Cần sớm quản lý sản phẩm thuốc lá làm nóng

Tuy chưa chính thức được thương mại tại Việt Nam, nhưng hoạt động mua bán thuốc lá làm nóng (TLLN) hiện đang diễn ra khá sôi động trên thị trường chợ đen, nhất là các trang mạng xã hội.

Người mua hỏi gì, người bán đều có thể đáp ứng đầy đủ, từ thiết bị tới sản phẩm thuốc lá đi kèm và các phụ kiện khác…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định TLLN là sản phẩm thuốc lá. Do đó, TLLN chịu sự điều chỉnh của Công ước khung FCTC và tương ứng với Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) của từng quốc gia. Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cũng chính thức phân loại sản phẩm TLLN theo mã HS.2403.99 (sản phẩm thuốc lá khác).

Ở nước ta, TLLN hiện đang được nhiều cơ quan chức năng đề xuất đưa vào quản lý trong khuôn khổ Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) năm 2012. Mặc dù Luật PCTHTL không nhắc tới TLLN vì thời điểm đó sản phẩm này chưa xuất hiện tại Việt Nam. Thế nhưng, xét theo định nghĩa thì rõ ràng TLLN được xem là một “dạng thuốc lá khác”.

Còn tại thời điểm này, khi chưa có quy định cụ thể và chính thức nào đối với TLLN, thì toàn bộ hoạt động mua bán trao đổi vẫn được xem là bất hợp pháp.

Dạo một vòng trên Facebook, không khó để thấy rất nhiều hội nhóm mua bán trao đổi TLTN, mà thành viên mua và bán đến từ nhiều tỉnh, thành cả nước. Dò hỏi thêm thì được biết, trước đây các “trang chợ” này đa phần hoạt động ở các thành phố lớn, nhưng ngày càng có nhiều thành viên, cả mua lẫn bán đến từ các tỉnh thành nhỏ. Một vài trang có hơn 10.000 thành viên, hoạt động mua bán, tư vấn diễn ra vô cùng sôi nổi. Bất cứ ai, ở bất kì độ tuổi nào cũng dễ dàng trở thành thành viên, bằng cách trả lời nhanh một vài câu hỏi mang tính chất… thủ tục.

Hầu như người mua cần gì cũng có, từ thiết bị tới sản phẩm thuốc lá đi kèm hay các phụ kiện khác… Sản phẩm đều là hàng xách tay, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, hỏi thì người bán đều bảo là “hàng” từ Nga, Hàn, hay Nhật, Mỹ với đủ loại giá cả. Thậm chí, giá bán còn phụ thuộc vào việc người bán muốn “hét” bao nhiêu và mức độ khan hiếm của hàng vào thời điểm đó. Đáng báo động nhất, là tình trạng người bán vô tư bán cho mọi đối tượng mà không cần hỏi tuổi, tình trạng hút thuốc, miễn người mua cần là có.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, có gần 1.400 bài đăng một loại thuốc lá làm nóng (TLLN) trên mạng. Năm 2019, riêng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội, kiểm tra 6 vụ việc và đã thu khoảng 1.000 sản phẩm liên quan. Thế nhưng, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, tính riêng mặt hàng này đã thu giữ hàng ngàn sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Cộng đồng mua bán trao đổi TLLN hoạt động sôi nổi trên mạng (Ảnh: PV)

Cộng đồng mua bán trao đổi TLLN hoạt động sôi nổi trên mạng (Ảnh: PV)

Cộng đồng mua bán trao đổi TLLN hoạt động sôi nổi trên mạng (Ảnh: PV)

Cộng đồng mua bán trao đổi TLLN hoạt động sôi nổi trên mạng (Ảnh: PV)

Mặc dù các sản phẩm TLLN có chứa nguyên liệu thuốc lá, người dùng không thể tự ý thay đổi thành phần cấu tạo hay trộn bất cứ thứ gì khi đưa sản phẩm thuốc lá vào trong thiết bị để làm nóng. Thế nhưng, việc mua bán hàng trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm sẽ không đảm bảo và ảnh hưởng tới sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, để đẩy nhanh hàng, các tay “buôn lậu” không cần sàng lọc đối tượng khách hàng, vô tư để sản phẩm tiếp cận đến giới trẻ, hoặc những người đã bỏ thuốc thành công. Điều này hoàn toàn đi ngược với mục tiêu phòng, chống tác hại thuốc lá.

Chính vì vậy, Viện Nghiên cứu R Street (Mỹ) cho rằng, các nước cần hợp thức hóa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới để ngăn ngừa sự tiếp cận của giới trẻ (bên cạnh các biện pháp khác như tăng độ tuổi sử dụng từ 18 lên 21). So với hậu quả của việc không kiểm soát được tình trạng mua bán trôi nổi tràn lan trên thị trường, sẽ hiệu quả hơn nếu hợp thức hóa các sản phẩm này kèm yêu cầu nhà sản xuất hợp pháp thực hiện các biện pháp giảm thiểu sự hấp dẫn với giới trẻ và quy định sản phẩm như một biện pháp giảm thiểu tác hại thay thế cho người trưởng thành lựa chọn việc tiếp tục hút thuốc.

WHO xác định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá (Ảnh: FDA - Mỹ)

WHO xác định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá (Ảnh: FDA - Mỹ)

Trên thế giới, hiện có hơn 60 quốc gia đã chính thức cho phép sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối trên thị trường các loại sản phẩm TLLN như là một sản phẩm thay thế giảm thiểu tác hại, trong đó có Mỹ, Canada, Anh, Nhật, Thụy Điển, Đức... Riêng tại Nhật Bản, dù TLLN đã được đề cập trong Đạo luật Kinh doanh Thuốc lá nhưng khung pháp lý quy định danh mục sản phẩm này ít nghiêm ngặt hơn so với thuốc lá điếu đốt cháy, bao gồm cả về việc áp thuế, cảnh báo sức khỏe và hạn chế sử dụng.

LAN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/can-som-quan-ly-san-pham-thuoc-la-lam-nong-953753.html