Cần sớm có phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo CTGDPT mới
'Việc ứng dụng mô hình 'Trường học hạnh phúc - thông minh' sẽ hỗ trợ đắc lực cho thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018', cô Xuân chia sẻ.
Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển (1991 - 2023), từ cơ sở vật chất hạn chế, thầy trò đi học nhờ đến cơ ngơi khang trang, hiện đại, chất lượng giáo dục và đào tạo ngày được nâng lên, Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội) đã và đang từng bước tự tin khẳng định vị thế, xây dựng thành công mô hình "Trường học hạnh phúc - thông minh".
Đặc biệt, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Việc ứng dụng mô hình "Trường học hạnh phúc - thông minh" sẽ hỗ trợ đắc lực cho thực hiện hiệu quả chương trình mới.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ, Nhà giáo Lê Thị Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô bày tỏ kỳ vọng ứng dụng thành công mô hình "Trường học hạnh phúc - thông minh" trong thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
2 vấn đề đổi mới giáo dục cốt lõi phải làm song hành, kết hợp hài hòa
Theo nhà giáo Lê Thị Xuân, vấn đề đổi mới giáo dục là vấn đề không chỉ của riêng ngành mà của cả xã hội vì để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
"Hiện nay, chúng ta đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng đối với lớp 10 bậc trung học phổ thông. Đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với bậc trung học phổ thông, theo tôi, có 2 vấn đề quan trọng:
Vấn đề thứ nhất, chương trình mới chủ yếu định hướng phát triển nghề nghiệp. Đây là điểm mới rất quan trọng đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nếu giai đoạn tiểu học, trung học cơ sở là giai đoạn giáo dục cơ bản, thì giáo dục phổ thông là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải định hướng nghề nghiệp ngay từ khi học sinh học lớp 10.
Ngoài môn bắt buộc, học sinh được lựa chọn theo môn học theo định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Nếu học sinh lớp 10 lựa chọn không chính xác các môn theo đúng nguyện vọng, năng lực nghề nghiệp trong tương lai, thì sẽ ảnh hưởng đến bản thân học sinh và toàn bộ chất lượng giáo dục của bậc trung học phổ thông. Song, khó nhất của bậc trung học phổ thông chính là định hướng và tổ chức hoạt động học tập của học sinh, hoạt động giáo dục của nhà trường làm sao đáp ứng được mục tiêu định hướng phát triển nghề nghiệp cho học sinh.
Vấn đề thứ hai, đổi mới triệt để phương pháp dạy học từ chuyển đổi kiến thức sang phát triển năng lực cho học sinh phù hợp với năng lực và xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Hai mục tiêu này phải gắn kết với nhau mới không bị lạc hướng.
Trong quá trình triển khai thực tế nhận thấy, đây là 2 vấn đề cốt lõi, phải làm song hành, kết hợp hài hòa và phải làm thật tốt. Chúng tôi kỳ vọng, trong năm 2023, hệ thống giáo dục đào tạo sẽ hoàn thành trọn vẹn chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học đầu tiên của bậc trung học phổ thông, từ đó, rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo làm tốt hơn.
Chúng ta phải triển khai một cách có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có như vậy, mới thực hiện được mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo", cô Xuân chia sẻ.
Thực tế nhà trường cho thấy, những nỗ lực của giáo viên trong quá trình thích ứng dạy chương trình mới rất đáng ghi nhận.
Theo đó, do học sinh lựa chọn môn học khác nhau nên đặt nhà trường một vấn đề lớn, đó là có môn nhiều học sinh lựa chọn, có môn lại rất ít so với trước kia. Đối với các giáo viên công tác ở trường công lập thì sẽ không có vấn đề gì nhưng đối với các thầy cô trường ngoài công lập như Đông Đô lại ảnh hưởng đến số tiết, số giờ dạy, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của các thầy cô giáo. Và tình trạng này không riêng gì Trường Trung học phổ thông Đông Đô mà còn là ở tất cả các trường trung học phổ thông ngoài công lập nói chung,
Để thực hiện một cách triệt để đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình mới, giáo viên của trường chủ yếu giao nhiệm vụ học tập cho học sinh. Học sinh chỉ đóng vai trò làm cố vấn của quá trình học tập, tự tìm hiểu kiến thức. Để giúp cho giáo viên thực hiện tốt đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã triển khai rất hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học trên trang internet có địa chỉ: https://cdhtdongdops.mobiedu.vn/
Nhờ đó, giúp giáo viên chuyển các yêu cầu học tập trước mỗi tiết học lên trang để học sinh nghiên cứu, tìm hiểu bài trước. Đến giờ dạy, giáo viên cho học sinh tập hợp khai thác và chỉ kết luận lại nội dung học tập.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp giáo viên đi trước một bước trong việc tổ chức dạy học theo “Lớp học đảo ngược”. Cũng phải chia sẻ thật, lúc đầu, khi mới bắt tay vào đổi mới, một số giáo viên còn lúng túng vì chưa quen nhưng nhờ có công tác tổ chức chặt chẽ của nhà trường, giáo viên đã tham gia nhiều hội thảo trao đổi học tập lẫn nhau. Cho đến hiện tại, giáo viên công tác tại Trường trung học phổ thông Đông Đô đều thành thạo, rất phấn khởi và thực hiện hiệu quả nội dung đổi mới phương pháp dạy học này.
Giải pháp giúp học sinh yêu môn Ngữ văn hơn
Chia sẻ về đổi mới phương pháp dạy môn Ngữ văn theo chương trình mới, cô Xuân cho biết, mục tiêu, yêu cầu của phương pháp giáo dục phổ thông là phải phát huy được tính tích cực, chủ động của người học, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh. Đây là định hướng cơ bản, thiết thực đối với mỗi giáo viên, cũng là yếu tố quyết định hiệu quả của một giờ dạy môn Ngữ văn.
"Ban Giám hiệu cùng giáo viên dạy môn Ngữ văn trong kỳ I năm học 2022-2023 đã chia sẻ, trao đổi một số giải pháp làm sao để dạy học đảm bảo chất lượng và hiệu quả hơn.
Bởi lẽ, văn học có 1 nhiệm vụ rất quan trọng đó là giáo dục, bồi đắp tình cảm, lòng nhân ái, thái độ ứng xử với cuộc sống, nhất là học sinh. Văn học phải gắn liền với cuộc sống, bồi đắp tình cảm cho học sinh để các em phát triển về mặt nhân cách ngày càng tốt hơn.
Làm được điều này, các thầy cô giáo bộ môn Ngữ văn đã triển khai nhiều phương pháp dạy học với phương châm tạo hứng thú cho học sinh bằng phương pháp "Đọc diễn cảm các đoạn văn trong các tác phẩm văn học mà học sinh đã và đang được học. Khi được đọc diễn cảm như vậy, bước đầu, nội dung tác phẩm đã thấm vào tình cảm, suy nghĩ, thúc đẩy khả năng cảm thụ văn học của học sinh một cách sâu sắc. Đây cũng là giải pháp triển khai có hiệu quả giúp các em yêu môn Ngữ văn nhiều hơn. Ngoài ra, câu lạc bộ Văn hóa dân gian của trường tổ chức “Ngày hội văn hóa dân gian văn hóa dân gian” vào đầu tháng 1/2023, trong đó, các em học sinh tái hiện các nội dung trong tác phẩm văn chương mà các em đang học để kích thích mong muốn học tốt môn Ngữ văn", cô Xuân cho biết.
Năm học 2022-2023, theo quy định mới của Bộ Giáo dục đào tạo, là sử dụng những ngữ điệu ngoài sách giáo khoa trong xây dựng đề thi kiểm tra định kỳ và kiểm tra thường xuyên môn Ngữ văn. Theo chia sẻ của cô Xuân, nội dung này, Trường Trung học phổ thông Đông Đô, từ trước đến nay đã làm rất tốt.
Cụ thể, các giáo viên sử dụng ngữ điệu mới, ngoài sách giáo khoa trong phần đọc hiểu và phần làm văn. Đồng thời tăng cường hướng dẫn mới cho học sinh, yêu cầu học sinh phải nắm được cấu trúc, yêu cầu của đề thi, các dạng đề khác nhau để học, ôn luyện hiệu quả hơn. Việc sử dụng ngữ điệu ngoài sách giáo khoa đòi hỏi cả học sinh và giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Ứng dụng thành công mô hình "Trường học hạnh phúc - thông minh"
Liên hợp quốc đã khuyến nghị các quốc gia cần coi hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của con người, là thước đo chính xác cho tiến bộ xã hội. Trường học không chỉ là nơi trang bị kiến thức cho con người mà trước hết và trên hết là hình thành nhân cách người học (dạy người - dạy chữ); giúp cho người học biến học tập từ một nghĩa vụ thành đam mê say mê khám phá điều mới mẻ và tạo dựng thành niềm vui hạnh phúc trong học tập và cuộc sống.
Trường học hạnh phúc là môi trường học tập sáng tạo giúp người học phát triển những giá trị của hạnh phúc bồi đắp những kỹ năng sống cơ bản và năng lực tìm kiếm kiến thức. Là nơi giúp học sinh phát triển hài hòa các chỉ số thông minh (EQ - cảm xúc, AQ - chịu đựng, IQ - kiến thức, CQ - sáng tạo).
Trường học thông minh với tiêu biểu là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tận dụng ưu điểm của công nghệ thông tin để thay đổi phương pháp dạy, học, quản trị nhà trường, làm cho người học và nhà trường thích ứng với xã hội thông minh và cuộc cách mạng 4.0.
Chia sẻ về mô hình này, cô Xuân nói: "Nhiệm vụ của các nhà giáo dục Việt Nam là xây dựng được Trường học hạnh phúc - thông minh, vừa mang bản sắc văn hóa Việt Nam, phát huy và nâng cao hệ thống truyền thông đạo học Việt Nam, vừa mang hơi thở của thời đại 4.0. Trường học hạnh phúc - thông minh là mô hình nhà trường thế kỉ XXI đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục tiến tới nền giáo dục số phù hợp với cuộc cách mạng 4.0.
Chủ trương xây dựng "Trường học hạnh phúc - thông minh" được Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô đề xuất từ năm 2017. Đến nay, nhà trường đã có 5 năm triển khai hiệu quả. Có thể nói, Hội đồng sư phạm nhà trường, các bậc phụ huynh, các em học sinh đều thấm nhuần yêu cầu về xây dựng và phát triển mô hình "Trường học hạnh phúc - thông minh".
Xây dựng Trường học hạnh phúc - thông minh ở Trường Trung học phổ thông Đông Đô thực chất là xây dựng và phát triển văn hóa Đông Đô. Điều này được thực hiện xuyên suốt hơn 30 năm dựng trường. Văn hóa Đông Đô bao gồm: ứng xử, giá trị truyền thống, thiết chế văn hóa, nền tảng tinh thần. Chủ thể chính là giáo viên, học sinh, phụ huynh đồng hành cùng nhiệm vụ giáo dục.
Cô Xuân chỉ ra yêu cầu đối với xây dựng phong cách Nhà giáo Đông Đô mẫu mực, học sinh Đông Đô thanh lịch có giá trị ý nghĩa:
Đối với giáo viên hạnh phúc - thông minh: là xây dựng phong cách Nhà giáo Đông Đô mẫu mực, để mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Xây dựng văn hóa ứng xử với yêu thương, chia sẻ và tôn trọng. Giáo dục học sinh theo nguyên tắc từ trái tim đến trái tim, vận dụng phương pháp kỷ luật tích cực. Giáo viên phải mạnh dạn thay đổi bản thân.
Sử dụng công nghệ thông tin: Đổi mới phương pháp dạy học. Đội ngũ các nhà sư phạm và cán bộ nhà trường tâm huyết, có trình độ chuyên môn cao là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Trường trung học phổ thông Đông Đô.
Cụ thể, đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường tận dụng ưu điểm của công nghệ thông tin. Tổ chức dạy học thông minh: Thầy dạy thông minh, trò học thông minh. Giáo viên không chỉ làm chủ kiến thức mà còn phải làm chủ công nghệ, sử dụng các nguồn dữ liệu tin cậy trên mạng Internet để thiết kế giáo án điện tử, xây dựng giảng đường E - Learning phù hợp, tạo sức hấp dẫn và hứng thú học tập cho học sinh.
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ giáo viên từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, lượng giáo án điện tử và bài giảng E - Learning ngày càng nhiều, nâng cao chất lượng đào tạo.
"Các thầy, cô giáo đã thực hiện nhiều phương pháp dạy học mới (dạy theo dự án, bàn tay nặn bột…). Đặc biệt nhờ công nghệ thông tin đã thực hiện có hiệu quả mô hình lớp học đảo ngược: Giáo viên giao nhiệm vụ học tập cho học sinh tìm kiếm nội dung kiến thức, thông tin trên mạng Internet và sách giáo khoa, sau đó cho học sinh trình bày và giáo viên đánh giá nhận xét, hệ thống hóa kiến thức cho học sinh sinh. Như vậy , giáo viên đóng vai trò người tổ chức, dẫn dắt quá trình tìm kiếm tri thức của học sinh, học sinh được chủ động xây dựng kiến thức", cô Xuân chia sẻ.
Học tập trải nghiệm gắn với cuộc sống thực tế và học thông minh không chỉ bó cơ trong khuôn khổ nhà trường mà phải học tập trải nghiệm thông minh gắn với cuộc sống thực tế. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường tổ chức học tập trải nghiệm sáng tạo ngoài nhà trường để rèn luyện các năng lực làm việc nhóm, tổ chức hoạt động tập thể, tìm hiểu các vấn đề về lịch sử, xã hội, tự nhiên.
Các hoạt động hướng đến mục tiêu chung là dạy và học thông minh phải đạt tới niềm vui hạnh phúc sáng tạo. Nói cách khác, sáng tạo là đặc trưng nổi bật trong giáo dục - học thông minh.
Đối với học sinh hạnh phúc - thông minh: là xây dựng phong cách học sinh Đông Đô thanh lịch, phát huy truyền thống Đông Đô, tự hào Đông Đô, tình yêu Đông Đô, khát vọng Đông Đô, sáng tạo Đông Đô (truyền thống học giỏi và sáng tạo, truyền thống thanh lịch và rèn luyện sức khỏe tốt, truyền thống lập thân, lập nghiệp thành công).
Tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm, lập sổ ước nguyện năm học và tích cực tham gia phong trào “Mỗi tuần một tấm gương tốt, một việc làm hay, một sản phẩm đẹp”. Chủ động, tự giác trong học tập, rèn tính tự học, nâng cao chất lượng học tập qua các tiết học hiệu quả, các kỳ thi, ứng dụng công nghệ thông tin để học tập thông minh, sáng tạo.
"Học sinh STEM – Nghiên cứu khoa học Trường Trung học phổ thông Đông Đô đề ra chủ đề hướng dẫn học sinh làm nghiên cứu khoa học. Học tập qua thực hiện các đề tài là cách học thông minh, sáng tạo, giúp học sinh tập hợp các thao tác cơ bản của người làm khoa học, đặc biệt rèn phương pháp tư duy phản biện, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp giải quyết vấn đề trong quá trình làm đề tài nghiên cứu", cô Xuân cho biết.
"Để thực hiện thành công hơn nữa mô hình "Trường học hạnh phúc - thông minh cần tập trung 3 vấn đề sau: Một là, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, thông minh. Hai là, xây dựng đội ngũ giáo viên thông minh và đào tạo học sinh thông minh. Ba là, xây dựng trường học hạnh phúc phải hướng tới các tiêu chí như: thân thiện, tôn trọng, an toàn và chia sẻ", vị Phó Hiệu trướng nêu ra.
Chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025
Qua quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Xuân có những kiến nghị nhằm thực hiện thuận lợi trong các năm sắp tới:
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các đơn vị cung cấp sách giáo khoa cần hoàn thiện sớm hơn, cung cấp kịp thời bộ sách giáo khoa để nhà trường, giáo viên còn nghiên cứu và học sinh còn lựa chọn mua sách để đáp ứng cho việc học.
Thứ hai, tài liệu giáo dục địa phương theo quy định của chương trình mới là chương trình học bắt buộc. Tuy nhiên, năm học 2022-2023 trường chưa được cung cấp các tài liệu chính thống, mới chỉ nhận được hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo về chương trình này.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Có thi hay không thi tốt nghiệp trung học phổ thông và nếu thi, thì thi như thế nào? Hướng dẫn này rất quan trọng vì ảnh hưởng đến việc điều chỉnh cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh.
"Cách đây 4 năm, Hội đồng trường và Hội đồng sư phạm trường khi có chương trình giáo dục phổ thông 2018, đã nghiên cứu rất kỹ và có đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo là khi kết thúc lớp 12 không tổ chức thi tốt nghiệp mà chuyển sang hình thức xác nhận chương trình giáo dục phổ thông và Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho các em.
Vì theo như chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với bậc phổ thông với cách tổ chức dạy học đa dạng theo định hướng phát triển nghề nghiệp, nếu tổ chức thi môn học bắt buộc thì không đáp ứng được mục tiêu định hướng phát triển nghề nghiệp mà chính môn học lựa chọn lại là điểm nhấn, điểm mới của chương trình này. Học sinh đăng ký nhiều môn khác nhau nếu tổ chức ở các môn lựa chọn này sẽ cực kỳ phức tạp và không cần thiết.
Vì vậy, cho rằng học sinh học hết lớp 9 nên tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp để đánh giá chất lượng giáo dục cơ bản còn học hết lớp 12 thì không phải tổ chức thi mà nên xác nhận chương trình giáo dục phổ thông và giám đốc sở cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho các em học sinh", cô Xuân nêu kiến nghị.