương mại. Họ thường chỉ có thể cho vay các khoản vay nhỏ, đối tượng khách hàng đa phần là người thu nhập thấp, tính rủi ro cao… nên đương nhiên họ có quyền đưa ra mức lãi suất phù hợp để bù đắp chi phí. Thậm chí, ngay trong hệ thống ngân hàng, vay tín dụng qua thẻ cũng có nơi lãi suất đã lên đến gần 30%... Nếu áp trần như vậy thì sẽ làm hỏng cả một hệ thống tài chính ngân hàng.

Trên thực tế, chúng ta đều hiểu, Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định về trần lãi suất 20% là nhằm để chống các hành vi cho vay nặng lãi trong các quan hệ dân sự. Luật đã có một câu để mở: “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”, như vậy để hiểu là TCTD sẽ hoạt động theo luật chuyên ngành. Mà luật chuyên ngành thì tôn trọng sự thỏa thuận về lãi suất.

Vậy theo ông, chúng ta sẽ cần các văn bản hướng dẫn để phân định rõ đối tượng chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015 cũng như giúp cho thị trường hiểu rõ điều khoản kèm theo được nêu trong Bộ luật: “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” khi áp dụng?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, cần thiết phải có sự hướng dẫn bằng văn bản luật đi theo điều khoản này, chứ không thể để trần lãi suất chung 20% được.

Bất kể một điều khoản nào được đề cập trong văn bản luật đều có cái lý của nó. Trường hợp điều khoản “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” cũng vậy, rõ ràng điều Bộ luật hàm ý ở đây là loại trừ những TCTD đã hoạt động trên cơ sở một luật khác. Ví dụ như hệ thống ngân hàng và các CTTC, các tổ chức tài chính vi mô… những đối tượng này đã và đang chịu sự điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng. Như vậy, NHNN sẽ cần phải sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện quy định này.

Như ông vừa nói, chúng ta đang theo xu thế tự do hóa lãi suất. Nhưng liệu như vậy có khiến chúng ta khó kiểm soát được mặt bằng lãi suất trên thị trường, dẫn đến các TCTD chạy đua về lãi suất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước sau nền kinh tế Việt Nam cũng phải hướng đến một nền kinh tế thị trường thực thụ. Lãi suất chính là cái giá cho hàng hóa, mà trong trường hợp này thì chính là tiền tệ. Thành ra cung - cầu của đồng tiền là sản phẩm và quyết định mức lãi suất bình quân của thị trường. Sẽ không có chuyện tự do hóa lãi suất mà các TCTD lại chạy đua tăng lãi suất được. Vì trong một nền kinh tế thị trường, họ sẽ buộc phải cạnh tranh. Khách hàng, người tiêu dùng rất thông minh, họ sẽ tự biết lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ nào tốt, có uy tín, lãi suất hợp lý thì họ sử dụng dịch vụ của TCTD đó. Lãi suất sẽ hoàn toàn dựa theo cung - cầu thị trường.

Chính vì vậy, lãi suất không nên điều chỉnh bằng mệnh lệnh hành chính. Chưa kể, lãi suất tiền gửi của ngân hàng hiện cũng đang bị điều chỉnh, lãi suất vay tiêu dùng mà áp trần nữa thì sẽ triệt đường phát triển của các tổ chức tín dụng.

Tóm lại, chúng ta phải làm sao để tiến tới một nền kinh tế mà ở đó cung - cầu gặp nhau và tự định ra mức lãi suất phù hợp.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Lan Hương - Kim Liên (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-som-ban-hanh-thong-tu-quy-dinh-doi-tuong-chiu-tran-lai-suat-77743.html