Cần sớm 'hạ nhiệt' giá cước vận tải
Giá xăng đã liên tiếp giảm, nhưng giá cước vận tải tại Hà Nội vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp viện đủ lý do trì hoãn cho nên các cơ quan quản lý cần phải có những động thái quyết liệt hơn để sớm hạ nhiệt giá cước.
Giữa giờ chiều chủ nhật 14/8, anh Vũ Ngọc Hà ở phường Giang Biên (quận Long Biên) đặt grabcar sang phố Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm). Cứ nghĩ đặt xe vào ngày cuối tuần, vào giờ thấp điểm, trong khi giá xăng đã giảm mạnh so với tháng trước, nhưng anh Hà vẫn giật mình khi giá cước là 127 nghìn đồng cho quãng đường chưa đến 10km. “Tôi không hiểu vì sao giá cước taxi vẫn cao như thế, bởi xăng, dầu đã liên tục giảm thời gian gần đây. Tôi nghĩ, cơ quan quản lý phải sớm vào cuộc để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng”.
Tăng cao, giảm… nhỏ giọt
Trước đó, từ giữa tháng 3/2022, để thích ứng với những biến động về giá xăng, dầu và giá tiêu dùng, Grab là hãng xe công nghệ đầu tiên thông báo tăng giá cước để bù đắp một phần chi phí vận hành của tài xế. Theo đó, giá grabcar tăng từ 20.000 đồng lên 29.000 đồng/2km đầu tiên với xe bốn chỗ, các km tiếp theo tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 đồng. Hiện tại dù giá xăng, dầu giảm sâu, giá cước tối thiểu 2km đầu tiên vẫn “neo” ở 29.000 đồng cùng loạt “ma trận” phụ phí bủa vây người dùng như phí thay đổi lộ trình, phụ phí ban đêm...
Trong khi đó, giá cước becar đã giảm nhẹ từ 30 nghìn đồng/2km đầu tiên xuống còn 27.500 đồng, một km tiếp theo là 9.350 đồng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần giảm nữa. Nhiều loại hình vận tải khác tại Hà Nội vẫn giữ giá cước cao ngất ngưởng, chỉ có một số doanh nghiệp giảm với mức giảm khiêm tốn, còn đa số vẫn neo cao. Trong khi đó, sau năm lần giảm giá liên tục, giá xăng dầu đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh vào tháng 6/2022.
Khảo sát thực tế tại một số bến xe ở Hà Nội cho thấy, giá vé các nhà xe niêm yết gần như vẫn giữ nguyên như tại thời điểm trước đây hơn một tháng, khi giá xăng, dầu chưa giảm. Như tuyến Hà Nội-Lào Cai, giá vé giường nằm được bán cho khách dao động từ 210.000-220.000 đồng/lượt. Hay như tuyến Hà Nội- Vinh (Nghệ An), giá vé giường nằm được các nhà xe niêm yết ở mức 220.000 đồng đến 290.000 đồng/lượt. Các tuyến khác như Hà Nội-Thanh Hóa, Hà Nội-Cao Bằng, Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội-Hà Giang... giá vé được niêm yết vẫn giống như cách đây hơn một tháng. Điều này có nghĩa, dù giá xăng, dầu đã giảm tới hơn 20% trong thời gian gần đây nhưng giá vé xe khách vẫn không hề giảm.
Cần biện pháp quyết liệt hơn
Lý giải cho việc giữ nguyên giá vé khi giá xăng, dầu đã giảm, đại diện các doanh nghiệp vận tải cho rằng, mức giá vé hiện nay đang niêm yết trên thực tế đã được áp dụng từ đầu năm 2022. Từ đó đến nay, trải qua nhiều lần biến động lớn về giá của xăng, dầu, trong đó có nhiều đợt tăng phi mã hồi đầu năm 2022, nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn giữ nguyên giá vé. Bởi vậy, hiện nay, dù giá xăng, dầu đã giảm hơn 20% so với thời điểm hơn một tháng trước nhưng các nhà xe vẫn giữ nguyên giá vé là phù hợp.
Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát Đỗ Văn Bằng cho biết, trên lý thuyết khi giá nhiên liệu ngoài thị trường biến động ở mức độ nào đó thì giá cước vận tải cũng tăng hoặc giảm theo. Tuy nhiên, cần phải xem doanh nghiệp xây dựng phương án giá cước ở thời điểm nào. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp xây dựng phương án giá cước tại thời điểm xăng, dầu hơn 30.000 đồng/lít thì khi giá xuống mức 25.000 đồng/lít thì bắt buộc phải hạ giá vé vận tải. Trường hợp doanh nghiệp làm phương án giá cước khi xăng, dầu ở mức 25.000 đồng/lít thì đến giờ mới đủ bù chi phí và bắt đầu có lãi để duy trì hoạt động.
Trước tình trạng “câu giờ” của các doanh nghiệp, mới đây Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phải có văn bản gửi các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, vận chuyển hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố phải thực hiện rà soát các chi phí cấu thành giá, thực hiện kê khai giảm giá cước khi giá nhiên liệu tiếp tục giảm; thực hiện lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá đã kê khai theo quy định.
Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ kê khai giá cước kiểm soát chặt các nội dung kê khai của các đơn vị khi đến nộp. Theo đó, kiên quyết không cho kê khai tăng giá cước khi không có đủ cơ sở; có văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân đang thực hiện kê khai giá tại địa bàn thuộc quận, huyện, thị xã quản lý, rà soát các chi phí cấu thành giá, điều chỉnh kê khai giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm để góp phần vào công tác bình ổn giá chung trên địa bàn thành phố. Hy vọng rằng với động thái quyết liệt này từ các cơ quan quản lý sẽ giúp cho giá cước vận tải sớm “hạ nhiệt” trong thời gian tới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-som-ha-nhiet-gia-cuoc-van-tai-post710590.html