Cần sớm có cơ chế thử nghiệm để chắp cánh cho các mô hình kinh doanh mới
CIEM cho rằng Việt Nam cần sớm có các cơ chế thử nghiệm phù hợp để 'chắp cánh' cho các mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp, hướng tới tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Sau năm 2022 với những thành tựu tương đối ấn tượng ở nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, Việt Nam đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong năm 2023.
Dù vậy, các kết quả đạt được đã cho thấy sự nỗ lực, thích ứng và khả năng chống chịu của nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Nền tảng cho tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì.
Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại thặng dư tương đối lớn. Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vẫn tin tưởng và đồng thuận với các định hướng, giải pháp cải cách và điều hành phát triển kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bước vào năm 2024, Việt Nam càng phải quyết liệt hơn với cải cách thể chế kinh tế để tăng tốc phục hồi tăng trưởng. Tư duy nhấn mạnh hơn vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là phù hợp, song không đủ. Việt Nam phải sớm cụ thể hóa các giải pháp chính sách cho đổi mới sáng tạo gắn với cải thiện năng suất lao động và đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu thông qua các FTA là rất quan trọng, nhưng không làm mất vai trò của tư duy thích ứng với thị trường. Chính ở đây, tư duy chính sách cần tiếp sức cho doanh nghiệp trong quá trình thích ứng, và bản thân doanh nghiệp cũng cần nhận thức yêu cầu bán sản phẩm thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mà doanh nghiệp có.
CIEM cũng nhấn mạnh việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vẫn là những ưu tiên quan trọng đối với Việt Nam. Khác với các năm trước, trong năm 2024, Việt Nam đã có “hành trang” là khung chính sách tương đối hoàn thiện hơn. Bối cảnh kinh tế khó khăn trong năm 2023, trong một chừng mực nhất định, cũng là “áp lực tích cực” để các cơ quan, doanh nghiệp quyết liệt hơn với tiến trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Chính ở đây, Việt Nam cần sớm có các cơ chế thử nghiệm phù hợp để “chắp cánh” cho các mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp hướng tới tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tranh thủ hỗ trợ của các đối tác FTA thông qua các điều khoản về hợp tác phát triển (chẳng hạn như trong Chương Hợp tác và Nâng cao năng lực của CPTPP, EVFTA,...).
Thực tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng được xem là động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam “tăng tốc” giai đoạn tới.
Tại diễn đàn kinh tế do Bộ Ngoại giao và VnEconomy tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương lưu ý, năm 2023 kinh tế số, chuyển đổ số đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Quốc tế đánh giá tốc độ tăng của Việt Nam đạt 19% - cao nhất khu vực. Đóng góp của kinh tế số vào GDP cũng tăng 16,5%.
“Cần xem xét việc thúc đẩy, dịch chuyển chuyển đổi số, sản xuất thông minh trong lĩnh vực công nghiệp. Điều này rất quan trọng, vì tăng trưởng của kinh tế số vẫn dựa chính và chủ yếu từ đóng góp giá trị gia tăng từ xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử, nhưng mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam không nhiều, vẫn là gia công", ông Hiển nói.
Còn theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chuyển đổi xanh hiện nay là bắt buộc. Nếu Việt Nam không nhanh chóng hành động sẽ bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu.
Lý do là những động lực tăng trưởng truyền thống đặc biệt là tiêu dùng trong nước, đầu tư công và quá trình đổi mới đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý sẽ tiếp tục giúp Việt Nam giữ ổn định trong giai đoạn khó khăn khi tổng cầu thế giới tiếp tục suy giảm.
Tuy nhiên, Việt Nam đã chọn mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, do đó, các xu hướng mới, quy định mới và tiêu chuẩn mới của các thị trường, buộc hàng hóa từ Việt Nam phải đáp ứng. Năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực thi chính sách “biên giới carbon”.
Ngoài ra, theo ông Vinh, cơ chế điều chỉnh carbon thúc đẩy các nước khác cập nhật mục tiêu khí hậu. Đây là cách EU khuyến khích các doanh nghiệp bên ngoài châu Âu giảm thải. Họ có thể xuất khẩu vào châu Âu nhưng phải đáp ứng các điều kiện tương tự như điều kiện mà các doanh nghiệp châu Âu phải tuân thủ trong suốt 15 năm qua. Sau EU, nhiều thị trường khác cũng sẽ ban hành các chính sách khắt khe về tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững.
Còn ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho hay những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là tiền đề quan trọng để Việt Nam thực thi chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, ông Thinh cho rằng quan sát trong những năm qua thì Việt Nam đã thảo luận rất nhiều về chuyển đổi xanh nhưng hành động còn ít.
Theo ông Thinh, trở ngại đầu tiên của quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cùng hành động tích cực hơn để chuyển đổi xanh.
Thách thức thứ hai đang đặt ra là vấn đề nguồn lực tài chính khi đa số doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có đủ nguồn lực để chuyển đổi xanh và bền vững.
Một thách thức nữa là chuyển dịch lực lượng lao động. Kết quả nghiên cứu của Deloitte cho thấy khoảng 800 triệu lao động trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi tất cả những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh cũng tạo ra khoảng 300 triệu việc làm mới trên toàn cầu.
“Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch này. Như vậy, bài toán đối với Việt Nam khi tiến hành chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là cần lực lượng lao động có tay nghề cao. Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế”, ông Thịnh nói.