Cần sớm có quy định thay thế Thông tư 17, đề xuất áp giá trần dạy thêm học thêm
Giáo viên giỏi sẽ dạy hết mình trên lớp, sẽ có nhiều học sinh ở lớp khác đăng ký học, không nhất thiết phải cho phép dạy học sinh chính khóa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4255/BGDĐT-TTr hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.[1]
Công văn cũng nêu rõ, các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; hoạt động thu chi đầu năm học, việc thực hiện tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa giáo dục; việc thực hiện các khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non trong điều kiện mới, đặc biệt ở nhóm lớp, nhóm trẻ.
Nội dung thanh tra về dạy thêm học thêm được nhiều người quan tâm vì vấn đề này thời gian qua gây nhiều bức xúc trong nhân dân nhưng chưa có những pháp hữu hiệu, phù hợp.
Nhiều quy định về dạy thêm, học thêm đã hết hạn nhiều năm, chưa ban hành quy định mới
Hiện nay, một số nội dung quy định về dạy thêm, học thêm được thực hiện theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Theo đó tại Điều 1 đã công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Thời điểm hết hiệu lực: ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Lý do: hết hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014.
Những điều của Thông tư 17/2012 đã được bãi bỏ gồm:
“Điều 6. Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường;
Điều 8. Yêu cầu đối với người dạy thêm;
Điều 9. Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm;
Điều 10. Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;
Điều 11. Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm;
Điều 12. Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm;
Điều 13. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm;
Điều 14. Thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm”
Như vậy đến thời điểm hiện tại, tất cả những quy định về dạy thêm học thêm ngoài nhà trường đã được bãi bỏ bởi Quyết định 2499 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như chưa có văn bản nào thay thế các nội dung trên.
Cán bộ quản lý các cấp khó thanh, kiểm tra dạy thêm học thêm vì không quản lý, cấp phép
Trước đây, thực hiện theo Thông tư 17, giáo viên làm đơn đăng ký gửi hiệu trưởng, hiệu trưởng xem xét và gửi về cấp có thẩm quyền (phòng/sở) giáo dục xem xét theo thủ tục và cấp phép dạy thêm.
Do đó, hiệu trưởng cho phép, cấp phòng/sở cấp phép nên việc kiểm tra dạy thêm học thêm được giao cho hiệu trưởng quản lý, các cấp như phòng/sở, Ủy ban nhân dân các cấp thanh, kiểm tra thường xuyên để phát hiện vi phạm.
Tuy nhiên, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2499 hết hiệu lực của các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường, tức phòng/sở giáo dục không còn cấp phép và hiệu trưởng trường cũng không còn xác nhận đồng ý dạy thêm ngoài nhà trường cho giáo viên.
Nhưng việc dạy thêm học thêm ngoài nhà trường vẫn được diễn ra công khai ở nhiều địa phương.
Theo tìm hiểu của người viết, ở một số nơi, giáo viên đăng ký kinh doanh dạy thêm với phòng/sở kế hoạch và đầu tư và được cấp phép kinh doanh dạy thêm.
Quá trình cấp phép kinh doanh dạy thêm này không được thông qua hiệu trưởng trường và phòng/ sở giáo dục và đào tạo nên gần như các lãnh đạo quản lý giáo dục các cấp khó quản lý và cũng không thể kiểm tra việc dạy thêm học thêm của giáo viên.
Chính vì thế hiện nay việc dạy thêm học thêm diễn ra công khai, nhiều giáo viên vi phạm dạy thêm ngoài nhà trường gây bức xúc trong dư luận nhưng hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục cấp phòng/sở không thể thanh, kiểm tra dạy thêm của giáo viên vì họ không tham gia vào quá trình đồng ý, cấp phép dạy thêm.
Kiến nghị Bộ Giáo dục sớm ban hành quy định về dạy thêm học thêm mới thay thế Thông tư 17
Thực trạng, vấn nạn dạy thêm học thêm trái quy định gây nhiều hệ lụy như làm tốn tiền của người dân, học sinh thụ động mất đi khả năng tự học, giáo viên mất đoàn kết,… gây nhiều bức xúc nhưng cấp quản lý cao nhất về chuyên môn là Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành quy định về dạy thêm học thêm mới thay thế những điều của Thông tư 17/2012 đã hết hạn.
Do đó, người viết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng ban hành quy định mới thay thế Thông tư 17 quy định cụ thể về dạy thêm, đồng thời phân cấp, phân quyền kiểm tra dạy thêm, xử lý khi có vi phạm.
Để việc dạy thêm học thêm vừa sức không gây quá tải cho giáo viên và học sinh, đồng thời thuận tiện cho việc quản lý, người viết xin được phép có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cấm dạy thêm học sinh chính khóa
Giáo viên dạy học sinh chính khóa phải trình bày hết kiến thức của mình để truyền tải đến học sinh.
Việc dạy thêm học sinh chính khóa khiến 1 số giáo viên dạy trên lớp không hết mình, cắt xén kiến thức trên lớp để dạy thêm, ra đề kiểm tra có phần bất cập, o ép khi dạy,…khiến môi trường học tập méo mó, bất công.
Giáo viên giỏi sẽ dạy hết mình trên lớp, sẽ có nhiều học sinh ở lớp khác đăng ký học, không nhất thiết phải cho phép dạy học sinh chính khóa.
Thứ hai, mỗi giáo viên chỉ cấp phép dạy tối đa 3 nhóm, mỗi nhóm không quá 15 học sinh
Theo quy định hiện nay, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông dạy 17-19 tiết/tuần, ngoài ra còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác như chấm bài, trả bài, thực hiện hồ sơ, tập huấn, tham gia các phong trào,… nên mỗi giáo viên khi dạy thêm phải đảm bảo sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
Người viết cho rằng mỗi giáo viên nên chỉ được cấp phép dạy thêm tối đa 3 nhóm để vừa sức chịu đựng của giáo viên và học sinh tránh tình trạng giáo viên dạy thêm quá tải.
Và, quy định mỗi nhóm tối đa 15 học sinh là phù hợp với việc dạy thêm, kèm cặp học sinh tiến bộ.
Thứ ba, không dạy thêm học thêm trước 7 giờ, sau 20 giờ
Theo người viết để vừa sức chịu đựng của giáo viên, học sinh và phù hợp khoa học, khi ban hành quy định về dạy thêm học thêm nên quy định không dạy trước 7 giờ, không dạy khoảng thời gian 12 đến 13 giờ, không dạy sau 20 giờ.
Quy định như vậy để đảm bảo khoa học về học tập và nghỉ ngơi hợp lý cho cả giáo viên và học sinh.
Thứ tư, nên áp giá trần dạy thêm học thêm mỗi nhóm
Hiện nay, việc thu tiền dạy thêm học thêm mỗi nơi một kiểu, khó quản lý, kiểm tra nên người viết cho rằng nên áp giá trần mỗi nhóm học thêm, có thể mỗi nhóm không được thu quá 5 triệu đồng/tháng chẳng hạn, để tránh kiểu lạm thu khi dạy thêm.
Thứ năm, ban hành quy định cụ thể khi vi phạm dạy thêm học thêm
Khi ban hành quy định mới thay thế Thông tư 17, phải quy định cụ thể phân cấp quản lý, mức xử lý vi phạm khi giáo viên vi phạm dạy thêm.
Giáo viên là người vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, am hiểu pháp luật, phải làm gương nếu cố tình vi phạm nên được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Ban hành quy định cụ thể về dạy thêm học thêm vừa giúp giáo viên có cơ hội kiếm nguồn thu nhập hợp pháp từ làm thêm còn giúp quản lý các hoạt động giáo dục một cách chặt chẽ, khoa học, tránh gây bức xúc trong xã hội.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/bo-gd-yeu-cau-chu-trong-thanh-kiem-tra-kinh-phi-hoat-dong-cua-ban-dai-dien-cmhs-post229559.gd
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-17-2012-TT-BGDDT-day-hoc-them-139414.aspx
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-2499-QD-BGDDT-2019-cong-bo-het-hieu-luc-cac-Dieu-Thong-tu-day-them-hoc-them-422996.aspx