Cần sớm làm rõ nguyên nhân nguồn nước sông Sa Lung bị ô nhiễm
Trong những năm gần đây, nguồn nước sông Sa Lung (huyện Vĩnh Linh) thường xuyên bị ô nhiễm, chất lượng nước không đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Vấn đề này cần được các cơ quan chức năng, địa phương liên quan sớm làm rõ để có giải pháp khắc phục.
Nước sông ô nhiễm, tôm chết hàng loạt
Ngày 5/9/2023, trên mạng xã hội xuất hiện video clip do một số người dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh chia sẻ, ghi lại cảnh xả nước thải từ phía thượng nguồn ra sông Sa Lung vào ngày 5/9/2023. Theo đoạn video clip, một số hộ dân khi phát hiện nước sông Sa Lung có mùi và màu lạ đã đi ngược lên thượng nguồn thì phát hiện đập thủy lợi Sa Lung đang xả nước. Thời điểm này, nước thải ra có màu đen kèm theo mùi hôi nồng nặc. Sau đó, người dân đã báo chính quyền địa phương nhưng không ai có mặt.
Công trình thủy lợi Sa Lung có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt và điều hòa nguồn nước, bảo đảm cấp nước tưới cho 700 ha lúa vụ đông xuân và 245 ha lúa vụ hè thu. Đồng thời, cấp nước cho 200 ha nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 5.000 người dân và cải tạo môi sinh, môi trường các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn, Hiền Thành.
Trước đó, chất lượng nguồn nước sông Sa Lung không đảm bảo khi cơ quan chức năng lấy mẫu, phân tích. Cụ thể, sau khi lấy mẫu vào đầu tháng 4 và ngày 17/4/2023, đến cuối tháng 4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản thông báo, 3/5 mẫu nước được lấy trên sông Sa Lung và điểm giao nhau giữa sông Sa Lung và sông Bến Hải có các thông số vượt giới hạn B1 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Gần đây, qua 4 đợt lấy mẫu, quan trắc nguồn nước thượng lưu công trình thủy lợi Sa Lung (từ ngày 14/7 - 16/8/2023), kết quả cho thấy, nồng độ oxy hòa tan tại tầng giữa, tầng đáy thấp và nguồn nước bị ô nhiễm vi sinh vật; không đáp ứng mục đích tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự.
Thực tế này gây khó khăn cho sản xuất, nhất là việc nuôi tôm của người dân các xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Vĩnh Lâm. Như vụ tôm năm nay ở xã Vĩnh Sơn, nơi được xem là “thủ phủ” nuôi tôm của huyện Vĩnh Linh với khoảng 170 ha thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nhiều người nuôi tôm không thể lấy nước để thả giống theo khung lịch thời vụ do nguồn nước từ sông Sa Lung bị ô nhiễm. Nhiều hộ kịp lấy nước thả nuôi thì sau một thời gian nuôi, tôm chết hàng loạt, thiệt hại kinh tế rất lớn. Người dân cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến tôm chết là do chất lượng nguồn nước không đảm bảo.
Không chỉ ở Vĩnh Sơn, tại các vùng nuôi tôm ở xã Hiền Thành, Vĩnh Lâm chất lượng nguồn nước không đảm bảo cũng khiến nông dân không thể nuôi tôm đúng lịch thời vụ, việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng.
“Nguồn nước bị ô nhiễm đã khiến việc nuôi tôm của bà con đã khó càng thêm khó. Năm 2023, trên diện tích khoảng 4.000 m2, tôi chỉ thả gần 4 vạn con tôm giống thay vì khoảng 10 vạn như trước nhưng rồi tôm vẫn bị chết”, ông Trần Văn Phú, ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn ngao ngán nói. Ông Huỳnh Hữu Thành, ở thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn cho biết: “Mong muốn của người dân là các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác định nguyên nhân nước sông Sa Lung ô nhiễm, từ đó có giải pháp xử lý hiệu quả để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân...”.
Cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc
Sau ngày 5/9/2023, thời điểm người dân chia sẻ video clip ghi lại cảnh đập thủy lợi Sa Lung đang xả nước có màu đen kèm theo mùi hôi, UBND tỉnh, UBND huyện Vĩnh Linh đã có nhiều chỉ đạo. Cụ thể, ngày 12/9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng ký văn bản 4610/UBND - KT chỉ đạo các ngành chức năng, UBND huyện Vĩnh Linh tăng cường thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường nước sông Sa Lung.
Trong đó, yêu cầu Công an tỉnh thành lập tổ công tác và tổ chức thực hiện chuyên đề để trinh sát thường xuyên, đấu tranh, phát hiện và xử lý, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi xả nước thải trái pháp luật vào môi trường, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh; Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Công an tỉnh kiểm tra, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Sa Lung, thực hiện nghiêm việc quản lý nhà nước, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/9/2023.
UBND huyện Vĩnh Linh thành lập các tổ giám sát cộng đồng tại các xã thuộc lưu vực sông Sa Lung, đặc biệt là ở các địa phương có các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm theo dõi, giám sát chặt chẽ, phát hiện và báo cáo kịp thời các hiện tượng bất thường có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan có phương án và giải pháp để giải quyết dứt điểm môi trường nước sông Sa Lung trước ngày 25/9/2023.
“Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, trong ngày 9/9/2023, UBND huyện Vĩnh Linh cũng đã có văn bản chỉ đạo Công an huyện tăng cường tuần tra, trinh sát thường xuyên trên địa bàn để nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nếu phát hiện các nguồn xả thải gây ô nhiễm môi trường vào công trình thủy lợi Sa Lung.
Phòng Tài nguyên - Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về môi trường. Tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thực hiện mấy mẫu quan trắc đánh giá chất lượng nguồn nước ở các vị trí có nguy cơ ô nhiễm cao; tìm nguyên nhân và xử lý vi phạm đối với các cơ sở xả thải trái phép vào sông Sa Lung. UBND các xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Long tăng cường thực hiện giám sát cộng đồng. Khuyến khích người dân tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường và nuôi tôm đúng khung lịch thời vụ...”, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết.
Sông Sa Lung có vai trò quan trọng đối với sản xuất, sinh hoạt của người dân nhiều xã thuộc huyện Vĩnh Linh. Vì vậy, việc làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Sa Lung, xử lý các hành vi phạm cũng như triển khai các giải pháp khắc phục cần phải được thực hiện nghiêm túc, kịp thời.